Nhiệt miệng tuy không nguy hiểm nhưng có thể khiến bạn đau đớn, khó chịu nhiều ngày liền. Do đó, bạn nên sớm tìm hiểu nguyên nhân gây nhiệt miệng nhằm tìm cách phòng tránh và ngăn ngừa những triệu chứng khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt.
Khi biết được những nguyên nhân gây nhiệt miệng thường xuyên, bạn sẽ không còn phải khổ sở tìm cách chữa nhiệt miệng tại nhà nữa. Thay vào đó, bạn sẽ có cách phòng chống chứng khó chịu này từ trước khi bệnh xuất hiện.
Các nguyên nhân gây nhiệt miệng
Tuy khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể gây nhiệt miệng nhưng có một số tác nhân làm tăng nguy cơ mắc chứng này. Một số nguy cơ thường xuất hiện như dưới đây:
1. Nhiệt miệng do tổn thương miệng
Da bên trong miệng rất mỏng manh và nhạy cảm nên rất dễ bị tổn thương nếu chịu các tác tác động quá mạnh. Ví dụ như miệng có thể bị loét khi bạn đi làm răng, đánh răng không đúng cách, chơi thể thao… Thậm chí nếu vô tình cắn phải miệng khi ăn, bạn cũng có thể khiến miệng bị trầy xước, từ đó dẫn tới nhiệt miệng.
2. Nhiệt miệng do sản phẩm chăm sóc răng miệng
Những sản phẩm chăm sóc răng miệng như kem đánh răng và nước súc miệng giúp bạn loại bỏ mảng bám cũng như khử tình trạng hơi thở có mùi hôi. Thế nhưng, bạn có nguy cơ sẽ mắc phải nhiệt miệng nếu bị mẫn cảm với chất sodium lauryl sulfate (SLS) có trong một số sản phẩm chăm sóc răng miệng.
Một bài đánh giá khoa học đăng 3/2017 đăng trên tạp chí Clinical and Aesthetic Dermatology cho biết các sản phẩm chăm sóc răng miệng không có SLS không làm giảm tần suất nhiệt miệng. Tuy nhiên, những sản phẩm này vẫn có ảnh hưởng tích cực đến quá trình làm lành vết loét miệng.
Kết quả trên cho thấy sản phẩm chăm sóc răng miệng không chứa SLS tuy không giúp ngừa nhiệt miệng nhưng có thể giúp vết loét nhanh lành hơn. Vậy nên nếu bạn thường xuyên bị nhiệt miệng, bạn hãy thử dùng các sản phẩm không chứa SLS để xem tình trạng có cải thiện không.
3. Nhiệt miệng do chế độ ăn uống
Nếu bạn thường xuyên bị nhiệt miệng sau khi ăn một loại thực phẩm nào đó thì có thể món ăn này chính là nguyên nhân. Một số thực phẩm sẽ làm tăng nguy cơ bị nhiệt miệng như thức ăn mặn, cay và có tính axit.
Bạn có nguy cơ bị nhiệt miệng nếu ăn các món có gluten do mắc bệnh Celiac hay còn gọi là bệnh dị ứng gluten. Ngoài ra, một số chứng dị ứng thực phẩm khác cũng có thể là nguyên nhân gây nhiệt miệng.
Đôi khi, tình trạng nhiệt miệng là do chế độ ăn uống thiếu chất một số vitamin và chất dinh dưỡng như axit folic, kẽm, sắt… Một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Hội đồng Y học Gia đình Hoa Kỳ đã cho 58 người thường bị nhiệt miệng dùng 1.000mcg vitamin B12 vào buổi tối trong sáu tháng. Kết quả cho thấy 74% người tham gia không còn tình trạng bị nhiệt miệng sau khoảng thời gian thí nghiệm.
4. Nhiệt miệng do vi khuẩn gây loét dạ dày
Helicobacter pylori là một loại vi khuẩn gây nhiễm trùng và loét dạ dày. Tuy nhiên, đôi khi loại vi khuẩn này cũng có thể xuất hiện trong khoang miệng gây ra nhiệt miệng.
Ngoài những nguyên nhân gây nhiệt miệng thường thấy trên, bạn cũng có thể tăng nguy cơ nhiệt miệng nếu:
• Có ba mẹ thường bị nhiệt miệng: Chứng nhiệt miệng cũng thường do di truyền nên bạn sẽ có nguy cơ bị nhiệt miệng cao hơn nếu ba mẹ thường xuyên mắc chứng này.
• Tâm lý căng thẳng: Bạn cũng dễ bị nhiệt miệng hơn nếu tình trạng căng thẳng thần kinh kéo dài.
• Hormone: Nếu đang trải qua thay đổi nội tiết tố sau sinh hay trong kỳ kinh kinh nguyệt, bạn cũng dễ bị nhiệt miệng hơn.
• Mắc bệnh khác: Bạn cũng có khả năng bị nhiệt miệng nếu đang mắc các bệnh tự miễn hoặc bệnh có thể gây viêm như bệnh Crohn, hội chứng Behcet hay HIV/AIDS.
Nhiệt miệng sẽ không lây nên bạn sẽ không mắc chứng này khi hôn, ăn uống chung hoặc chạm vào vết thương của người đang bị bệnh.
Cách phòng chống nhiệt miệng
Nguyên nhân chính xác gây nhiệt miệng vẫn chưa rõ ràng nên bệnh này rất khó phòng ngừa. Tuy nhiên, bạn vẫn có cách giảm nguy cơ và tần suất bị nhiệt miệng bằng một số cách đơn giản dưới đây.
1. Xây dựng thói quen chăm sóc răng miệng hợp lý
Bạn cần hình thành thói quen chăm sóc răng miệng lành mạnh bằng cách đánh răng nhẹ nhàng 2 lần mỗi ngày và dùng chỉ nha khoa. Bạn cũng có thể đổi sang dùng các sản phẩm chăm sóc răng miệng không chứa sodium lauryl sulfate để quan sát xem tình trạng nhiệt miệng có cải thiện không.
2. Thực hành các cách thư giãn tinh thần
Một số người bị nhiệt miệng là do căng thẳng kéo dài. Nếu bạn quan sát thấy nhiệt miệng hay xuất hiện những lúc mình bị stress, hãy thực hiện những cách thư giãn sau:
- Ngủ đủ giấc
- Ăn uống lành mạnh
- Tập thể dục đều đặn
- Thực hiện các hoạt động yêu thích
- Xây dựng thêm các mối quan hệ xã hội lành mạnh
- Thực hành các bài tập thở sâu giải tỏa căng thẳng hoặc thiền
- Tâm sự với người thân hoặc chuyên gia về các vấn đề gây căng thẳng
Bạn nên đến bác sĩ khám nếu chứng nhiệt miệng liên tục tái phát dù đã thực hiện nhiều cách phòng ngừa. Đây có thể là dấu hiệu của một số bệnh tự miễn nguy hiểm đấy.
3. Thay đổi chế độ ăn uống lành mạnh hơn
Bạn cần theo dõi chế độ ăn uống của mình cũng như ghi lại những lần bị nhiệt miệng. Qua một thời gian quan sát, bạn sẽ tìm được những thực phẩm nào khiến mình tăng nguy cơ mắc bệnh này. Thông thường, đây sẽ là những món mặn, cay hay nhiều axit. Hơn nữa, nếu bạn đã từng có tiền sử không dung nạp gluten hoặc bất cứ loại thực phẩm nào khác, hãy tránh những món này.
Nguyên nhân gây nhiệt miệng đôi khi có thể là do thiếu vitamin. Vậy nên, bạn cũng cần đi khám xem mình đang thiếu loại vitamin nào để bổ sung đầy đủ.
Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh và tốt cho răng miệng cần đa dạng và đầy đủ tất cả các nhóm chất. Do đó, bạn nên xây dựng cho mình chế độ dinh dưỡng tốt cho sức khỏe, đầy đủ dưỡng chất với nhiều loại trái cây, rau củ, thịt, ngũ cốc…
Nguyên nhân gây nhiệt miệng không quá nghiêm trọng mà chỉ do chế độ ăn uống không phù hợp hay cách chăm sóc răng miệng không hợp lý. Khi biết được những nguyên nhân này, bạn sẽ có cách phòng chống nhiệt miệng từ trước khi bệnh xuất hiện.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: What Causes Canker Sores, and How to Prevent Them
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: