Hen suyễn là tên gọi dân gian của hen phế quản. Đây là bệnh lý hô hấp mãn tính có thể gặp ở cả trẻ em và người lớn. Bệnh ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động sinh hoạt thường ngày của người bệnh. Hen suyễn là bệnh lý không thể chữa khỏi hoàn toàn nhưng việc tuân thủ điều trị giúp ích trong kiểm soát các triệu chứng của bệnh.. Cùng Songkhoe.medplus.vn tìm hiểu những thông tin bổ ích về bệnh hen suyễn thông qua bài viết dưới đây nhé!
Hen suyễn là bệnh gì ?
Hen suyễn (hen phế quản) là một căn bệnh mãn tính của hệ hô hấp. Khi xuất hiện cơn hen suyễn, lớp niêm mạc của ống phế quản sẽ sưng lên, viêm nhiễm và dễ bị kích ứng. Sự co thắt và viêm nhiễm sẽ làm các đường dẫn khí thu hẹp lại, từ đó giảm lưu lượng không khí ra vào phổi. Điều này làm cho bạn cảm thấy khó thở và kích thích cơn ho xuất hiện. Bạn thường nghe thấy âm thanh như tiếng huýt sáo khi thở ra và thở nông.
Nguyên nhân tại sao lại bị hen suyễn?
Nguyên nhân hen suyễn hiện nay chưa được thực sự hiểu rõ. Nhiều chuyên gia cho rằng tác nhân gây bệnh có sự phối hợp giữa yếu tố môi trường và các yếu tố di truyền. Việc phơi nhiễm với các dị nguyên có thể khởi phát các triệu chứng của bệnh hen suyễn trên lâm sàng.
Yếu tố dị nguyên gây hen rất đa dạng và khác nhau tùy theo từng bệnh nhân, bao gồm:
- Nhiễm khuẩn hô hấp trên do vi khuẩn, virus.
- Không khí lạnh.
- Bụi, khói thuốc lá, hóa chất trong không khí.
- Xúc cảm mạnh, stress.
- Tập luyện thể lực.
- Một số loại thuốc như: ức chế beta, aspirin, ibuprofen, naproxen.
- Một số loại thức ăn và nước uống cụ thể như: tôm, khoai tây chế biến sẵn, trái cây sấy khô, bia, rượu.
- Bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản.
Các triệu chứng thường gặp của bệnh hen suyễn
Tùy vào cơ thể mỗi người mà các triệu chứng hen suyễn ở mỗi người cũng khác nhau. Các dấu hiệu và triệu chứng hen suyễn bao gồm:
- Hụt hơi.
- Tức ngực hoặc đau.
- Thở khò khè khi thở ra, đó là dấu hiệu phổ biến của bệnh hen suyễn ở trẻ em.
- Khó ngủ.
- Các cơn ho hoặc thở khò khè bị làm nặng thêm bởi virus đường hô hấp như cảm lạnh hoặc cúm.
Khi bệnh diễn biến nghiêm trọng hơn thì tần suất xuất hiện của các cơn hen suyễn dày đặc hơn, triệu chứng khó thở trở nên nặng nề hơn. Và bệnh nhân cần được sử dụng thuốc cắt cơn đường hít thường xuyên hơn.
Các dấu hiệu của một cơn hen phế quản nặng, đe dọa tính mạng cần được đến các cơ sở y tế kịp thời:
- Thở dốc hoặc thở rít tiến triển nặng nề hơn một cách nhanh chóng.
- Triệu chứng không thuyên giảm sau khi sử dụng các thuốc giãn phế quản tác dụng nhanh bằng đường hít tại nhà như albuterol.
- Triệu chứng xuất hiện khi bệnh nhân đang nghỉ ngơi hay chỉ hoạt động nhẹ.
Nguy cơ mắc bệnh hen suyễn
Bệnh hen suyễn là bệnh mãn tính phổ biến nhất ở trẻ em. Nhưng bệnh vẫn có thể xuất hiện ở người lớn, đặc biệt là người lớn tuổi. Bệnh thường chớm phát trên người bệnh lúc còn nhỏ với các đối tượng phổ biến như:
- Mắc các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.
- Bị dị ứng, chàm.
- Tiền sử bố, mẹ hoặc gia đình có người mắc bệnh hen suyễn.
- Thừa cân.
- Hút thuốc hoặc tiếp xúc với khói thuốc thường xuyên.
- Tiếp xúc với khói thải hoặc các tác nhân gây ô nhiễm khác.
- Tiếp xúc với một số tác nhân do liên quan đến nghề nghiệp như hóa chất công nghiệp.
Chẩn đoán bệnh hen suyễn bằng cách nào?
Bác sĩ sẽ sử dụng nhiều cách khác nhau để xác định xem các triệu chứng có phải là kết quả của bệnh hen suyễn hay không. Một số cách chẩn đoán bệnh hen suyễn:
- Tiền sử bệnh. Nếu bạn có thành viên gia đình mắc chứng rối loạn hô hấp, nguy cơ của bạn sẽ cao hơn. Thông báo cho bác sĩ của bạn để kết nối di truyền này.
- Khám sức khỏe. Bác sĩ sẽ lắng nghe nhịp thở của bạn bằng ống nghe. Bạn cũng có thể được kiểm tra da để xem da có bị nổi mề đay hoặc chàm hay không. Vì dị ứng cũng là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn.
- Kiểm tra hơi thở. Các xét nghiệm chức năng phổi (PFT) đo lưu lượng khí vào và ra khỏi phổi của bạn. Đối với bài kiểm tra phổ biến nhất, phép đo phế dung, bạn thổi vào một thiết bị đo tốc độ của không khí.
Cách điều trị bệnh hen suyễn
Hiện tại chưa có cách nào có thể điều trị dứt điểm căn bệnh hen phê quản này. Tuy nhiên việc điều trị kiểm soát các triệu chứng của bệnh rất quan trọng. Một số cách điều trị bệnh hen suyễn bao gồm:
- Tiêm vắc-xin phòng bệnh cúm, viêm phổi.
- Xác định nguyên nhân gây ra các đợt hen cấp, ví dụ như phấn hoa, nấm mốc, không khí lạnh… Từ đó tìm cách tránh xa những tác nhân này.
- Uống thuốc đều đặn theo kê toa của bác sĩ. Thuốc điều trị hen suyễn có 2 loại: Thuốc kiểm soát lâu dài và thuốc tác động tức thời. Với thuốc kiểm soát lâu dài, người bệnh cần phải sử dụng mỗi ngày, kể cả khi không có triệu chứng gì. Các thuốc kiểm soát lâu dài thường được sử dụng bao gồm: Pulmicort, Rhinocort, Singulair (montelukast),… Thuốc tác động tức thời được sử dụng khi có biểu hiện của cơn hen cấp, bao gồm các thuốc như Ventolin, ProAir HFA…
Một số phương pháp phòng ngừa bệnh hen suyễn mà bạn cần biết
Cách phòng ngừa và điều trị tốt nhất là hãy tránh xa các tác nhân gây ra căn bệnh này.
- Tránh tiếp xúc với lông của vật nuôi: Nếu nằm trong đối tượng dễ mắc bệnh hen phế quản thì bạn nên tránh tiếp xúc với lông của các loại thú cưng như chó, mèo, chim cảnh…
- Đeo khẩu trang khi ra đường: Sử dụng khẩu trang ra đường để tránh các tác nhân gây ô nhiễm như khói bụi, thuốc lá,…
- Kiêng ăn các loại thực phẩm dễ gây dị ứng: Tôm, cua, đồ chiên nướng, rượu bia… thuộc nhóm dễ gây dị ứng. Những người có nguy cơ mắc bệnh hen suyễn nên thận trọng khi sử dụng các loại thức ăn này.
- Dọn dẹp nhà cửa đều đặn: Thường xuyên lau dọn nhà cửa, hút bụi bẩn, giặt giũ chăn, ga, gối, đệm để tiêu diệt các loại vi khuẩn, ký sinh trùng gây bệnh. Đây là một trong những cách loại bỏ tác nhân gây nên hen suyễn đơn giản, dễ thực hiện.
- Tập thể dục thường xuyên: Tập thể dục giúp củng cố sức khỏe của phổi và tim mạch. Tuy nhiên, người bị hen suyễn cần tập thể dục nhẹ nhàng vừa sức, tuyệt đối không tập gắng sức. Khi thời tiết lạnh khô, có thể tập trong nhà hoặc đeo khẩu trang để tránh hít không khí lạnh vào phổi
- Giữ ấm cho cơ thể: Không khí lạnh là một trong những tác nhân dễ gây ra những đợt hen suyễn cấp và các bệnh đường hô hấp khác. Do đó, bạn hãy giữ ấm cơ thể bằng cách chuẩn bị cho mình những chiếc găng tay, tất, khăn, mũ, áo khoác dày để bảo vệ cơ thể.
- Chế độ dinh dưỡng đầy đủ: chất đạm, chất béo, chất xơ. Ngoài ra cần bổ sung các loại thực phẩm tăng sức để kháng Vitamin C như cam, bưởi, sơ ri,…
Khi nào thì đến gặp bác sĩ
Các cơn hen suyễn nặng có khả năng gây đe dọa đến tính mạng. Do đó, bạn nên tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay khi thấy triệu chứng trở nên nghiêm trọng, bao gồm:
- Cảm thấy khó thở nhanh chóng
- Triệu chứng không cải thiện ngay cả khi đã sử dụng các ống hít giúp cắt cơn tức thời
- Thở hụt hơi, hơi thở ngắn ngay cả khi thực hiện các hoạt động thể chất nhẹ nhàng
Ngoài ra bạn cũng nên đến gặp bác sĩ nếu bạn nghi ngờ bản thân mắc bệnh hen phế quản. Việc xác định và điều trị sớm sẽ giúp ngăn ngừa những tổn thương lâu dài ở phổi và giúp bệnh tình không trở nặng theo thời gian.
Một số phòng khám trị bệnh hen suyễn uy tín:
- Top 5 phòng khám Hô Hấp uy tín TP.HCM
- Tổng hợp 5 địa chỉ nội soi phế quản uy tín quận Bình Thạnh
- Mách bạn 5 địa chỉ nội soi phế quản uy tín quận Thủ Đức
Các bài viết tham khảo: Mayoclinic.org, Healthline.com, Hellbacsi.com,Careplusvn.com