Khủng hoảng tuổi lên 3 sẽ không còn quá đáng sợ khi bố mẹ hiểu rõ và biết cách đối phó với tâm lý bất ổn của con trong giai đoạn này.
Biểu hiện khủng hoảng tuổi lên 3 của trẻ
Khi trẻ bị khủng hoảng tuổi lên 3, bố mẹ sẽ dễ dàng bắt gặp những biểu hiện sau:
- Trẻ muốn được tự làm mọi việc, không cần bố mẹ giúp đỡ.
- Có phản ứng tiêu cực với mọi thứ.
- Ngang bướng một cách vô lý.
- Không nghe theo lời người lớn dạy bảo, hướng dẫn.
- Mất hứng thú với những thứ mà trẻ đã từng rất yêu thích trước kia.
- Hay cự cãi người lớn (bằng hành động hoặc lời nói).
- Hay đòi hỏi bằng được một món đồ nào đó mà không phải vì thực sự muốn nó, mà là do đã quen với việc được người lớn đáp ứng mọi yêu cầu.
9 cách đối phó với khủng hoảng tâm lý tuổi lên 3
Khi con lên 3 cũng là lúc tâm lý thay đổi. Con bướng bỉnh hơn, dễ cáu gắt hơn, lại còn khó bảo nữa. Nhưng điều quan trọng nhất chính là bố mẹ phải giữ bình tĩnh và thống nhất với nhau về cách dạy con sao cho tích cực và có hiệu quả.
Để đồng hành cùng con vượt qua giai đoạn khủng hoảng này, bố mẹ có thể tham khảo 9 cách đối phó dưới đây:
1. Hạn chế quát mắng, la hét với con
Lớn giọng quát mắng và la hét là hành động khá sai lầm của người lớn do không thể kiềm chế được cảm xúc vào những lúc trẻ nhỏ không nghe lời. Thế nhưng, thay vì có thể khiến con tự nguyện hợp tác thì hành động này lại khiến cho con sợ hãi và gây ra nhiều tác động tiêu cực đến tâm lý còn non nớt của con.
Thay vì la mắng con, bố mẹ hãy cố gắng kiềm chế và sử dụng những hình thức cảnh cáo nhẹ nhàng, tâm lý hơn để thông qua đó dạy trẻ kỹ năng hợp tác về lâu dài. Bởi vì trẻ nhỏ cần được nuôi dạy trong một môi trường tích cực và lành mạnh để phát triển trí não khỏe mạnh, cũng như tránh được nguy cơ mắc những vấn đề tâm lý về sau.
2. Chủ động lắng nghe con
Khi bày tỏ những tâm tư và tiếng lòng mình, trẻ rất mong được người lớn lắng nghe và thấu hiểu. Trẻ con rất nhạy cảm, trẻ có thể phân biệt được khi nào bố mẹ thực sự lắng nghe, hay chỉ trả lời một cách qua loa.
Vì vậy, trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 này của con, bố mẹ hãy dành cho con sự toàn tâm chú ý, lắng nghe con mỗi khi con muốn nói một điều gì đó hay tâm sự với bố mẹ nhé! Bố mẹ cũng có thể hỏi lại để con biết rằng bố mẹ đang rất quan tâm đến câu chuyện của con. Ví dụ: khi con kể về việc bạn cún không ngoan, bố mẹ có thể hỏi lại rằng “Bạn cún cắn dép như thế đúng là hư thật con nhỉ?”.
3. Kiên nhẫn giải thích cho con hiểu
Một đứa trẻ đang ở trong giai đoạn khủng hoảng tâm lý tuổi lên 3 khó có thể hiểu được tại sao bố mẹ lại cứ ngăn cản mình làm những việc mà mình thích (như việc gõ vào ly tách để phát ra tiếng kêu, hay nghịch nước,…). Trẻ vẫn còn nhỏ và chưa đủ nhận thức về những vấn đề nguy hiểm.
Vì thế nên bố mẹ hãy kiên nhẫn giải thích cho con hiểu, rằng nếu con gõ vào ly tách quá mạnh, chúng sẽ bị vỡ, và những mảnh vỡ có thể cứa vào tay làm con rất đau. Hay nếu bạn lấy đồ chơi của con thì con cũng không nên đánh bạn, vì bạn sẽ bị đau mà chúng ta lại không có quyền làm đau người khác. Bằng cách giải thích nhẹ nhàng, con sẽ dễ dàng hợp tác với bố mẹ hơn.
4. Đưa ra những gợi ý cho con chọn lựa
Nếu con không chịu nghe lời bố mẹ để làm theo hoặc ngừng thực hiện một hành động nào đó, thì bố mẹ nên bình tĩnh nhìn lại bởi vì vấn đề thường là do khả năng kiểm soát của chính bố mẹ chưa được tốt.
Bố mẹ nên thử nhìn nhận lại xem, những khi con mè nheo, bố mẹ có dễ dàng “đầu hàng” và chiều theo ý bé không. Bởi đó chính là lúc trẻ nhận ra, mình chỉ cần mè nheo khóc lóc một chút là có thể đạt được điều mình mong muốn, hoặc tệ hơn, trẻ có thể ăn vạ, la hét gào thét cho tới khi được bố mẹ đáp ứng nhu cầu. Nếu con đã quen dùng “chiêu” này để đòi hỏi, vòi vĩnh thì đã đến lúc bố mẹ cần đưa ra giải pháp cứng rắn hơn.
Khi con muốn chơi đồ chơi, bố mẹ hãy đưa ra một vài món đồ cho con lựa chọn, giới hạn trong khoảng 2 đến 3 món. Hay khi giúp con thay quần áo, bố mẹ cũng có thể cho con nhiều lựa chọn về màu sắc và kiểu dáng khác nhau.
Việc để con được lựa chọn trong khuôn khổ vừa giúp trẻ cảm nhận được quyền làm chủ, cảm thấy thoải mái cũng như giảm được nguy cơ vòi vĩnh, vừa giúp bố mẹ tạo ra hạn mức vừa phải để kiểm soát được tình hình. Nếu trẻ vẫn đòi hỏi thêm những thứ khác ngoài những lựa chọn bố mẹ đã đưa ra thì hãy cố gắng kiên quyết nói không.
5. Dành nhiều sự quan tâm, chú ý cho con
Trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3 để thu hút sự chú ý từ người lớn, trẻ nhỏ sẽ làm mọi cách, và bố mẹ hoàn toàn có thể nhận biết điều này. Con có thể thường xuyên hành xử không đúng mực và có thể gây ra một chút phiền nhiễu, ví dụ như lấy điện thoại di động khi bố mẹ đang sử dụng.
Mặc dù người lớn có nhiều nhiệm vụ và công việc phải hoàn thành, không phải lúc nào cũng có thể chơi với con, thế nhưng khi con cần sự quan tâm, bố mẹ hãy tạm dừng công việc đang làm để ôm và hỏi han con một chút nhé!
6. Ôm con thật nhiều
Khi gặp khủng hoảng tuổi lên 3, trẻ rất cần được nhận sự yêu thương từ người lớn. Vì vậy hãy luôn sẵn sàng dang rộng vòng tay để âu yếm và ôm chặt con. Và ngay cả khi có những biểu hiện khiến bố mẹ chưa hài lòng lắm, nhưng đừng ngại ngần và nói: “Bố mẹ yêu con” nhé!
7. Dạy con hợp tác
Không có ai sinh ra mà đã biết phân biệt đúng sai và hành xử đúng mực ngay được, mà để có được những phẩm chất đó thì đều cần quá trình rèn luyện.
Trong giai đoạn khủng hoảng tuổi lên 3, trong trẻ luôn thôi thúc một nhu cầu chứng tỏ bản thân, vì vậy trẻ hay phản đối lời bố mẹ để chứng minh chính kiến của mình.
Bí quyết để dạy trẻ kỹ năng hợp tác đó chính là tạo cho trẻ cảm giác tự hào và vui vẻ khi được mọi người khen ngợi. Để luyện tập kỹ năng này, bố mẹ có thể bắt đầu bằng cách yêu cầu con thực hiện những hành động đơn giản, và khen ngợi con mỗi khi con hoàn thành một nhiệm vụ đã được giao. Khi bố mẹ khen ngợi đúng cách sẽ giúp trẻ tự tin hơn và có thêm động lực để cố gắng trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình.
8. Tìm hiểu thêm nhiều biện pháp kỷ luật lành mạnh
Thay vì quát mắng, đánh đòn con thì bố mẹ hãy tìm hiểu và thử áp dụng các biện pháp kỷ luật lành mạnh không đòn roi phù hợp với con. Kỷ luật là điều cần thiết để uốn nắn cho con lối ứng xử đúng mực, đồng thời giúp con bình tĩnh hơn.
9. Trở thành tấm gương cho con
Khi con lên 3 tuổi, con học mọi điều mới thông qua việc quan sát và bắt chước hành động của người lớn. Cuộc sống thì không tránh khỏi những giây phút mệt mỏi và bực dọc, thế nhưng bố mẹ hãy cố gắng hết sức để giữ bình tĩnh những khi con trái tính. Từ đó, con có thể học được cách điều chỉnh bản thân cho phù hợp với hoàn cảnh.
Nếu bố mẹ biết cách xử lý tình huống, con có thể trải qua khủng hoảng tuổi lên 3 mà không có hậu quả tiêu cực nào. Thậm chí, khủng hoảng tuổi lên 3 còn trở thành thử thách để giúp trẻ rèn luyện những phẩm chất đáng quý như ý chí nỗ lực, tính độc lập và sự tự tin để có thể sẵn sàng cho cuộc sống trưởng thành.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily