Cây Kim Ngân, đặc biệt là hoa của nó có nhiều tác dụng trị bệnh như chữa đau họng, bệnh sởi,.. .Hôm nay medplus xin giới thiệu đến bạn đọc các công dụng cũng như bài thuốc tiêu biểu từ loại dược liệu này nhé!
Thông Tin Dược Liệu
Tên tiếng việt: Kim ngân hoa, Nhẫn đông, Chừa giang khằm (Thái), Bjooc khuyền (Tày)
Tên khoa học: Lonicera japonica Thunb.
Họ: Caprifoliaceae (Cơm cháy)
1. Đặc điểm dược liệu
- Kim ngân thuộc loại cây mọc leo, thân quấn, khi phát triển có thể đạt tới chiều dài 10 mét hoặc hơn nữa
- Cành nhỏ, khi còn non thường có màu xanh nhạt,. Bên ngoài cành phủ một lớp lông tơ mịn. Dần dần, cành sẽ chuyển sang màu hơi đỏ, có vân, bề mặt nhẵn nhụi không có lông.
- Lá kim ngân mọc đối, hình trứng dài hoặc mũi mác. Lá xanh tươi suốt cả năm và không rụng vào mùa lạnh như những loại cây khác.
- Tháng 4 – tháng 7 hàng năm, kim ngân sẽ ra hoa ở các kẽ lá. Hoa mọc thành cụm, hình ống, có 2 môi, mùi thơm nhẹ. Lúc mới nở thường có màu trắng, sau chuyển sắc vàng. Chính vì vậy ở cùng thời điểm, trên một cành có thể chứa cả hoa trắng lẫn hoa vàng.
- Quả mọng, hình cầu, màu đen
2. Phân bố
Cây kim ngân có ở nhiều quốc gia như Việt Nam, Trung Quốc, Triều Tiên, các nước đông Bắc Mỹ hay Nhật Bản. Ở nước ta, cây mọc hoang hoặc được trồng nhiều ở các tỉnh miền Bắc như Hà Nội, Lạng Sơn, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, Cao Bằng, Sơn La…
Kim ngân có thể sống được ở cả đồng bằng và các khu vực miền núi. Ngày nay, thảo dược này còn được người dân trồng để làm cảnh, lấy bóng mát trước nhà
3. Bộ phận dùng làm thuốc của kim ngân
Cành, lá, hoa, thân kim ngân đều có thể dùng làm thuốc. Tuy nhiên hoa là bộ phận được sử dụng phổ biến nhất.
4. Thu hái – Sơ chế:
Kim ngân bắt đầu được thu hoạch sau khoảng 1 năm kể từ lúc trồng. Tùy theo mục đích sử dụng mà thu hoạch hoa, thân, cành, lá hay tất cả.
Với hoa kim ngân, chỉ hái những hoa sắp nở hoặc mới nở và chưa chuyển sang sắc vàng. Hoa được đem về phơi khô hay sấy để làm thuốc.
Các bộ phận khác gồm cành, thân được cắt thành những khúc ngắn trước khi phơi khô.
4. Bào chế thuốc
- Hoa kim ngân tươi: Giã nát, chắt nước cốt đun sôi để uống
- Hoa dạng khô: Sắc lấy nước đặc hoặc sao rồi tán bột
- Ngâm rượu: Cứ 1 kg hoa kim ngân tươi hoặc khô đem ngâm với 5 lít rượu uống
5. Bảo quản
Đựng thuốc trong bình có lót vôi sống dưới đáy và để nơi khô ráo. Không nên bảo quản kim ngân ở nơi ẩm ướt vì dược liệu này dễ hút ẩm dẫn đến mốc, bị thay đổi màu sắc hoặc mất tác dụng.
Công dụng và Liều dùng
1. Tính vị
Kim ngân tính hàn, vị đắng, ngọt, không độc
2. Thành phần hóa học:
– Hoa kim ngân chứa nhiều tinh dầu bao gồm các chất như:
- α-pinen
- Geraniol
- hex -1 -en
- Carvacrol
- Eugenol
- α – pinen
- Một số Flavonoid: lonicerin, luteolin-7-glucosid và axit clorogenic
– Cành và lá chứa:
- Saponin
- Axit clorogenic
– Quả kim ngân hoa chứa nhiều loại axit hữu ích như:
- Oxalic
- Citric,
- Axit malic
3. Tác dụng dược lý
Theo Đông y kim ngân có công dụng: Thanh nhiệt, tiêu khát, giải chư sang, tiêu thũng, tán độc, khu phong, trừ thấp. Chủ trị ôn bệnh phát nhiệt, tiêu chảy, ghẻ lở, nổi mụn nhọt, mẩn ngứa, đau họng, bệnh sởi, giang mai, hắc lào, sưng viêm tuyến vú do tắc sữa, cảm cúm…
Nghiên cứu thực nghiệm cho thấy, kim ngân có những tác dụng sau:
- Chống khuẩn: Nước sắc hoa kim ngân có tác dụng kháng khuẩn mạnh đối với các chủng vi khuẩn như thương hàn, trực khuẩn lỵ, phế cầu, e.coli. Nước sắc lá kim ngân có tác dụng ức chế trực khuẩn Shiga, trực khuẩn cận thương hàn, tiêu cầu khuẩn.
- Tăng khả năng chuyển hóa chất béo
- Ngăn chặn choáng phản vệ khi dùng nước sắc hoa kim ngân thí nghiệm trên chuột lang
- Kháng viêm
- Làm tăng độ hưng phấn ở trung khu thần kinh
- Chống lại vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây bệnh lao
- Làm giảm sức hoạt động của vi rút gây cảm cúm
- Tăng chuyển hóa lipid, giảm cholesterol trong máu
- Cải thiện triệu chứng của bệnh viêm phổi cấp, bệnh lỵ, quai bị lở ngứa
- Lợi tiểu
- Tăng bài tiết dịch vị, dịch mật
4. Cách dùng và liều lượng
Mỗi ngày dùng 4 – 6g hoa kim ngân dạng thuốc sắc, cao hay rượu thuốc. Nếu dùng lá và thân thì mỗi ngày 10 – 12g.
Các bài thuốc tiêu biểu từ Dược Liệu
1. Chữa cảm cúm
- Cách 1: Chuẩn bị các vị gồm 4g kim ngân, 2g mạn kinh, cam thảo đất, sài hồ nam, lá tía tô, kinh giới mỗi vị 3g và 3 lát gừng tươi. Sắc lấy nước để nguội bớt, uống khi còn ấm.
- Cách 2: Chuẩn bị 3g cam thảo và 6g kim ngân hoa. Cho cả hai vào siêu, đổ thêm 200ml nước sắc cạn còn một nửa. Gạn lấy nước thuốc chia làm 2 -3 lần uống.
2. Chữa bệnh sởi
- Chuẩn bị: Kim ngân hoa và cỏ ban dạng tươi mỗi loại 30g
- Cách dùng: Đem cả hai giã nhỏ, hòa thêm với 100ml nước đun sôi để nguội. Lọc bã lấy nước uống
3. Chữa đau họng, má chàm bàm ( quai bị )
- Chuẩn bị: Kim ngân 16g; Bạc hà và cam thảo ( mỗi vị 4g ); Cát cánh và tinh giới tuệ ( mỗi vị 8g); Ngưu bàng tử và liên kiều ( mỗi vị 12g), đậu xị (18g).
- Cách dùng: Tất cả gộp thành 1 thang sắc uống.
4. Chữa viêm phúc mạc, viêm ruột thừa
- Chuẩn bị: Kim ngân (120g); Đương quy và huyền sâm ( mỗi vị 80g); Địa du và mạch môn ( mỗi vị 40g); Hoàng cầm 16g; Cam thảo ( 12g ); Ý dĩ nhân ( 20g ).
- Cách dùng: Sắc thuốc uống mỗi ngày 1 thang, để nguội rồi uống giúp làm giảm triệu chứng viêm ruột thừa, viêm phúc mạc.
5. Chữa viêm xoang cấp tính
- Chuẩn bị: Kim ngân, hy thiên thảo, ké đầu ngựa, ngư tinh thảo mỗi vị 16g, mạch môn 12g và chi tử 8g
- Cách dùng: Đem thuốc sắc với 5 chén nước cho đến khi cạn còn 1 nửa. Chia làm 3 lần uống trong ngày.
6. Chữa viêm xoang mãn tính
- Chuẩn bị: Kim ngân, sinh địa và ké đầu ngựa mỗi vị 16g; Huyền sâm, mạch môn, hoàng cầm và đan bì ( mỗi vị 12g); Trần bì 8g.
- Cách dùng: Sắc uống tương tự như bài thuốc trên.
Lưu Ý khi sử dụng Dược Liệu để trị bệnh
Thận trọng
Lá kim ngân chứa saponin – một loại chất độc kém được cơ thể hấp thu nên hầu như không gây hại. Mặc dù vậy bạn cũng nên thận trọng thông qua ý kiến thầy thuốc, bác sĩ nếu đang mang thai, chuẩn bị mang thai hoặc còn đang cho con bú.
Liều dùng của các vị thuốc trong bài có thể được điều chỉnh cho phù hợp với lứa tuổi, tình trạng bệnh của mỗi người. Vì vậy trước khi dùng thuốc bạn nên tới các phòng khám, cơ sở y tế có chuyên môn về y học cổ truyền để được khám và kê đơn thuốc phù hợp.
Trường hợp có cơ địa dị ứng, nhạy cảm nên thận trọng khi dùng kim ngân.
Các thầy thuốc Đông y cũng khuyến cáo, những người chuẩn bị được phẫu thuật cần ngưng dùng kim ngân trước đó ít nhất 2 tuần.
Chống chỉ định
Không sử dụng cây kim ngân chữa bệnh cho những đối tượng sau:
- Người bị dị ứng với một trong các thành phần của kim ngân
- Người có thể hư hàn
- Người bị mụn nhọt đã vỡ, lở loét hoặc sinh mủ.
Tương tác thuốc
Cây kim ngân có thể tương tác với một số loại thuốc tây làm biến đổi tính chất hoạt động của thuốc hoặc gây ra những phản ứng có hại với sức khỏe. Cần hỏi ý kiến bác sĩ nếu sử dụng kim ngân trong thời gian đang được điều trị bằng các thuốc sau:
- Aspirin
- Clopidogrel (Plavix®)
- Diclofenac (
- Ibuprofen
- Naproxen
- Dalteparin
- Enoxaparin
- Heparin
- Warfarin
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Dược Liệu cũng như một số bài thuốc hay về vị thuốc này nhé !
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn , tham khảo
Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam