Diên hồ sách còn có tên gọi khác Huyền hồ sách, Nguyên hồ sách, Khuê nguyên hồ,… Thuốc có tác dụng giảm đau, trấn kinh an thần, gíup ngủ tốt. Vậy có những bài thuốc trị bệnh hiệu quả từ dược liệu diên hồ sách hiện nay? Cách dùng dược liệu này như thế nào? Hãy cùng Medplus tìm hiểu rõ hơn về loại dược liệu này nhé!
1. Thông tin dược liệu
Tên thường gọi: Diên hồ sách; Huyền hồ sách; Nguyên hồ sách; Khuê nguyên hồ,…
Tên khoa học: Corydalis ambigua Champ et Schlecht.,
Họ: Papaveraceae.
Đặc điểm dược liệu
Cây diên hồ sách là cây thảo sống nhiều năm, tự sinh ở nơi sơn dã, dưới đất có rễ củ hình cầu, thân nhỏ yếu, cao chừng 0,5m, lá mọc đối có mép nguyên, hoa nở vào mùa xuân ở cuối thân cây, màu hồng nhạt hoặc hoa đỏ màu tím, hoa hình môi gồm 1 mặt há ra, sắp xếp thành chùm.
Bộ phận dùng
Củ rễ (Corydalistuber).
Thu hái và chế biến
Thu hoạch sau tiết lập xuân. Đào củ rễ lên, sau đó đem rửa sạch đất cát, phơi nắng và cất dùng dần. Dược liệu sao khi phơi khô có mặt ngoài vàng tươi hoặc màu vàng đất, đường kính khoảng 1 – 1.5cm. Bề mặt có nhiều vết lăn gang, củ vàng ánh, cứng chắc.
Khi dùng, có thể bào chế huyền hồ với giấm (cứ 10kg dược liệu thì dùng 2kg giấm). Đem đun với lửa nhỏ cho đến khi giấm cạn hoàn toàn. Sau đó đem phơi khô, tán bột, tẩm muối hoặc rượu tùy theo mục đích sử dụng.
Phân bố
Cây mọc nhiều các một tỉnh Trung Quốc như Triết Giang, Phúc Kiến, Nhiệt Hà. Trong đó dược liệu ở Triết Giang có chất lượng tốt nhất.
2. Công dụng và tác dụng chính
Thành phần hóa học
Dược liệu chứa một số alkaloid như protin, corybolbin, dehydrocorydalin, corydalin,…
Tính vị
Vị cay hơi đắng, khí ấm.
Quy kinh
Quy vào kinh Phế, Vị, Tâm và Can.
Tác dụng dược lý
Theo y học hiện đại
- Dược liệu làm tăng nồng độ nội tiết được vỏ tuyến thượng thận sản sinh.
- Huyền hồ có tác dụng cải thiện giấc ngủ, giảm đau, an thần.
- Thực nghiệm trên thỏ cho thấy, dược liệu làm tăng lưu lượng máu ở động mạch vành tim.
- Huyền hồ làm giảm nhẹ lượng mỡ ở chuột bị xơ vữa động mạch.
- Thuốc ức chế loét dạ dày do histamine và acid acetic ở chuột thực nghiệm.
Theo y học cổ truyền
- Công năng: Chỉ thống, tán ứ, hoạt huyết, lợi khí. Tẩm với giấm làm tăng tác dụng giảm đau, tẩm rượu tăng tác dụng hành huyết. Sao vàng có tác dụng điều huyết, còn dùng sống có tác dụng phá huyết.
- Chủ trị: Đau bụng do khí hư, rối loạn kinh nguyệt, bế kinh, huyết ứ gây đau, chấn thương tụ máu, sản hậu ứ huyết thành hòn cục, trị đau nhức toàn thân, thông lợi tiểu tiện
Cách dùng và liều lượng
Thuốc được dùng ở dạng tán, hoàn, sắc và thường được phối hợp với các dược liệu khác. Ngày dùng khoảng 4 – 10g.
3. Bài thuốc chữa bệnh
Trị ho bất luận gìa hay trẻ
Diên hồ sách 1 lượng, 2,5 chỉ khô phàn tán bột, mỗi lần uống 6g với 1 cục kẹo mạch nha ngậm nuốt từ từ (Nhân Tồn Đường Phương).
Trị chảy máu cam
bột Diên hồ sách gói trong bông sạch nhét trong lỗ tai, hễ máu chảy bên phải thì nhét bên trái và ngược lại (Phổ Tế Phương).
Trị tiểu ra máu
1 lượng Diên hồ sách, 7,5 chỉ Phác tiêu, tán bột, mỗi lần uống 4 chỉ sắc uống (Hoạt Nhân Thư Phương).
Trị tiểu tiện không thông
dùng “Niệp đầu tán” trị trẻ con tiểu không thông, dùng Diên hồ sách, Xuyên luyện tử, 2 vị bằng nhau tán bột lần uống nửa chỉ đến 1 chỉ với nước sôi cho vào vài giọt dầm mè (Tiểu Nhi Chân Quyết Phương).
Trị đau phần ngoài do khí và khí kết khối
Diên hồ sách tán bột với tụy tạng heo, xắt ra từng miếng, nấu chín, chấm bột thuốc ăn (Thắng Kim Phương).
Trị đau tim do nhiệt quyết, khi đau khi không, lâu ngày khó trị, mình nóng chân lạnh
Huyền hồ sách bỏ vỏ, dùng thịt quả Kim linh tử, 2 vị bằng nhau tán bột uống với rượu nóng hoặc nước sôi lần 2 chỉ (Thánh Huệ Phương).
Trị bệnh khí huyết của đàn bà, quặn đau trong bụng, kinh nguyệt không đều
Huyền hồ sách bỏ vỏ sao giấm, Đương quy tẩm rượu sao mỗi thứ 1 lượng, Quất hồng 2 lượng tán bột trộn rượu, nấu viên hồ làm bằng hạt ngô đồng, lần uống 100 viên lúc đói với nước dấm sắc, uống trung với Ngải cứu (Phổ Tế Phương).
Trị các loại đau sau khi sinh
Hễ sau khi sinh đẻ, những ô uế trong người chưa ra sạch, bụng căng đầy và huyết vận sau khi sinh, tức cứng ở tim hoặc sốt rét không dứt hoặc bứt rứt, bồn chồn, tay chân hâm hấp nóng, khí lực muốn hết. Các chứng ấy đều có thể dùng Diên hồ sách sao nghiền uống với rượu, mỗi lần 6g (Thánh Huệ Phương).
Trị trẻ con đau quặn trong ruột
Diên hồi sách, Hồi hương, 2 vị bằng nhau, nghiền sao, uống lúc đói với nước cơm (Vệ Sinh Gia Giảm Phương).
Trị sán khí (thoát vị) nguy cấp
Huyền hồ sách sao muối, Toàn yết bỏ phần độc, dùng sống, 2 vị bằng nhau tán bột, mỗi lần uống 1,5g lúc đói với rượu muối (Trực Chỉ Phương).
Trị đau đầu một bên hoặc giữa đầu chịu không nổi
dùng Huyền hồ sách 7 củ, Thanh đại 2 chỉ, Trư nha tạo giác 2 trái bỏ vỏ hạt tán bột trộn nước làm viên như hạt Hạnh nhân lớn. Khi dùng lấy một viên hoà nước gịo vào mũi bệnh nhân, đau bên nào giọt bên ấy, đồng thời trong miệng ngậm 1 đồng tiền bằng đồng khi có nhiều nhớt nhãi chảy ra thì bớt (Vĩnh Loại Kiềm Phương).
Trị té ngã từ trên cao rơi xuống, làm đau nhức gân cốt
dùng Diên hồ sách nghiền bột, uống với rượu đậu lần 2 chỉ ngày 2 lần (Thánh Huệ Phương).
Trị đàn bà đau bụng do khí ngưng huyết trệ
dùng ‘Diên Hồ Sách Tán’ gồm Diên hồ, Đương quy, Xuyên khung, Quế tâm, Mộc hương, Chỉ xác, Xích thược, Đào nhân, Địa hoàng (Phụ Khoa Phương).
Trị đau ở vùng vị quản
Diên hồ sách, Ngũ linh chi, Nga truật, Cao lương khương, Đương quy (Dũ Thống Tán- Thẩm Thị Tôn Sinh).
Trị đau bụng do bế kinh
Diên hồ sách, Đương quy, Thược dược, Hậu phác mỗi thứ 3 chỉ, Tam lăng, Nga truật, Mộc hương mỗi thứ 1,5 chỉ. Sắc uống (Diên Hồ Sách Thang – Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Trị đau bụng có kinh
Diên hồ sách (sao rượu) 2 lượng, Hương phụ (sao dấm) 4 lượng. Tán bột lần uống 2 chỉ với rượu nóng (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Trị loét dạ dầy tá tràng, các chứng đau nhức do viêm dạ dầy, đau thần kinh chức năng dạ dầy do khí trệ hoặc kiêm ứ huyết sinh ra
Diên hồ sách 9 phần. Thiên tử 1 phần tán bột lần uống 3 chỉ, ngày 2-3 lần, uống với nước (Thống Kinh Tán – (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
Trị đau nhức thần kinh mặt
Diên hồ sách, Xuyên khung, Bạch chỉ mỗi thứ 5 chỉ, Thương nhĩ tử 3 chỉ sắc uống (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).
4. Những điều cần lưu ý khi dùng dược liệu
Trong quá trình điều trị bệnh bằng diên hồ sách cần lưu ý: Có kinh trước kỳ, người hư huyết, có chứng băng huyết, rong kinh, sản hậu, huyết hư, chóng mặt thì không nên dùng. Kỵ thai.
5. Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Dược Liệu cũng như một số bài thuốc hay về vị thuốc này nhé!
Lưu ý:
- Thông tin về dược liệu mang tính chất tham khảo
- Quý độc giả không nên tự ý sử dụng phối bài thuốc mà sử dụng
- Quý độc giả nên tham vấn ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng, để hạn chế tác dụng phụ và tác dụng không mong muốn
Nguồn: tracuuduoclieu.vn
Xem thêm bài viết: