Khi làm việc nhà, trẻ sẽ học hỏi được rất nhiều điều và có cơ hội phát triển các kỹ năng cần thiết cho cuộc sống sau này. Vậy bố mẹ phải làm sao để dạy trẻ làm việc nhà hiệu quả?
Tại sao bố mẹ nên dạy trẻ làm việc nhà?
Trẻ nhỏ có thể nhận được rất nhiều lợi ích khi được làm việc nhà, điển hình như:
- Nhận thức rằng mình cần làm việc nhà để chăm sóc cho bản thân cũng như cho các thành viên trong gia đình.
- Học và luyện tập những thói quen cần thiết cho cuộc sống sau này, chẳng hạn như chuẩn bị bữa ăn, quét nhà, dọn dẹp phòng…
- Có cơ hội phát triển các kỹ năng như giao tiếp, đàm phán, hợp tác hay làm việc nhóm.
- Giúp trẻ tự lập và có trách nhiệm hơn với cuộc sống của mình. Kể cả khi trẻ không thích làm việc nhà, con cũng có được cảm giác thỏa mãn khi hoàn thành công việc mà bố mẹ giao phó.
- Đỡ đần bố mẹ, giúp giảm áp lực việc nhà cho các thành viên khác trong gia đình, từ đó cả gia đình sẽ có nhiều thời gian rảnh rỗi bên nhau hơn
Bố mẹ nên dạy trẻ làm việc nhà như thế nào?
Để trẻ hợp tác làm các công việc nhỏ trong gia đình, điều quan trọng là bố mẹ cần chọn cho trẻ những việc phù hợp với sức khỏe và lứa tuổi của con. Nếu yêu cầu trẻ làm việc quá sức, con sẽ có thể cảm thấy nhàm chán, khó chịu và không hợp tác.
Bố mẹ có thể cho trẻ làm việc nhà từ khi con còn rất nhỏ. Chẳng hạn, bố mẹ có thể cho trẻ bắt đầu bằng những công việc rất nhỏ như cất gọn đồ chơi của mình sau khi chơi xong. Điều này sẽ phần nào giúp trẻ nhận thức được tầm quan trọng của việc chia sẻ việc nhà với các thành viên trong gia đình.
Ngoài ra, bố mẹ cũng nên cho trẻ làm quen với những công việc liên quan đến lợi ích của tất cả các thành viên trong gia đình, ví dụ như lau bàn hay dọn bàn. Từ đó, trẻ có cơ hội phát triển tư duy và nhận thức về tinh thần trách nhiệm. Nếu trẻ đã đủ lớn (khoảng trên 6 tuổi), bố mẹ có thể cho con tự lựa chọn những việc nhà mà mình thích.
Bố mẹ có thể tham khảo những cách dưới đây để giúp trẻ có thêm động lực và hứng thú hơn khi làm việc nhà:
- Hướng dẫn trẻ và cùng con làm việc nhà cho đến khi con có thể tự mình làm được mà không cần sự hỗ trợ từ bố mẹ.
- Phân công công việc rõ ràng cho trẻ theo ngày hoặc theo tuần.
- Trò chuyện với trẻ về những lợi ích khi hoàn thành xong việc nhà.
- Cổ vũ và thể hiện sự hứng thú của bố mẹ về quá trình làm việc nhà của con.
- Khen ngợi trẻ khi con có hành động tốt và tích cực.
- Tặng phần thưởng cho trẻ khi con làm tốt.
Các công việc nhà phù hợp với trẻ theo từng độ tuổi
Trẻ nhỏ có thể giúp đỡ bố mẹ theo nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn, trẻ có thể chỉ cần đơn giản là sang nhà hàng xóm chơi khi bố mẹ cần thực hiện những việc lớn trong nhà (ví dụ như sắp xếp lại bàn ghế, sơn nhà, sửa nhà…), hoặc trẻ lớn hơn có thể trông em và chăm sóc em nhỏ khi bố mẹ bận rộn. Dưới đây là một vài gợi ý về công việc phù hợp với trẻ theo từng độ tuổi mà bố mẹ có thể tham khảo:
1. Giai đoạn trẻ 2-3 tuổi
- Thu gọn đồ chơi và sách vở.
- Cất quần áo vào tủ.
- Dọn bát đũa ra bàn ăn.
2. Giai đoạn trẻ 4-5 tuổi
- Bày thức ăn lên bàn.
- Cùng bố mẹ chuẩn bị đồ ăn.
- Phân loại quần áo sau khi đã được giặt và phơi khô.
- Cùng bố mẹ đi chợ, siêu thị mua đồ.
- Đổ các loại rác nhỏ.
- Đưa bố mẹ quần áo ướt từ trong chậu để bố mẹ phơi lên.
3. Giai đoạn trẻ 6-8 tuổi
- Tưới rau, tưới cây trong vườn và trong nhà.
- Cho thú cưng ăn (chó, mèo…).
- Đổ rác, quét nhà, lau nhà.
- Phơi quần áo (nếu dây phơi ở trong tầm với của trẻ).
- Chuẩn bị bát, đũa, thìa trước bữa ăn.
- Lựa chọn món ăn cho bữa cơm của gia đình.
- Giúp bố mẹ nấu các món ăn.
Bố mẹ cũng có thể thay đổi thường xuyên các công việc nhà của trẻ để con không cảm thấy nhàm chán và có hứng thú hơn với những việc mình làm.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily