Nấm Ngọc Cẩu luôn được xem là dược liệu quý trong Y học với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về đặc điểm của dược liệu này. Hôm nay medplus xin giới thiệu đến bạn đọc các công dụng cũng như bài thuốc tiêu biểu từ loại dược liệu này nhé!
Thông Tin Dược Liệu
- Tên khác: Tỏa dương, củ pín, xà cô, địa mao cầu, củ gió đất
- Tên khoa học: Cynomorium songaricum
- Họ: Balanophoraceae ( Gió đất )
1. Đặc điểm dược liệu
Nấm ngọc cẩu là cây sống lâu năm. Cây tồn tại và phát triển bằng cách sống ký sinh trên các cây gỗ lớn, có tán lá rộng trong rừng. Về bản chất, loại cây này vốn không thuộc họ nhà nấm nhưng khi chồi lên khỏi mặt đất, phần ngọn có hình dáng tương tự như thân cây nấm nên được dân gian gọi với cái tên là “nấm ngọc cẩu”.
2. Phân bố
Nấm ngọc cẩu phát triển tốt trong môi trường rừng sâu ẩm thấp có độ cao trên 1500 mét, dưới các tán cây lớn. Ở nước ta, dược liệu này được tìm thấy nhiều ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Yên Bái, Cao Bằng, Tam Đảo, Lào Cai, Ba Vì, Sơn La, Hòa Bình, Hoàng Liên Sơn, Sa Pa.
Nấm ngọc cẩu thường có vào thời điểm từ tháng 9 – 12 hàng năm. Những cây đạt kích thước chuẩn sẽ được người dân thu hái về. Sau tháng 12, một số cây còn sót lại sẽ bị chìm xuống đất và tiếp tục phát triển vào năm sau khi gặp điều kiện thuận lợi.
3. Bộ phận dùng
Có thể dùng toàn cây nấm ngọc cẩu làm thuốc
4. Thu hoạch – sơ chế
Nấm ngọc cẩu thường mọc theo cụm. Trong cùng một cụm có thể tìm thấy cả nấm đực lẫn cái. Những cây nấm có kích thước to bằng ngón tay lớn, màu nâu hay đỏ sẫm sẽ được đào về. Một vài nhánh còn quá bé sẽ được giữ lại để chúng tiếp tục phát triển và thu hoạch vào những lần sau đó.
Sau khi đào về, nấm sẽ được đem rửa qua nhiều lần nước cho sạch, để ráo nước. Dùng tươi hoặc sấy khô cả củ hay cắt thành nhiều lát mỏng theo chiều dọc phơi trong bóng râm cho hơi se mặt lại là được.
5. Bảo quản
Nấm ngọc cẩu khô sẽ bảo quản được lâu hơn so với nấm tươi. Sau khi phơi và sấy khô hoàn toàn, dược liệu được đựng trong các túi ni lông hoặc hộp nhựa, hũ thủy tinh.
Cần đảm bảo đậy kín miệng lại hoặc cột chặt đầu bao lại, cất nơi khô ráo, thông thoáng để vi khuẩn, nấm và không khí ẩm không có khả năng xâm nhập vào bên trong khiến dược liệu bị hư hỏng.
Công dụng và Liều dùng
1. Thành phần hóa học
Trong nấm ngọc cẩu chứa:
- Chất béo
- Tinh dầu
- Gentianine
- Carpaine
- Choline
- Vitexin
- Orienti
- 13 loại axit amin
- Chất kích thích ham muốn tình dục, cải thiện nội tiết tố nam: Testosterone, L Arginin
2. Tính vị
Dược liệu này có vị chát nhẹ, hơi ngọt, tính ôn
3. Quy kinh
Tỳ, Thận
4. Công dụng của dược liệu
Nấm ngọc cẩu có tác dụng gì? Theo Đông y, nấm ngọc cẩu có tác dụng bổ Tỳ dưỡng Thận, tráng dương, bổ máu, giảm đau, kích thích lưu thông khí huyết, bồi dưỡng cơ thể, nâng cao khả năng sinh lý.
Dược liệu này được chỉ trị các chứng bệnh sau:
- Đau nhức xương khớp
- Yếu sinh lý
- Liệt dương
- Rối loạn cương dương
- Xuất tinh sớm
- Di tinh
- Liệt dương
- Suy giảm trí nhớ và sức khỏe
Ngoài ra, nấm ngọc cẩu còn được dùng trong làm đẹp, dưỡng da, trị nám, tàn nhang, ngăn ngừa thiếu máu và phục hồi sức khỏe cho phụ nữ sau sinh.
5. Liều dùng dược liệu
Dùng nấm ngọc cẩu dạng sắc, ngâm rượu uống hoặc chế biến thành các món ăn bài thuốc. Tùy theo mục đích mà sử dụng với liều lượng thích hợp.
Các bài thuốc tiêu biểu từ Dược Liệu
1. Trị thận dương bất túc, lưng gối đau mỏi, khó đậu thai, tiểu nhiều về đêm, chống xuất tinh sớm
- Chuẩn bị: Thịt dê 100g, nấm ngọc cẩu 15g, 1 chén gạo nứt, gừng tươi xắt sợi, hành lá và các gia vị thông dụng.
- Cách sử dụng: Trước tiên sắc nấm ngọc cẩu với 700ml nước trong 20 phút. Dùng nước này hầm thịt dê và gạo lứt cho chín nhừ. Thêm gừng, hành lá và gia vị cho vừa miệng rồi dọn ra ăn nóng.
2. Điều trị di tinh, hoạt tinh, yếu sinh lý ở nam giới
- Chuẩn bị: Nấm ngọc cẩu và tang phiêu phiêu mỗi loại 120g, long cốt và bạch phục linh mỗi loại 40g.
- Cách sử dụng: Tán mịn tất cả các vị thuốc trên. Mỗi lần lấy 15 – 20g bột thuốc pha cùng nước muối loãng uống. Kiên trì dùng ngày 2 lần để cố tinh, nâng cao khả năng sinh lý tình dục.
3. Điều trị xuất tinh sớm, thận hư, di tinh, bất lực ở đàn ông
- Chuẩn bị: 1 con gà trống cỡ nhỏ, nấm ngọc cẩu và ngũ vị tử mỗi vị 20g, đảng sâm và hoài sơn mỗi vị 50g.
- Cách sử dụng: Gà làm sạch lông, mổ bỏ nội tạng. Sau đó nhét tất cả các vị thuốc đã chuẩn bị vào trong bụng gà. Hấp cách thủy khoảng 60 phút là ăn được. Chia gà làm 2 lần ăn, mỗi tuần thực hiện một lần.
4. Điều trị nhức mỏi xương khớp, dưỡng thận
- Chuẩn bị: Nấm ngọc cẩu, hoàng bá, hủ trường, quy bản, mộc miên, ngưu tất mỗi vị 16g, đương quy và địa hoàng mỗi vị 8g, rượu trắng
- Cách sử dụng: Nghiền thuốc thành bột mịn, sau đó nháo với một lượng rượu vừa đủ. Vo thuốc thành các viên nhỏ có trọng lượng khoảng 10g, đựng trong lọ kín. Mỗi ngày uống 2 viên.
5. Bổ thận dương, lợi huyết, ích tinh
- Chuẩn bị: Thận lợn 2 quả, gừng tươi băm nhỏ, hành lá, một ít nấm ngọc cẩu khô
- Cách sử dụng: Thận bổ làm đôi, lạng bỏ hết màng nhầy và dùng nước gừng tươi rửa để khử mùi hôi. Nấm ngọc cẩu khô tán bột mịn rồi rắc vào trong giữa quả thận. Úp nửa quả còn lại vào rồi dùng hành lá cột chặt lại. Hấp cách thủy cho chín. Dọn ra ăn nóng cùng với nước mắn gừng rất ngon miệng lại giúp bồi dưỡng cơ thể, nâng cao sức khỏe thận.
6. Cường dương, cải thiện khả năng cương cứng của dương vật khi quan hệ
- Chuẩn bị: Nấm ngọc cầu khô và nhục thung dung (mỗi vị 5g), thịt dê (50g), bột mì (200g)
- Cách sử dụng: Đem hai vị thuốc bắc sắc chung với nhau. Gạn lấy nước thuốc nhào chung với bột mì thành một hỗn hợp bột đặc, mịn, không còn bị vón cục. Dùng chai cán mỏng khối bột ra và xắt thành sợi dài tương tự như sợi mì. Nấu mì ăn cùng với thịt dê mỗi ngày một lần. Dùng liên tục một thời gian để thấy được sự thay đổi rõ rệt sau mỗi lần quan hệ.
Lưu Ý khi sử dụng Dược Liệu để trị bệnh
Kiêng kỵ
Bạn không nên dùng nấm ngọc cẩu nếu đang gặp các vấn đề sau:
- Cao huyết áp
- Mắc các bệnh lý ở đường tiêu hóa
- Đang điều trị ung thư bằng phương pháp xạ trị
- Có tiền sử bị dị ứng với nấm ngọc cẩu hay bất cứ dược liệu nào phối hợp trong bài thuốc
Phân biệt nấm ngọc cẩu thật giả và hàng chất lượng tốt
Nấm chất lượng tốt và nguyên chất sẽ có những đặc điểm sau:
- Mùi vị: Thơm dịu, không bị ẩm mốc hoặc có mùi hôi khó chịu
- Màu sắc bên ngoài: Ở dạng khô nấm có màu nâu sẫm, nếu sấy nguyên cây phải có cả phần thân dính liền với củ.
- Hình dạng: Nấm không bị vụn nát. Những cây nấm ruột tím chuẩn thường có kích thước nhỏ. Loại thân to thường là nấm dại hoặc nấm ruột trắng có giá trị dược liệu kém.
Đặc điểm của nấm giả, nấm kém chất lượng:
- Mùi vị: Không có mùi thơm khi đưa lên mũi ngửi. Thậm chí một số loại để lâu còn có mùi hôi.
- Màu sắc: Nấm kém chất lượng có màu đen hoặc màu sắc khác lạ, có thể nổi nhiều mốc trắng trên bề mặt, thân và củ nấm tách rời.
- Hình dáng: Nấm bị vụn nát nhiều, kích thước lớn.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Dược Liệu cũng như một số bài thuốc hay về vị thuốc này nhé !
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn
Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam