Theo y học cổ truyền, Khương hoạt có Vị đắng, the, cay, tính ôn, mùi thơm hắc và không chứa độc., có tác dụng tán hàn, khu phong, trừ thấp, chỉ thống Cùng MedPlus tìm hiểu kỹ về công dụng và bài thuốc hay nhé !
Thông tin cơ bản
1. Thông tin khoa học:
- Tên Tiếng Việt: Khương hoạt, Hồ Vương Sứ Giả, Khương Thanh, Tây Khương Hoạt, Xuyên Khương Hoạt, Trúc tiết khương.
- Tên khoa học: Notopterygium incisum K.C.Ting ex H.T.Chang
- Họ: họ Cần (Apiaceae).
2. Mô tả Cây
Dược liệu:
Tằm Khương: Là thân rễ ở dưới đất của cây Khương hoạt, giống hình con Tằm, hình trụ tròn hoặc hơi cong, dài 3,3-10cm, đường kính 0,6-2cm. Phần đỉnh có gốc của thân cây, mặt ngoài mầu nâu, có nhiều đốt vòng chi chít lồi lên, trên đốt có nhiều vết nổi lên như cái bướu. Chất nhẹ, xốp, dễ bẻ gẫy, mặt gẫy không phẳng, có văn hoa, rỗng, lớp ngoài da mầu đỏ nâu, ở giữa mầu trắng vàng nhạt, có điểm chấm đỏ. Có mùi thơm đặc biệt, vị hơi đắng, tê.
Điều Khương: là rễ Khương hoạt, hình trụ tròn hoặc phân nhánh, dài 3,3-16,6cm, đường kính 0,3-1,6cm. Mặt ngoài mầu nâu, có vân dẹt và vết cắt của rễ tơ nổi lên như cục bướu. Đoạn trên hơi to, có đốt tròn thưa lồi lên. Chất xốp, dòn, dễ bẻ gẫy, mặt gẫy không thấy rõ điểm chấm đỏ. Mùi vị hơi nhẹ, thoang thoảng (Dược Tài Học).
3. Phân bố, thu hái và chế biến
Phân bố
- Chủ yếu có ở Tứ Xuyên, Cam Túc, Thanh Hải (Trung Quốc). Có di thực vào Việt Nam nhưng chưa phát triển nhiều.
- Cây sống nhiều năm, phần trên mặt đất có thể bị tàn lụi vào mùa đông; ra hoa quả hàng nãm; nhân giống tự nhiên và trồng được bằng hạt.
- Dược liệu khương hoạt được nhập vào Việt Nam từ nhiều năm nay vốn là từ Trung Quốc.
Thu hoạch
- Về mùa Thu, đào, cắt bỏ rễ tơ, phơi hoặc sấy.
Bộ phận dùng
- Thân rễ và rễ. Rễ có đầu mấu cứng như đầu con tằm, to, khô, thịt nâu đậm, xốp nhẹ.
Chế biến
- Đào lấy rễ hoặc thân rễ, loại bỏ rễ con và đất, phơi hoặc sấy khô.
Công dụng và tác dụng chính
A. Thành phần hoá học
- Tinh dầu, coumarin.
- Angelical (Trung Dược Học).
- Columbiananine, Imperatorin, Marmesin (Tôn Hữu Phú, Trung Dược thông Báo, 1985, 10 (3): 127).
- Phenethylferulate (Su J D và cộng sự, C A 1994, 120: 53150b).
B. Tác dụng dược lý
- Tác dụng kháng khuẩn
- Tác dụng hạ sốt, giảm đau
- Tác dụng chống loạn nhịp tim
- Tác dụng đối với cơ tim thiếu máu cấp tính
- Tác dụng chống choáng
- Tác dụng kháng khuẩn
- Tác dụng chống viêm, chống dị ứng
C. Công dụng, tính vị và liều dùng
Tính vị
- Vị đắng, the, cay, tính ôn, mùi thơm hắc và không chứa độc.
Quy Kinh
- Thận, Bàng quang và Can.
Công năng
- Tán hàn, khu phong, trừ thấp, chỉ thống
Công Dụng
- Cảm mạo phong hàn nhức đầu, sốt mồ hôi không ra được, phong thấp, tê đau vai, đau nhức mình mẩy, đau đầu, lưng đau mỏi. ung nhọt.
Kiêng kỵ:
- Huyết hư không có phong hàn thực tà, không nên dùng.
- Không dùng cho người cơ thể đau và đau đầu do huyết hư.
- Bệnh không do phong hàn cũng không nên sử dụng vị thuốc này.
- Khương hoạt có tác dụng tán phong mạnh hơn phòng phong, vì vậy nếu cảm mạo phong hàn kéo dài nên phối hợp thêm khương hoạt để tăng tác dụng điều trị.
Liều dụng:
- Ngày dùng 4 – 10g, dạng thuốc sắc.
Bài thuốc sử dụng
1. Chữa cảm mạo phong hàn:
Đầu mình đau, không ra mồ hôi, mạch phù khẩn: cửu vị khương hoạt thang gồm Khương hoạt 6 g, Phòng phong 6g, Bạch chỉ 4g, Sinh địa hoàng 4g, Thương truật 6g, Hoàng cầm 4g, Tế tân 2g, Cam thảo 4g, Xuyên khung 4g, sắc nước uống.
2. Chữa khớp và toàn thân sưng đau do phong thấp:
Trần bì 4g, trạch tả 6g, thương truật (tẩm nước gạo) 8, khương hoạt 6g, bạch truật 6g, phục linh 6g và cam thảo 1,6g. Sắc lấy nước hòa với nước cốt trúc lịch và gừng 20 – 30ml rồi dùng uống.
3. Chữa phụ nữ có thai bị phù thũng:
Khương hoạt, La bạc tử hai vị sao tán nhỏ, mỗi lần uống 6 -8g, uống 3 ngày, ngày thứ nhất 1 lần, ngày thứ hai 2 lần, ngày thứ ba 3 lần. Dùng rượu hâm nóng chiêu thuốc.
4. Chữa câm nói ngọng, chân tay co quắp, tê dại mất tiếng:
Khương hoạt tán nhỏ, mỗi lần uống 8 -12g, dùng rượu chiêu thuốc.
5. Chữa bán thân bất toại, nói không rõ, đi lại khó khăn, tay cầm không vững:
Khương hoạt 12g, Độc hoạt 9g, Ngũ gia bì 9g, Uy linh tiên 9g, Hương phụ (chế giấm) 12g, Đương quy 12g, Chỉ xác 9g, Nhũ hương 9g, Ô dược 9g, Xuyên sơn giáp 6g, Phòng phong 9g, Cam thảo 6g. Sắc nước uống (Sơ phong hoạt huyết thuận khí thang. Trung y nghiệm phương hội tuyển).
6. Chữa câm, nói ngọng, chân tay co quắp:
Khương hoạt, tán nhỏ. Mỗi lần uống 8-12g với rượu (Dược Liệu Việt Nam).
7. Chữa đau nhức và tê mỏi các khớp xương:
Tùng tiết, độc hoạt và khương hoạt bằng lượng nhau. Đem các vị cho vào chảo, sau đó thêm rượu vào, nấu sơ qua và ngâm trong vài giờ. Chia dịch rượu thành nhiều lần uống, nên dùng khi đói.
8. Trị sản hậu bị sa tử cung:
Khương hoạt 80g. Cho rượu và nước vào, sắc uống.
9. Chữa sa con ngươi (mắt):
Khương hoạt. Dùng sắc uống, khoảng 3 – 5 chén.
10. Chữa trúng phong khiến cổ đau không thể ăn uống, cấm khẩu:
Ngưu bồn tử 80g và khương hoạt 120g. Đem sắc với 1 chén nước, sau đó cho thêm 1 ít đường phèn và đổ trực tiếp vào cổ họng.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn tham khảo Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam