Cây Dầu Mè hay còn gọi là Ba đậu nam, Dầu lai, Đông thụ, Nhao. Lá Dầu mè thường được dùng chữa chấn thương bầm giập, vết thương chảy máu, bong gân, mẩn ngứa, eczema, vẩy nến… Cùng Medplus tìm hiểu rõ hơn về loại dược liệu này nhé!
Thông tin cơ bản
Tên tiếng Việt: Dầu mè, Ba đậu nam, Dầu lai, Đông thụ, Nhao (Tày)
Tên khoa học: Jatropha curcas L.
Họ: Euphorbiaceae (Thầu dầu)
Đặc điểm cây
- Cây nhỡ, cao 2-5m, có nhựa trong suốt.
- Cành mập, nhẵn, có nhiều vết sẹo do lá rụng để lại. Vỏ màu đồng thau lục nhạt tách thành vẩy mỏng.
- Lá moc so le, chia 3-5 thuỳ nông; gân lá hình chân vịt.
- Hoa đực và hoa cái riêng biệt. Cụm hoa hình chuỳ dạng ngù mọc ở đầu cành hay nách lá.
- Quả nang hình trứng, có cuống dài, lúc non màu xanh, khi chín màu vàng, có 3 thuỳ dạng góc, chứa 3 hạt.
- Cây ra hoa tháng 5-8.
Nơi sống và thu hái
Có nguồn gốc từ châu Mỹ. Cây cũng được trồng phổ biến ở một số nước vùng Đông Nam Á và Ấn Độ.
Dầu mè là cây ưa sáng, chịu hạn tốt, thường được trồng dày ở bờ rào. Ra hoa quả nhiều: tái sinh từ gốc bị chặt và cành khoẻ nên thường được trồng bằng cách cắm cành.
Lá có thể thu hái quanh năm, thường dùng tươi. Hạt ép lấy dầu dùng trong công nghiệp và làm thuốc.
Bộ phận dùng
Lá, rễn nhựa và dầu hạt
Thành phần hoá học, tính vị
Thành phần hoá học:
- Hạt chứa chất độc Curcin.
- Nhân hạt chứa dầu béo, 2 phytosterol, 1 phytosterolin (glucosid của phytosterol), một lượng cao sucrose và chất nhựa gây nôn, xổ và gây đau bụng.
- Hạt ép ra dầu với tỉ lệ 25%, dầu này có mùi khó chịu và gây xổ nhiều hơn dầu Thầu dầu.
Tác dụng dược lý
Dầu hạt cây dầu mè có tác dụng tẩy nhưng thường gây kích ứng mạnh đường dạ dày – ruột hoặc ngộ độc.
Toàn bộ hạt có tác dụng tẩy và diệt giun sán. Vì có độc tính cao nên không dùng hạt và dầu của cây cho những chỉ định này.
Tính vị, công năng
Lá có vị đắng và se, tính mát, có độc; có tác dụng làm tan máu ứ, tiêu sưng, cầm máu, chống ngứa.
- Lá dầu mè giã nát đắp lên bụng để gây tẩy cho trẻ em, có khi còn được dùng ngoài chữa thấp khớp.
- Rễ dùng ngoài chữa tê liệt, bại liệt.
- Dầu hạt gây nôn và tẩy mạnh, giải độc, sát trùng.
- Nhựa mủ có tác dụng bôi lên vết thương hay vết loét. Cây có độc đối với cá.
Công dụng và bài thuốc về cây dầu mè
Công dụng
Lá thường được dùng trị:
- Chấn thương bầm giập, vết thương chảy máu, bong gân
- Mẩn ngứa, eczema, vẩy nến
- Phong hủi
- Nhiễm trùng trichomonas ở âm đạo
- Loét mạn tính.
Ở Ấn Độ, người ta dùng lá sắc uống và làm thuốc đắp vào vú gây tiết sữa và làm sung huyết. Dầu hạt dùng chữa táo bón và bôi trị ghẻ lở, mụn nhọt, rò, bệnh về tóc. Nhựa mủ dùng bôi trị ghẻ eczema, nấm tóc, các vết loét và dùng đánh lưỡi cho người ốm. Cũng dùng để chữa vết thương. Dùng lá giã đắp hoặc chiết dầu từ hạt để xoa, rịt bên ngoài.
Đơn thuốc
- Loét mạn tính: Dùng dầu hạt lẫn với vaselin làm pomat bôi.
- Mẩn ngứa, eczema: Dùng lá Dầu mè tươi, giã nát và rịt.
Ghi chú: Hạt rất độc, dễ gây ngộ độc nguy hiểm; khi dùng phải thận trọng.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo.
- Người bệnh không tự ý áp dụng.
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng.
Nguồn: Tracuuduoclieu