Dấu hiệu khí phế thũng phổ biến nhất chính là khó thở. Ở những người bị khí phế thũng, các túi khí trong phổi (phế nang) bị tổn thương. Theo thời gian, các phế nang bị tổn thương nặng đến mức vỡ ra. Điều này làm giảm diện tích bề mặt của phổi – nơi mà phổi trao đổi khí. Từ đó, dẫn đến một loạt các dấu hiệu và triệu chứng khác.
Khí phế thũng gây ra tổn thương không thể phục hồi bên trong phổi và làm ảnh hưởng đến khả năng hít thở của bệnh nhân. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng khí phế thũng sẽ khác nhau tùy thuộc vào tình trạng của từng bệnh nhân. Mời bạn cùng MedPlus tìm hiểu nhé!
Vì sao dấu hiệu khí phế thũng xuất hiện?
Phổi là một cơ quan quan trọng trong cơ thể được tạo thành từ các đường dẫn khí phân nhánh dần dần. Đường lớn nhất là khí quản, tiếp theo chia thành hai phế quản và các tiểu phế quản nhỏ hơn.
Các tiểu phế quản kết thúc bằng các túi khí nhỏ (phế nang). Đây là nơi có nhiệm vụ lấy oxy từ không khí hít vào và chuyển đến dòng máu, đồng thời thải carbon dioxide được chuyển ra từ máu thông qua hơi thở ra. Sự trao đổi oxy và carbon dioxide này diễn ra thông qua một mạng lưới các mao mạch nhỏ của phế nang.
Trong bệnh khí phế thũng, các đường dẫn khí và phế nang bị tổn thương sau nhiều lần tiếp xúc với các chất kích thích, chẳng hạn như khói thuốc lá, chất hóa học, bụi bẩn,… và vỡ ra. Đường dẫn khí của người bình thường có tính đàn hồi, nhưng khi bị viêm dài ngày, nó dày và cứng hơn, làm đường đi của không khí bị hẹp hơn.
Ngoài ra, số lượng túi khí giảm đi, số lượng mao mạch phục vụ hoạt động của các phế nang bị tổn thương cũng giảm dần. Điều này dẫn đến tắc nghẽn phế nang, giảm khả năng lấy oxy từ không khí vào phổi. Từ đó, dẫn đến các dấu hiệu khí phế thũng.
Các dấu hiệu khí phế thũng
Dấu hiệu khí phế thũng thường xuất hiện nặng dần theo thời gian, vì căn bệnh này phá hủy mô phổi dần dần. Các triệu chứng khí phế thũng ban đầu có thể nhẹ, bao gồm thỉnh thoảng khó thở và mệt mỏi. Bạn có thể bắt đầu tránh các hoạt động khiến bạn bị hụt hơi, vì vậy, triệu chứng này không trở thành vấn đề cho đến khi nó bắt đầu ảnh hưởng đến hầu hết các công việc hàng ngày.
Nếu khí phế thũng không được chẩn đoán và điều trị trong nhiều năm, bệnh có thể làm hỏng hơn một nửa túi khí trong phổi và cuối cùng gây ra khó thở ngay cả khi bạn đang nghỉ ngơi. Khi bệnh trở nặng, các triệu chứng cũng thường nghiêm trọng hơn.
Các dấu hiệu khí phế thũng khác bao gồm:
- Dễ bị viêm đường hô hấp dưới
- Ho có đờm thường xuyên
- Hụt hơi
- Tức ngực
- Cảm thấy không nhận đủ không khí
- Thở khò khè
- Tim to ra vì phổi bị tổn thương
- Da, môi và móng tay hơi xanh do thiếu oxy
- Lồng ngực hình thùng do ngực mở rộng để chứa phổi
- Mệt mỏi do hấp thụ ít oxy hơn
- Chán ăn
- Sụt cân
- Các vấn đề về giấc ngủ, ví dụ như chứng ngưng thở khi ngủ
- Sưng phù mắt cá chân, chân hoặc bụng.
Các dấu hiệu khí phế thũng có thể khác nhau ở mỗi bệnh nhân. Các triệu chứng này thường giống như bệnh phổi hoặc các vấn đề về đường hô hấp khác. Vì vậy, bạn cần đến gặp bác sĩ để được chẩn đoán chính xác bệnh.
Khi nào đến gặp bác sĩ
Nếu bạn mắc phải bất kỳ dấu hiệu nào được liệt kê ở trên hoặc gặp vấn đề về hô hấp, hãy đến gặp bác sĩ càng sớm càng tốt. Nếu được chẩn đoán sớm, các phương pháp điều trị khí phế thũng có thể giúp giảm nhẹ triệu chứng và ngăn ngừa bệnh trở nặng.
Ngoài ra, hãy đến gặp bác sĩ nếu bạn bị khó thở không rõ nguyên nhân trong vài tháng, đặc biệt nếu tình trạng khó thở ngày càng nặng hơn hoặc gây cản trở các hoạt động hàng ngày.
Hãy thăm khám hoặc gọi cấp cứu ngay lập tức nếu:
- Rất khó thở và không thể leo cầu thang
- Môi hoặc móng tay chuyển sang màu xanh lam hoặc xám khi gắng sức
- Tinh thần không tỉnh táo.
Phòng ngừa
Để phòng ngừa dấu hiệu khí phế thũng, bạn tuyệt đối không nên hút thuốc và tránh xa khói thuốc lá. Ngoài ra, bạn hãy đeo khẩu trang để bảo vệ phổi khi đi ra ngoài hoặc nếu bạn phải thường xuyên làm việc với môi trường ô nhiễm, chứa nhiều khói hóa chất hoặc bụi bẩn.
Việc nhận biết sớm dấu hiệu khí phế thũng là rất quan trọng, nhằm ngăn ngừa bệnh trở nặng và gây nên nhiều biến chứng nguy hiểm. Khí phế thũng không thể chữa khỏi nhưng bạn hoàn toàn có thể ngăn ngừa bệnh ngay từ ban đầu bằng cách chủ động bảo vệ sức khỏe của lá phổi.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Emphysema
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: