Ngất xỉu xảy ra khi bạn bị mất ý thức trong một thời gian ngắn vì bộ não không nhận đủ oxy. Mặc dù ngất xỉu không phải lúc nào cũng báo hiệu rối loạn sức khỏe nghiêm trọng, nhưng tốt hơn là bạn nên tìm hiểu nguyên nhân. Cùng Songkhoe.medplus.vn tham khảo bài viết dưới đây nhé!
Ngất xỉu là gì ?

Ngất xỉu hay còn được gọi là bất tỉnh, là tình trạng người bệnh bị mất ý thức trong một thời gian ngắn. Nguyên nhân là do huyết áp thấp làm máu không kịp lên tới não, hoặc do tim không thực hiện hoạt động bơm đủ máu có oxy lên não. Người bệnh thường bị ngã xuống đất khi bị ngất xỉu đột ngột. Tuy nhiên, điều này khác hẳn với các cơn động kinh làm người bệnh co giật. Sau khi bị ngất, người bệnh sẽ hồi tỉnh sau vài giây và cảm thấy bình thường trở lại, nhiều trường hợp cảm thấy rất mệt mỏi sau khi tỉnh lại.
Nguyên nhân dẫn đến ngất xỉu
Có rất nhiều nguyên nhân có thể gây ra tình trạng này. Nhiều người có những vấn đề sức khỏe nhưng chưa được phát hiện và chúng gây ảnh hưởng đến hệ thống thần kinh hoặc tim mạch, huyết áp. Kết quả là lượng máu cung cấp cho não bộ bị giảm đột ngột, các tế bào não không nhận đủ lượng oxy cần thiết dẫn đến ngất.

Những nguyên nhân có khả năng khiến bạn bị ngất là:
- Đứng lên quá nhanh khiến bị hạ huyết áp tư thế.
- Không ăn uống đầy đủ.
- Trời quá nóng.
- Tâm trạng thay đổi (quá buồn hay tức giận).
- Có vấn đề ở tim.
- Tác dụng phụ của một số thuốc, đặc biệt là thuốc cao huyết áp.
- Uống quá nhiều rượu.
Các triệu chứng của tình trạng ngất xỉu
Các triệu chứng phổ biến nhất được ghi nhận là:
- Cảm thấy tối sầm lại, mọi thứ đều có màu đen hoặc trắng
- Choáng váng, chóng mặt
- Có cảm giác như đang rơi
- Cảm thấy buồn ngủ hay đi đứng không vững, lảo đảo
- Ngất đi, mất ý thức, nhất là sau khi ăn hoặc tập thể dục
- Đứng không vững, mất thăng bằng
- Đau đầu, hoa mắt

Người có nguy cơ ngất xỉu cao
Bất kỳ ai ở độ tuổi nào cũng có nguy cơ bị ngất xỉu. Tuy nhiên, nếu thuộc một trong các trường hợp sau thì nguy cơ bị ngất sẽ cao hơn, cụ thể:
- Hiến máu khi chưa ăn.
- Đứng qúa lâu hoặc đứng dậy đột ngột.
- Mắc bệnh lý về tim hoặc các bệnh khác.
- Thần kinh căng thẳng.
- Bị huyết áp thấp mãn tính.
Chẩn đoán tình trạng ngất xỉu như thế nào?
Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng của bạn thông qua việc thăm khám sức khỏe, xem xét bệnh sử và hỏi chi tiết về các triệu chứng gặp phải trước khi ngất xỉu. Sau đó, bạn có thể cần làm một số xét nghiệm để giúp bác sĩ xác định nguyên nhân. Các xét nghiệm sẽ kiểm tra xem có vấn đề gì ở tim hay không, đo lượng máu và tốc độ máu chảy qua các khu vực trong cơ thể. Một số xét nghiệm bao gồm:
- Xét nghiệm máu
- Đo điện tâm đồ (ECG)
- Siêu âm tim
- Nghiệm pháp bàn nghiêng
- Xét nghiệm đánh giá phản xạ hệ thần kinh tự chủ
- Đánh giá chức năng hệ thần kinh
- Chụp CT
Cách điều trị ngất xỉu
Thông thường, người bị ngất xỉu đột ngột sẽ tự hồi phục sau khi tuần hoàn não phục hồi, trong trường hợp bị ngất là do tim bơm không đủ máu thì cần phải thực hiện thêm các xét nghiệm để kiểm tra.
Phương pháp điều trị ngất xỉu sẽ tùy thuộc vào nguyên nhân gây ngất, người bệnh có thể được yêu cầu phải ghi lại nhật ký các tình huống ngất xảy ra. Nếu cơn ngất xỉu tái phát hoặc người bệnh không thể hồi phục hoàn toàn sau ngất thì cần thông báo cho bác sĩ ngay lập tức, để có hướng xử trí kịp thời.
Đối với những người thường xuyên bị ngất xỉu thì có thể tạo dựng lại thói quen sinh hoạt để hạn chế tình trạng bằng cách:
- Uống đủ nước
- Không được nhịn đói
- Khi có cảm giác muốn ngất thì nên ngồi xuống hoặc nằm xuống ngay để máu kịp lên não
- Nâng cao đầu giường
- Đeo vớ y khoa
- Tập các bài tập bắt chéo chân và căng cơ cánh tay
Một số phương pháp thực hiện khi có người ngất xỉu
Nếu bạn cảm thấy chóng mặt, có nguy cơ ngất xỉu
Bạn nên nằm xuống hoặc ngồi xổm xuống (đặt đầu của bạn giữa đầu gối của bạn cho có điểm tựa). Để giảm nguy cơ ngất xỉu một lần nữa, đừng dậy quá nhanh.
Nếu người khác ngất xỉu

- Đặt người nằm ngửa. Nếu không có thương tích và người đó đang thở, hãy nâng chân của người đó lên trên mức tim – khoảng 12 inch (30 cm) – nếu có thể. Nới lỏng thắt lưng, cổ áo hoặc quần áo hạn chế khác. Đừng đánh thức họ dậy quá nhanh. Khi dậy hãy cho họ uống 1 ly nước mát. Nếu người đó không tỉnh lại trong vòng một phút, hãy gọi 911 hoặc số khẩn cấp tại địa phương của bạn.
- Kiểm tra nhịp thở. Nếu người đó không thở, hãy bắt đầu hô hấp nhân tạo. Gọi 911 hoặc số khẩn cấp địa phương của bạn. Tiếp tục CPR cho đến khi có sự giúp đỡ hoặc người đó bắt đầu thở.
Khi nào bạn nên đến gặp bác sĩ
Bạn nên gọi 911 hoặc đến trung tâm y tế gần nhất nếu ai đó bị ngất và có dấu hiệu:
- Không thở được;
- Không tỉnh lại trong vài phút;
- Bị ngã chảy máu và ngất đi;
- Phụ nữ đang mang thai;
- Bị bệnh tiểu đường;
- Không có tiền sử ngất xỉu và trên 50 tuổi;
- Có nhịp tim không đều;
- Đau tức ngực hoặc có tiền sử bệnh tim;
- Bị co giật hoặc cắn lưỡi;
- Khó trong việc nói cũng như nhìn;
- Không thể di chuyển chân tay của họ.
Nguồn: Healthline.com, Mayoclinic.org, Hellobacsi.com, Bividvietnam.com