Tri Mẫu luôn được xem là dược liệu quý trong Y học với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về đặc điểm của dược liệu này. Hôm nay medplus xin giới thiệu đến bạn đọc các công dụng cũng như bài thuốc tiêu biểu từ loại dược liệu này nhé!
Thông Tin Dược Liệu
Tên tiếng Việt: Tri mẫu
Tên khoa học: Anemarrhena asphodeloides Bunge
[elementor-template id="263870"]
Họ: Liliaceae (Hành)
1. Đặc điểm dược liệu
Tri mẫu là một loại cây thân cỏ sống lâu năm có chiều cao trung bình ở vào khoảng 60 – 90cm. Lá của cây mọc vòng, hẹp và có đầu nhọn với chiều dài từ 20 – 30cm, các lá mọc ở phía dưới ôm vào nhau.
Tri mẫu thường ra hoa vào mùa hè. Một cụm hoa sẽ có nhiều bông hoa nhỏ màu trắng hay màu tím nhạt. Quả của cây là quả nang, hình trứng với phần đầu nhọn và có cánh, ở bên trong chứa khoảng 1 – 2 hạt màu đen hình tam giác.
Phần rễ của cây là rễ cọc, có hình trụ hoặc hình khúc dẹt, phân nhánh và dài khoảng 3 – 15cm, có đường kính khoảng 0,8 – 1,5cm. Rễ cứng và dễ bẻ gãy, khi bẻ ra sẽ thấy có mùi thơm nhẹ.
2. Bộ phận dùng
Rễ của cây tri mẫu chính là bộ phận được sử dụng để làm vị thuốc.
3. Phân bố
Cây tri mẫu đến nay vẫn chưa được trồng ở nước ta. Nguồn nguyên liệu dùng làm thuốc hiện nay chủ yếu đến từ Trung Quốc.
4. Thu hái và sơ chế
Dược liệu tri mẫu được thu hái vào khoảng tháng 3 – 4 hằng năm. Sau khi đào rễ sẽ tiến hành loại bỏ rễ con rồi đem rửa sạch và phơi hoặc sấy khô.
5. Bảo quản
Cần bảo quản dược liệu trong túi kín, để nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nấm mốc và mối mọt.
Công dụng và Liều dùng
1. Tính vị
Tri mẫu có vị đắng, tính hàn và không độc.
2. Thành phần hóa học
Saponin (ở dạng asphori) là thành phần hóa học chủ yếu được tìm thấy trong dược liệu này. Ngoài ra, nó còn có chứa các thành phần khác như vitamin PP, chất dính, chất nhầy… cùng nhiều thành phần chưa được xác định cụ thể.
3. Tác dụng dược lý
Theo y học hiện đại
- Giảm thân nhiệt: Đối với cả chứng hư hay thực nhiệt thì kết quả nghiêm cứu thực nghiệm cho thấy tri mẫu đều có tác dụng hạ thân nhiệt rõ rệt.
- An thần: Dược liệu có thể làm giảm tính hưng phấn của hệ thống thần kinh. Tác dụng này của tri mẫu sẽ phát huy tốt hơn khi kết hợp với các dược liệu khác. Kết hợp với toan táo nhân sẽ làm giảm tính hưng phấn vỏ đại não, hỗ trợ điều trị mất ngủ. Kết hợp với hoàng bá sẽ giúp làm giảm tính kích thích tình dục. Kết hợp với bạch thược có thể làm tăng hưng phấn thần kinh cơ. Và khi kết hợp với quế chi sẽ cho tác dụng giảm đau trong trường hợp thấp khớp.
- Kháng khuẩn: Tri mẫu được chứng minh là có tác dụng ức chế hoạt động của trực khuẩn thương hàn, tụ cầu khuẩn hay trực khuẩn đường ruột.
Theo y học cổ truyền
- Tư thận, bổ tỳ, ích khí, tán hỏa nên được dùng chủ trị bệnh tiểu đường.
- Tác dụng thanh nhiệt, nhuận phế, tư thận bổ thủy.
- Chủ trị sốt cao, đổ nhiều mồ hôi, sốt khát nước.
- Có tác dụng chữa ho, viêm khổi, viêm tai giữa mãn tính.
- Chữa phụ nữ động thai.
4. Cách dùng – liều lượng
Tùy thuộc vào mục đích sử dụng mà có thể dùng dược liệu theo nhiều cách khác nhau. Trường hợp dùng thuốc ở dạng sắc thì chỉ nên dùng trong khoảng từ 4 – 10g/ngày.
Các bài thuốc tiêu biểu từ Dược Liệu
1. Bài thuốc sinh thân chỉ khát
- Chuẩn bị: 16g tri mẫu, 16g thiên hoa phấn, 12g cát căn, 16g sơn dược, 12g hoàng kỳ, 8g ngũ vị tử, 12g kê nội kim.
- Thực hiện: Sắc thuốc để uống mỗi ngày 1 thang. Dùng đặc trị các triệu chứng bệnh đái tháo đường.
2. Nhuận phổi, dịu ho
- Bài thuốc 1: Cần có 12g tri mẫu, 12g bối mẫu. Sắc mỗi ngày 1 thang thuốc để uống. Sử dụng trong một số trường hợp như viêm phế quản mãn tính, viêm phổi, ho vì âm hư phổi nhiệt.
- Bài thuốc 2: Chuẩn bị 16g tri mẫu, 8g bối mẫu, 12g hoàng kỳ, 8g sài hồ, 12g tử uyển, 12g hạnh nhân, 12g mã đậu linh, 12g pháp bán hạ, 12g tang bạch bì, 12g khoảng đông hoa và 2g bạch phàn. Sắc uống 1 thang/ngày chủ trị ho do nhiệt phổi, có đờm vàng, tinh thần mệt mỏi.
3. Hỗ trợ điều trị ung thư dạ dày, thực quản
- Chuẩn bị: 15g tri mẫu, 20g đương quy, 20g đẳng sâm, 15g thiên môn, 15g đại giả thạch, 10g thị sương, 8g bán hạ.
- Thực hiện: Tất cả nguyên liệu đã chuẩn bị cho vào ấm sắc chung với 800ml nước đến khi còn phân nửa. Mỗi ngày chỉ dùng 1 thang thuốc duy nhất.
4. Chữa ôn bệnh, miệng khô khát, sốt cao nhức đầu
- Chuẩn bị: 20g tri mẫu, 40g thạch cao, 40 – 60g gạo tẻ, 8g cam thảo.
- Thực hiện: Các nguyên liệu cho vào ấm để sắc cùng với 1 lít nước. Đến khi lượng nước rút còn phân nửa thì tắt bếp. Nên uống khi nước thuốc còn đủ độ ấm.
5. Chữa sốt về chiều, đổ nhiều mồ hôi
- Chuẩn bị: 16g tri mẫu, 12g mạch môn và 14g hoàng bá.
- Thực hiện: Sắc chung các dược liệu với 600ml nước trên lửa nhỏ trong 10 phút. Uống mỗi ngày 1 thang khi thuốc còn ấm.
Lưu Ý khi sử dụng Dược Liệu để trị bệnh
Tri mẫu mặc dù có tác dụng tốt trong điều trị nhiều bệnh lý nhưng trong quá trình sử dụng dược liệu này bạn cần hết sức chú ý. Tuyệt đối không sử dụng tri mẫu trong trường hợp tỳ hư hay tiêu chảy.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Dược Liệu cũng như một số bài thuốc hay về vị thuốc này nhé !
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn , tham khảo
Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam