Mộng du là hiện tượng rời khỏi giường và đi lang thang trong khi ngủ như thể đang thức. Mộng du không phải là biểu hiện bất thường trong phát triển thể chất hay tâm sinh lý. Vậy nguyên nhân tại sao con người lại bị mộng du và cách điều trị hiện tượng này ra sao? Cùng Songkhoe.medplus.vn lý giải hiện tượng mộng du qua bài viết sau đây.
Mộng du là gì ?
Mộng du là tình trạng rối loạn giấc ngủ khiến cho người bệnh đang ngủ đứng dậy và đi lại. Người mộng du có thể thực hiện nhiều hoạt động khác nhau trong khi ngủ, bao gồm mặc quần áo, đi vệ sinh, ăn uống hoặc di chuyển đồ đạc. Đa phần người mộng du khi thức dậy sẽ không nhớ được những gì đã diễn ra đêm qua.
Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng mộng du
Người ta cho rằng những nguyên nhân có thể gây ra hiện tượng mộng du:
- Lo âu, mệt mỏi, mất ngủ, hoảng sợ ban đêm, ngủ không có giờ giấc.
- Sốt, ốm đau triền miên.
- Thiếu magiê.
- Trào ngược thực quản.
- Sử dụng một số thuốc điều trị bệnh tâm thần, thuốc an thần, thuốc kháng histamin.
Tuy nhiên, các yếu tố khác cũng được nhiều chuyên gia tâm thần kinh đề cập đến nữa là:
- Bàng quang đầy nước tiểu khi ngủ.
- Ngủ ở môi trường lạ, nơi ngủ ồn ào, có quá nhiều ánh sáng.
- Người ngủ bị stress.
Ở người lớn, tình trạng này có thể liên quan tới rối loạn tâm thần, phản ứng với thuốc, người uống nhiều rượu, có xảy ra những cơn động kinh cục bộ. Ở người già có thể là biểu hiện của bệnh não như thiếu máu não thoáng qua, các bệnh mạch máu não…
Ai có nguy cơ bị mộng du?
Có khoảng 1% đến 15% dân số bị mộng du và thường xảy ra ở trẻ từ 4 đến 8 tuổi, nhưng người trưởng thành cũng có thể mắc bệnh này. Những yếu tố có thể làm tăng nguy cơ bị mộng du bao gồm:
- Di truyền: Nếu gia đình bạn từng có người bị mộng du khi còn nhỏ hoặc trưởng thành, khả năng bạn mộng du có thể tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba.
- Tuổi tác: Bệnh này thường xảy ra nhiều hơn ở trẻ nhỏ. Mộng du khi còn nhỏ thường liên quan đến các tình trạng sức khỏe khác.
Các triệu chứng của hiện tượng mộng du
Mộng du thường xảy ra vào đầu đêm – thường là một đến hai giờ sau khi ngủ. Nó không thể xảy ra trong những giấc ngủ ngắn.
Một người đang mộng du có thể:
- Ra khỏi giường và đi bộ xung quanh.
- Ngồi dậy trên giường và mở mắt ra.
- Mắt đờ đẩn và thẩn thờ.
- Không trả lời hoặc phản ứng lại.
- Khó bị đánh thức khi đang mộng du.
- Mất phương hướng hoặc bối rối trong một thời gian ngắn sau khi thức dậy.
- Không nhớ những gì xảy ra vào buổi sáng ngày mai.
- Có vấn đề về chức năng trong ngày vì giấc ngủ bị xáo trộn.
Những trường hợp dưới đây hiếm gặp hơn nhưng cũng có thể xảy ra với người bị mộng du:
- Thực hiện các hoạt động thường ngày, chẳng hạn như mặc quần áo, nói chuyện hoặc ăn uống
- Rời khỏi nhà.
- Lái xe.
- Trèo qua cửa sổ.
- Đi tiểu không nhận thức.
- Tham gia hoạt động tình dục trong vô thức.
- Trở nên bạo lực trong thời gian ngắn ngay sau khi thức dậy hoặc trong lúc mộng du.
Chẩn đoán hiện tượng mộng du
Để chẩn đoán mộng du, bác sĩ xem xét lịch sử y tế và các triệu chứng của bạn. Đánh giá của bạn có thể bao gồm:
- Khám sức khỏe: Bác sĩ của bạn có thể thực hiện kiểm tra thể chất để xác định bất kỳ tình trạng nào có thể bị nhầm lẫn với chứng mộng du. Chẳng hạn như co giật vào ban đêm, rối loạn giấc ngủ khác hoặc các cơn hoảng loạn.
- Nghiên cứu về giấc ngủ về đêm (polysomnography). Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể đề nghị một nghiên cứu qua đêm trong phòng thí nghiệm ngủ. Các cảm biến được đặt trên cơ thể bạn sẽ ghi lại và theo dõi sóng não, nồng độ oxy trong máu, nhịp tim và nhịp thở, cũng như chuyển động của mắt và chân trong khi bạn ngủ. Bạn có thể được quay video để ghi lại hành vi của mình trong chu kỳ giấc ngủ.
Một số phương pháp điều trị bệnh mộng du
Dùng thuốc
Các loại thuốc như thuốc benzodiazepin hoặc thuốc chống trầm cảm có thể giúp giảm các cơn mộng, giảm lo âu. Clonazepam và diazepam là thuốc rất hữu ích trong việc giảm các cơn mộng du.
Thôi miên
Thôi miên là một liệu pháp thay thế, rất hữu ích cho một số bệnh nhân mộng du. Thôi miên liên quan đến việc đưa một người vào trạng thái tâm trí rất thoải mái và tập trung. Sau đó, nhà trị liệu sẽ đưa ra những gợi ý lành mạnh phù hợp với vấn đề y tế của từng cá nhân. Niềm tin là những đề xuất này sẽ chìm vào ý thức của cá nhân một cách sâu sắc hơn, có ý nghĩa hơn bởi vì họ cởi mở hơn để tiếp nhận chúng.
Bỏ túi những mẹo giúp cho bạn có một giấc ngủ ngon, không mộng du
- Môi trường sống an toàn: Nếu bạn đã từng mộng du và bị chấn thương thì nên đóng và khóa tất cả các cửa sổ và cửa ra vào trước khi đi ngủ. Chặn các ô cửa hoặc cầu thang bằng một cánh cổng, và di chuyển dây điện và các nguy cơ vấp ngã khác ra khỏi đường đi. Hãy ngủ ở phòng trệt để tránh sự té ngã. Đặt các vật sắc nhọn hoặc dễ vỡ ra khỏi tầm với và khóa tất cả vũ khí. Nếu con bạn mộng du, đừng để bé ngủ trên giường tầng.
- Ngủ đủ giấc: Mệt mỏi có thể góp phần vào chứng mộng du. Nếu bạn bị thiếu ngủ, hãy thử đi ngủ sớm hơn, lịch ngủ đều đặn hơn hoặc ngủ trưa ngắn. Nên tránh tiếng ồn lúc ngủ hoặc những thứ có thể làm gián đoạn giấc ngủ.
- Thư giãn trước khi đi ngủ: Đọc sách, giải câu đố hoặc ngâm mình trong bồn nước ấm có thể giúp bạn dễ ngủ hơn. Các bài tập thiền hoặc thư giãn cũng có thể giúp ích.
- Tránh uống rượu: Uống rượu có thể cản trở giấc ngủ ngon và có thể là tác nhân gây mộng du.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ
Nếu bạn mộng du và lo lắng về sự an toàn hoặc các điều kiện cơ bản, hãy đi khám bác sĩ. Bác sĩ có thể giới thiệu bạn đến một chuyên gia về giấc ngủ. Bạn có thể muốn mang theo một thành viên gia đình hoặc bạn bè, nếu có thể, để cung cấp thêm thông tin về chứng mộng du của bạn.
Một số bài viết liên quan:
- Rối loạn giấc ngủ và những điều cần biết
- Trẻ em bị rối loạn giấc ngủ
- Những nguyên nhân ảnh hưởng tới giấc ngủ của trẻ
Nguồn: Mayoclinic.org, Healthline.com, Hello Bacsi