Tràn dịch màng phổi là gì?
Khoang màng phổi là một màng mỏng lót giữa bề mặt phổi và thành ngực. Bình thường, trong khoang màn phổi có một ít dịch sinh lý (chỉ khoảng một muỗng cà phê) để phổi có thể chuyển động dễ hơn trong khoang ngực. Lượng dịch lỏng xuất hiện nhiều bất thường trong khoang màng phổi được gọi là tràn dịch màng phổi (pleural effusion).
Nguyên nhân gây ra Tràn dịch màng phổi
Có rất nhiều lí do có thể dẫn đến hiện tượng tràn dịch màng phổi. Trong đó thường gặp nhất là:
Dịch thấm (từ các cơ quan nội tạng khác)
Dịch rò rỉ từ các cơ quan khác sang khoang màng phổi. Điều này thường xảy ra khi bệnh nhân bị suy tim xung huyết, tim không bơm máu đến cơ thể đúng cách. Cũng có thể do chất lỏng tích tụ trong cơ thể như ở gan hoặc thận tràn vào.
Ung thư
Thông thường, ung thư phổi là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Nhưng vẫn có các trường hợp ung thư khác gây ra sau khi đã lan đến phổi hoặc màng phổi.
Nhiễm trùng
Một số bệnh như lao hoặc viêm phổi sẽ dẫn đến tràn dịch màng phổi.
Điều kiện tự miễn dịch
Bệnh tự miễn dịch như Lupus ban đỏ hệ thống hoặc viêm khớp dạng thấp cũng có khả năng gây ra tràn dịch màng phổi.
Thuyên tắc động mạch phổi
Sự tắc nghẽn trong một động mạch ở phổi có thể gây ra sự tràn dịch.
Nhiều trường hợp có thể dựa vào tính chất vật lý của dịch lỏng mà phán đoán ra nguyên nhân.
- Dịch có màu máu: nguyên nhân dẫn đến có thể là do ung thư, chấn thương lồng ngực, tai biến của các thủ thuật thăm dò màng phổi,…
- Dịch màu sữa: do ống dưỡng chấp trong lồng ngực bị chèn ép hoặc tổn thương, viêm bạch mạch,…
- Dịch màu trong: nguyên nhân do hội chứng thận hư, xơ gan cổ trướng,…
Triệu chứng của bệnh Tràn dịch màng phổi
Bệnh nhân có thể sẽ không cảm nhận được triệu chứng hoặc cảm nhận không đáng kể. Triệu chứng trở nên rõ ràng hơn khi bệnh đã tiến triển một thời gian hoặc trong trường hợp xuất hiện sự viêm nhiễm.
Đau ngực
Còn được gọi là đau màng phổi. Là triệu chứng xuất hiện sớm ngay từ lúc bắt đầu bệnh, nhưng có thể sẽ không rõ ràng. Thường sẽ đau ở phía bên phổi có nhiều dịch lỏng. Sau đó cường độ đau sẽ tăng lên, đau khi hít thở sâu, khi nằm nghiêng về bên không bị tràn dịch.
Hơi thở ngắn, khó thở
Là triệu chứng tiêu biểu, điển hình của bệnh. Dịch càng nhiều thì sẽ càng khó hít thở hơn.
Ho
Có thể xuất hiện tình trạng ho (có đờm hoặc không đờm) ở người mắc bệnh này.
Sốt
Trường hợp xuất hiện nhiễm trùng, nhiễm độc, người bệnh sẽ dễ lên cơn sốt.
Chẩn đoán Tràn dịch màng phổi
Sau khi kiểm tra các triệu chứng và thăm khám lâm sàng, người bệnh sẽ được làm các xét nghiệm hình ảnh để xác nhận có chất lỏng trong phổi hay không.
- X-quang ngực
- Chụp cắt lớp vi tính (CT Scan)
- Siêu âm
Để lấy chất lỏng trong phổi và kiểm tra, bác sĩ sẽ dùng thủ thuật Chọc dò dịch màng phổi (Thoracentesis) bằng cách chèn kim và một ống gọi là ống thông giữa các xương sườn vào không gian màng phổi.
Điều trị Tràn dịch màng phổi
Tùy vào tình trạng bệnh, bác sĩ có thể sẽ chỉ điều trị nguyên nhân gây ra tràn dịch màng phổi. Bệnh nhân sẽ được kê đơn thuốc kháng sinh giúp giảm viêm phổi, hoặc ví dụ như thuốc lợi tiểu nếu bị suy tim xung huyết để điều trị chứng thận hư.
Với những ca bệnh nặng có hiện tượng viêm nhiễm sẽ cần được dẫn lưu điều trị. Thủ thục điều trị thường bao gồm:
- Tiêm Pleurodesis: chất lỏng đặc biệt được tiêm vào khu vực màng phổi, tạo ra một tình trạng viêm nhỏ ngăn chặn chất lỏng tái tích tụ. Thường được sử dụng trong việc điều trị tràn dịch lặp đi lặp lại (thường xuyên) do ung thư.
- Đặt ống dẫn lưu cố định tại chỗ: để chất lỏng có thể thoát ra ngoài liên tục.
- Phẫu thuật để chèn ống dẫn lưu nội bộ: cho phép chất lỏng thoát ra từ ngực vào khoang bụng.
- Cắt bỏ màng phổi: ở những trường hợp bệnh nhân bị tràn dịch do ung thư, khi mà các điều trị khác đã thất bại thì loại bỏ các màng phổi đôi khi sẽ được sử dụng.
Xem thêm bài viết: Suy thận và 7 dấu hiệu cảnh báo nguy cơ mắc bệnh
Nguồn tham khảo: Medscape
Đừng quên ghé MedPlus mỗi ngày để cập nhật thêm nhiều tin tức tổng hợp nhé!