Kim Anh luôn được xem là dược liệu quý trong Y học với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về đặc điểm của dược liệu này. Hôm nay medplus xin giới thiệu đến bạn đọc các công dụng cũng như bài thuốc tiêu biểu từ loại dược liệu này nhé!
Thông Tin Dược Liệu
Tên tiếng Việt: Kim anh, Mác nam coi, Mác nam lỷ (Tày), Đường quán tử, Thích lê tử
Tên khoa học: Rosa laevigata Michx.
Họ: Rosaceae (Hoa hồng)
1. Đặc điểm dược liệu
Cây Kim anh là loài cây bụi. Chúng thường có màu xanh, dạng leo, bò trườn trên những thân cây gỗ nhỏ hoặc những bụi cây khác với độ cao khoảng 5 – 10m. Các cành có hình trụ thon và xuất hiện với màu nâu tía. Thân cây có gai nhưng thưa thớt, cong và bẹt, có đế bản rộng, đầu thon, có chiều dài 4mm. Lá dược liệu có cuống dài từ 5 – 10cm, phiến lá có chiều dài khoảng 3 – 10cm. Lá có hình trứng – elip, khía cạnh có răng cưa, không lông, bề mặt lá nhẵn bóng và có màu xanh lục tươi. Các lá kèm có hình mũi mác nhọn đỉnh, đế hợp sinh với cuống lá, rụng sớm.
Hoa dược liệu mọc đơn độc ở đầu cành hoặc nách lá. Hoa có đường kính từ 6 – 10cm, cánh hoa màu trắng, nhị màu vàng và có mùi thơm. Lá đài 5, ngắn hơn so với cánh hoa, không rộng. Cánh hoa 5, kép hoặc bán kép, có hình trứng ngược rộng bản. Đỉnh có khía, đế cánh hoa rộng hình nêm. Vòi nhị tự do, ngắn hơn nhị và có lông tơ. Cuống hoa có chiều dài 1,8 – 3cm, đầy lông cứng. Không có lá bắc.
Quả dược liệu dạng quả bế màu đỏ tươi hoặc màu nâu tía, có đường kính 0,4 – 4cm, đầy lông. Quả có hình trứng ngược, hình bầu dục hoặc hình quả lê, có vị hơi ngọt, chua và chát. Hoa thường ra trong tháng 4 – 6, quả vào tháng 7 – 11. Loài R. laevigata f. laevigata có hoa đơn với đường kính 5 – 7cm. Loài R. laevigata f. semiplena T. T. Yü & T. C. Ku tồn tại với hoa bán kép, có đường kính 5 – 10cm.
2. Phân bố
Ở Việt Nam, cây Kim anh phân bố ở vùng núi Lạng Sơn và Cao Bằng. Ngoài ra dược liệu còn mọc hoang ở những bờ dào ven đường.
Ở Trung Quốc, dược liệu được gọi là Kim anh tử (金樱子). Chúng phân bố ở các tỉnh: Quý Châu, Hải Nam, Hồ Bắc, Hồ Nam, Giang Tô, Giang Tây, An Huy, Phúc Kiến, Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Chiết Giang, miền nam Thiểm Tây, Tứ Xuyên.
3. Bộ phận dùng
Quả Kim anh (chủ yếu), rễ và lá.
4. Thu hái
Tháng 6 – 7 hàng năm khi quả đã già. Quả dược liệu là cuống đế của hoa sau khi hoa đã rụng hết cánh.
5. Chế biến
Sau khi thu hái, bổ dọc quả, loại bỏ phần hạt bởi trong hạt có tính độc. Sấy hoặc phơi khô để làm thuốc sắc hoặc nấu thành cao.
Bảo quản: Để dược liệu tại những nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm ướt.
Công dụng và Liều dùng
1. Tính vị
Tính bình, có vị chua, không độc (theo sách Khai bảo bản thảo).
Vị sáp tính bình, chín thì ngọt sáp, sống thì chua sáp (theo sách Cảnh nhạc toàn thư, bản thảo chính).
2. Thành phần hóa học
Trong quả Kim anh chứa nhiều dưỡng chất có lợi bao gồm:
- Nhiều vitamin C
- Lượng lớn tanin
- Axit xitric
- Saponozit
- Đường glucoza
- Axit malic.
Ngoài ra, trong vỏ rễ dược liệu chứa tanin, hạt chứa heterozit độc.
3. Tác dụng dược lý
Theo nghiên cứu hiện đại
- Tác dụng kháng khuẩn: Nước sắc quả cây Kim anh có khả năng sát khuẩn mạnh và ức chế hoạt động của một số loại vi khuẩn gây hại như: E.Coli, tụ cầu vàng ( Staphylococcus aureus). Ngoài ra nước thuốc còn có tác dụng ức chế virus cúm.
- Tác dụng giảm xơ mỡ động mạch: Trên thực nghiệm, tình trạng xơ mỡ động mạch do ăn nhiều cholesterol có thể được điều trị bằng quả cây Kim anh trong 2 – 3 tuần. Trong tất cả các ca điều trị, lượng beta-lipoprotein và cholesterol máu đều giảm. Mỡ ở gan, tim và xơ mỡ mạch ở nhóm điều trị là ít hơn.
Theo y học cổ truyền
- Tác dụng điều trị yếu sinh lý, mộng tinh, xuất tinh sớm: Dược liệu có khả năng tráng gan cốt, bổ thận, ích tinh tủy, sinh tân dược, cố tinh, bổ ngũ tạng, dưỡng khí huyết. Do đó thuốc có tác dụng điều trị yếu sinh lý và suy giảm sinh lý ở nam giới rất tốt (theo cuốn Cảnh nhạc toàn thư).
- Tác dụng điều trị chứng tiểu són, tiểu đêm, tiểu nhiều lần trong ngày: Dược liệu có tác dụng giúp tăng cường khí huyết, bổ thận, dưỡng huyết. Vì thế dược liệu có khả năng điều trị tốt chứng tiểu đêm, tiểu són và tiểu nhiều lần.
- Tác dụng điều trị sa trực tràng, sa tử cung: Quả cây Kim anh khi kết hợp với ngũ vị tử sắc có khả năng điều trị tốt bệnh sa trực tràng, sa tử cung (theo Trung Hoa y dược).
- Tác dụng điều trị khí hư bạch đới ở phụ nữ: Dược liệu có khả năng điều trị suy giảm ham muốn, suy giảm sinh lý và khí hư bạch đới ở phụ nữ.
- Tác dụng điều trị chứng tỳ hư, đi đại tiện có phân lỏng: Dược liệu có khả năng cải thiện chức năng của hệ tiêu hóa, kiện tỳ, suy nhược cơ thể do chức năng thận bị ảnh hưởng.
5. Liều dùng và cách dùng
Dùng từ 8 – 16 gram/ngày. Dùng tươi hoặc phơi khô sắc lấy nước uống, nấu thành cao.
Các bài thuốc tiêu biểu từ Dược Liệu
1. Bài thuốc điều trị sa tử cung, sa trực tràng
Dùng 15 gram quả dược liệu, 5 gram ngũ vị tử rửa sạch với nước muối. Cho nguyên liệu vào nồi và sắc cùng với 800ml nước lọc trong 20 phút hoặc cho đến khi lượng nước trong nồi chỉ còn lại một nửa. Để nguội bớt và uống nước sắc trong ngày.
2. Bài thuốc điều trị đại tiện có phân lỏng
Sử dụng 10 gram quả dược liệu, 15 gram hoài sơn, 15 gram bạch truật, 5 gram đẳng sâm. Rửa sạch tất cả nguyên liệu với nước muối. Thực hiện sắc tất cả dược liệu trong 30 phút cùng với 1 lít nước. Để nguội bớt và uống nước sắc trong ngày.
3. Bài thuốc điều trị mồ hôi trộm, mỏi tay chân thường xuyên, ù tai
Dùng quả dược liệu rửa sạch với nước muối. Cho dược liệu vào nồi cùng với một ít nước và nấu thành cao. Lấy 180 gram hoàng bá, 120 gram sơn dược, 120 gram sa sâm nam, 180 gram kiếm thực và một số vị gồm: 75 gram hạt sen, 75 gram tỏa hương, 75 gram táo nhân, 75 gram hên tu, 75 gram tri mẫu, 75 gram long cốt, 75 gram mẫu lệ, 75 gram mạch môn. Tất cả nguyên liệu mang đi rửa sạch với nước muối, phơi khô và tán thành bột. Trộn đều tất cả bột nguyên liệu cùng với 184 gram cao Kim anh và vo thành viên nhỏ. Ngày uống 6 gram, sử dụng liên tiếp 10 ngày.
4. Bài thuốc giúp bổ huyết, tích tinh khí
Dùng 160 gram dược liệu và 80 gram sa nhân rửa sạch với nước muối. Phơi khô dược liệu và tán thành bột. Trộn bột nguyên liệu với mật ong nguyên chất, vo thành từng viên nhỏ như hạt đậu. Uống 50 viên/lần/ngày, uống cùng với rượu nóng cho đến khi bệnh tình có dấu hiệu thuyên giảm.
5. Bài thuốc điều trị suy nhược thần kinh
Dùng hoa, quả (bỏ hạt) và lá cây Kim anh, anh túc xác với liều lượng bằng nhau. Rửa sạch dược liệu với nước muối, để ráo nước. Thực hiện xay và vo thành viên nhỏ như hạt ngô. Uống 7 viên/ngày, uống cùng với nước sắc vỏ quýt.
6. Bài thuốc điều trị chứng khó tiểu
Dùng 10 gram dược liệu, 10 gram tang phiêu tiêu, 12 gram sơn dược, 10 gram tua sen. Cho tất cả nguyên liệu vào nồi và sắc cùng với 400ml nước trong 30 phút hoặc cho đến khi lượng nước trong nồi chỉ còn lại 100ml. Để nguội bớt. Uống 2 lần/ngày. Sử dụng trong 10 ngày.
Lưu Ý khi sử dụng Dược Liệu để trị bệnh
- Người táo bón, nóng trong không nên dùng
- Nhiệt thái quá không được dùng (theo Trung Dược Học)
- Bệnh mới phát sốt, táo kết không nên dùng (theo Phương pháp bào chế đông dược)
- Có thực hỏa là nhiệt: Cấm dùng. Tiêu chảy cấp, tiểu không thông: Không dùng (theo Đông Dược Học Thiết Yếu).
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Dược Liệu cũng như một số bài thuốc hay về vị thuốc này nhé !
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn , tham khảo
Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam