Nha đảm tử là cây nhỏ, mọc thành bụi, cao từ 2 – 3 m. Thân cây mềm, lúc non có lông, sau nhẵn và có màu nâu nhạt. Lá nha đảm tử là lá kép lông chim lẻ, mọc so le, gồm 5 – 11 lá chét mọc đối. Vậy có những bài thuốc trị bệnh hiệu quả từ dược liệu nha đảm tử hiện nay? Cách dùng dược liệu này như thế nào? Hãy cùng Medplus tìm hiểu rõ hơn về loại dược liệu này nhé!
1. Thông tin dược liệu
Tên thường gọi: Nha đảm tử; Cây sầu đâu cứt chuột; Cứt dê; Sầu đâu rừng,…
[elementor-template id="263870"]
Tên khoa học: Brucea javanica (L.) Merr.
Họ: thuộc họ Thanh thất – Simaroubaceae.
Đặc điểm dược liệu
Nha đảm tử là cây nhỏ, mọc thành bụi, cao từ 2 – 3 m. Thân cây mềm, lúc non có lông, sau nhẵn và có màu nâu nhạt. Lá nha đảm tử là lá kép lông chim lẻ, mọc so le, gồm 5 – 11 lá chét mọc đối. Phiến lá chét dài từ 5 – 10 cm, rộng 2 – 4,5 cm. Lá hình trứng, gốc tròn, đầu nhọn, mép có khía răng thô tù. Hai mặt lá có lông mềm, nhất là ở mặt dưới, cuống lá dài và có lông.
Hoa nhỏ, đơn tính, khác gốc, mọc thành chùm xim. Cụm hoa mọc ở kẽ lá, dài 15 – 25 cm. Lá bắc nhỏ, dễ rụng. Đài hoa có 4 răng, hình mác; tràng hoa có 4 cánh thuôn, có lông tuyến ở đầu, hoa đực có 4 nhị, nhụy tiêu giảm; hoa cái có 4 nhị rất ngắn. Bầu hoa có 4 lá noãn rời, đầu uốn cong, mỗi ô chứa 1 noãn.
Quả hạch, hình bầu dục, khi chín màu đen. Hạt hình trứng dẹt, màu nâu đen, vị rất đắng.
Mùa ra hoa từ tháng 3 đến tháng 8, mùa quả từ tháng 4 đến tháng 9.
Bộ phận dùng
Bộ phận dùng của cây là quả, thường gọi là Nha đảm tử (Fructus Bruceae), là những quả già được phơi khô, màu đen, vỏ nhăn nheo. Người dân thường thu hái quả chín vào mùa hè đến mùa thu, loại bỏ vỏ và tạp chất phơi hay sấy khô. Khi dùng thì giã nát ép vào giấy bản cho bớt dầu rồi mới chế biến thuốc để uống.
Thu hái và chế biến
Thu hái: Từ tháng 9 đến tháng 11 hàng năm
Chế biến: Sau khi thu hái, mang Nha đảm tử về phơi hoặc sấy khô. Sau đó bảo quản để dùng dần.
Phân bố
Tại Việt Nam, cây phân bố rải rác khắp các tỉnh thuộc vùng trung du, núi thấp (dưới 600 m) và cả ở đồng bằng, như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Đà Nẵng, Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Dương, Kiên Giang. Cây có thể sống được trên nhiều loại đất, kể cả đất đồi khô cằn cũng như loại đất cát ở các truông gai ven biển. Nha đảm tử thụ phấn chủ yếu nhờ côn trùng, tái sinh tự nhiên tốt từ hạt. Khi cây bị chặt phá, phần còn lại vẫn có khả năng sinh cây chồi.
2. Công dụng và tác dụng chính
Thành phần hóa học
Hạt cây chứa các chất brucein A, B, C, D, E, F, G, H, brusatol, bruceoside A, B, brucamarin, acid brucedic và nhiều dầu béo. Quả nha đảm tử chứa albumin độc, brutoxin, alcaloid (brucamarin), dầu béo (20 – 23%), trong đó có acid oleic, triglycerid, acid béo 26C, acid brucetic, ngoài ra còn có tinh dầu, saponin.
Thành phần chính của tinh dầu từ lá nha đảm tử là các hợp chất: Germacren D, α-amorphen và α-humulen.
Tính vị
Dược liệu có tính hàn, vị đắng.
Quy kinh
Quy vào kinh đại tràng.
Tác dụng dược lý
Theo y học hiện đại
Trị lỵ amip, sốt rét, trùng roi, giun đũa, chống ung thư
Các hợp chất quassinoid phân lập từ quả nha đảm tử có tác dụng trị lỵ amip, sốt rét và chống ung thư. Hoạt chất bruceantin có tác dụng kháng amip, chống sốt rét và ung thư; hoạt tính chống sốt rét không chỉ đơn thuần do tác động độc hại tế bào.
Các quassinoid: Bruceolid, bruceantin và bruceantinol có hoạt tính ức chế đối với bệnh bạch cầu lympho và carcinom phổi. Các bruceosid A và B có độc tính gây chết khi cho chuột nhắt trắng cao methanol nha đảm tử. Bruceosid C có hoạt tính độc hại tế bào mạnh chống các dòng tế bào khối u KB, A – 549, RPMI và TE – 671. Các bruceosid D, E và F có hoạt tính độc hại tế bào chọn lọc trong bệnh bạch cầu và một số dòng tế bào ở phổi, ruột kết, hệ thần kinh trung ương, u hắc sắc tố và ung thư buồng trứng. Các quassinoid khác của nha đảm tử có tác dụng độc hại tế bào, có khả năng dùng điều trị ung thư gồm brusatol và các yadanziosid A.
Các tác dụng khác:
-
Lá nha đảm tử dùng đắp trị lách to, vảy cám (da), bệnh nấm da, nhọt và rết cắn.
-
Nước sắc lá trị đau bụng, ho và ngộ độc.
-
Ở Australia, người dân dùng nha đảm tử rừng trị đau răng.
-
Theo tài liệu của Tổ chức y tế thế giới, nha đảm tử dùng làm thuốc trị giun tóc, giun đũa, sán dây, vẩy cám ở da, rết cắn, trĩ, lách to.
-
Hạt và dầu hạt trị hột cơm và chai chân tay.
-
Quả nha đảm tử điều trị bệnh do Trichomonas, hột cơm và mụn cóc.
Theo y học cổ truyền
Theo đông y, nha đảm tử có vị đắng, tính hàn, hơi có độc, vào kinh đại trường, có tác dụng sát trùng, chặn lỵ, tiêu độc, trừ sốt rét và làm mòn thịt thừa.
Cách dùng và liều lượng
Cách dùng: Sấy hoặc phơi khô sau đó tán thành bột mịn, sắc thành nước thuốc để uống hoặc nấu thành cao.
Liều lượng: Dùng 4 – 16 gram/ngày.
3. Bài thuốc chữa bệnh
Bài thuốc từ Nha đảm tử điều trị ung thư và phòng ngừa ung thư di căn
Dùng 20 quả dược liệu rửa sạch với nước muối. Mang dược liệu sấy hoặc phơi khô dưới trời nắng gắt. Cho dược liệu vào chảo và sao sơ với lửa nhỏ, giã đập. Cho dược liệu đã giã vào nồi cùng với 1 lít nước. Thực hiện đun thuốc với lửa nhỏ trong 30 phút hoặc cho đến khi lượng nước trong nồi chỉ còn lại một nửa. Chia thuốc thành 3 lần uống trong ngày. Sử dụng 1 thang/ngày cho đến khi bệnh tình có dấu hiệu thuyên giảm.
Bài thuốc từ Nha đảm tử điều trị sốt rét
Dùng 1 gram quả dược liệu rửa sạch với nước muối. Mang dược liệu sấy hoặc phơi khô dưới trời nắng gắt. Cho dược liệu vào nồi cùng với 600ml nước lọc. Thực hiện sắc thuốc với lửa nhỏ cho đến khi lượng nước trong nồi chỉ còn lại 300ml. Để nguội bớt và chắt lấy phần nước. Sử dụng 3 lần/ngày sau mỗi bữa ăn. Uống liên tiếp 4 – 5 ngày sẽ nhận thấy bệnh tình thuyên giảm, những triệu chứng khó chịu cũng không còn.
Bài thuốc từ Nha đảm tử điều trị bệnh lỵ mạn tính do amip
Dùng 45 gram quả dược liệu đã bỏ vỏ, 15 gram quán chúng, 60 gram sáp vàng và 15 gram ngân hoa thán. Mang Nha đảm tử, quán chúng và ngân hoa thán rửa sạch với nước muối. Mang tất cả vị thuốc sấy hoặc phơi khô dưới trời nắng gắt. Sau đó tán thành bột mịn. Cho sáp vàng vào nồi và nấu chảy. Hòa lượng sáp vàng đã nấu cùng với bột dược liệu, tạo thành viên với kích thước bằng hạt đỗ tương. Người lớn uống 10 – 15 viên/ngày lúc bụng đói. Sử dụng liên tục trong 10 ngày sẽ thấy bệnh tình thuyên giảm rõ rệt.
Bài thuốc từ Nha đảm tử điều trị bệnh lỵ cấp tính do amip (thuốc thụt)
Dùng 12 bọc nhựa của dược liệu rửa sạch với nước muối. Cho dược liệu vào nồi cùng với 500ml nước lọc. Thực hiện sắc thuốc với lửa nhỏ cho đến khi lượng nước trong nồi chỉ còn lại 200ml. Chắt lấy phần nước và chia thành 3 lần uống trong ngày. Sừ dụng 1 thang/ngày trước bữa ăn. Đồng thời dùng 20 hạt dược liệu đã rửa sạch ngâm cùng với 200ml nước trong 2 giờ. Ngâm dược liệu vào 200ml dung dịch 1% natri bicacbonat từ 1 – 2 giờ sau khi đã thụt rửa đại tràng. Thực hiện 1 lần/ngày trong 10 ngày (một liệu trình).
Bài thuốc từ Nha đảm tử điều trị viêm đường dẫn mật, viêm túi mật, sỏi túi mật, sỏi đường dẫn mật
Dùng 10 gram dược liệu, 40 gram kim tiền thảo, 16 gram sài hồ, 40 gram nhân trần, 12 gram chi tử, 16 gram mã đề, 8 gram chỉ xác, 4 gram đại hoàng, 8 gram uất kim. Mang tất cả vị thuốc rửa sạch với nước muối. Sau đó mang phơi hơi héo dưới trời nắng gắt. Cho tất cả nguyên liệu vào chảo và thực hiện sao vàng. Cho những vị thuốc đã sao vào nồi, rót thêm 1,5 lít nước lọc. Thực hiện sắc thuốc với lửa nhỏ trong 30 phút. Để nguội bớt và chắt lấy phần nước thuốc, uống trong ngày. Sử dụng 1 thang/ngày trong 7 ngày để bệnh tình có thể thuyên giảm.
Bài thuốc từ Nha đảm tử điều trị mụn cóc
Dùng nhân dược liệu đã được tiệt trùng bằng cao áp, mang dược liệu nghiền nhỏ. Dùng cồn hoặc cồn iod rửa sạch vùng da bệnh. Dùng dao vô trùng rạch nhẹ da để chảy một ít máu. Dán dược liệu vào vùng da bệnh, dùng băng keo và gạc dán cố định dược liệu. Giữ băng trong 8 ngày, kiêng nước. Sau 8 ngày nếu mụn cóc chưa rụng, dùng cao mềm acid boric bôi lên mụn cóc.
Bài thuốc từ Nha đảm tử điều trị gai chân
Dùng 11 – 13 nhân dược liệu đã rửa sạch giã nát. Cho 1,5 gram bột Salicylatez vào bột dược liệu, trộn đều. Cho thuốc vào băng keo, cắt thủng một lỗ bằng với vùng bị chai. Đặt thêm một miếng băng keo khác lên chỗ chai, sau đó dán thuốc vào. Giữ nguyên trạng thái trong 10 ngày thì thay băng.
Bài thuốc từ Nha đảm tử điều trị nốt ruồi
Dùng 3 – 4 gram dược liệu rửa sạch với nước muối. Giã nát dược liệu vào cho vào lọ, thêm cồn 75% bằng lượng thuốc ngâm. Ngâm thuốc một ngày một đêm. Dùng tâm bông thấm thuốc và bôi vào nuốt ruồi. Sử dụng 2 – 3 lần/ngày.
4. Những điều cần lưu ý khi dùng dược liệu
Trong quá trình điều trị bệnh bằng nha đảm tử cần lưu ý:
- Trẻ em, phụ nữ đang cho con bú, phụ nữ mang thai, người tỳ vị hư yếu tuyệt đối không dùng Nha đảm tử bởi trong dược liệu có độc
- Người có tỳ vị hư nhược, nôn mửa không nên dùng dược liệu
- Những người có tiền sử hoặc đang mắc bệnh gan, bệnh thận, chảy máu ruột dạ dày không nên dùng dược liệu.
5. Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Dược Liệu cũng như một số bài thuốc hay về vị thuốc này nhé!
Lưu ý:
- Thông tin về dược liệu mang tính chất tham khảo
- Quý độc giả không nên tự ý sử dụng phối bài thuốc mà sử dụng
- Quý độc giả nên tham vấn ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng, để hạn chế tác dụng phụ và tác dụng không mong muốn
Nguồn: tracuuduoclieu.vn
Xem thêm bài viết: