Bạn đã bao giờ nói mớ khi ngủ? Hay có ai đã từng nói rằng bạn nói mớ khi ngủ chưa? Bạn lo âu cho tình trạng sức khỏe của bản thân, bạn thấy áy náy khi làm phiền mọi người xung quanh vì bệnh nói mớ của mình? Đừng quá lo lắng, hãy cùng Songkhoe.medplus.vn tìm hiểu về chứng nói mớ và phương pháp khắc phục hiện tượng này nhé!
Nói mớ khi ngủ là gì ?
Ngủ mớ hay còn gọi là Somniloquy. Những người mắc hội chứng này thường phát ra những âm thanh, những câu chuyện không có chủ đích, không có nội dung rõ ràng. Độ dài và độ lớn khi ngủ mớ nói sảng luôn khác nhau ở mỗi đối tượng. Những người có xu hướng chịu áp lực hoặc gặp phải những trục trặc tâm lý thường có xu hướng ngủ mê nói sảng nhiều hơn. Người ngủ hay nói mớ thường không biết mình đã từng trải qua hiện tượng nói mớ và không nhớ mình đã nói những gì. Tình trạng ngủ nói mớ rất phổ biến, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Khoảng 50% trẻ em dưới 10 tuổi nói chuyện trong khi ngủ và chỉ có khoảng 5% người trưởng thành nói mớ khi ngủ.
Nguyên nhân tại sao bạn lại nói mớ khi ngủ?
Các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra nguyên nhân cụ thể khiến chúng ta nói mớ khi ngủ. Nhưng nguyên nhân có thể xuất phát từ di truyền hoặc các rối loạn sức khỏe tâm thần. Nhiều trường hợp ngủ mớ nói sảng do căng thẳng, bị sốt, sử dụng thuốc trị bệnh khác, lạm dụng chất kích thích hoặc do bị thiếu ngủ. Mặc dù nhiều người thường nghĩ việc nói mớ khi ngủ phản ánh những gì bạn đang mơ. Tuy nhiên, nhiều bản ghi điện não lại cho thấy bạn có thể nói mớ ở bất kỳ giai đoạn nào của giấc ngủ.
Các giai đoạn và mức độ nghiệm trọng của việc nói mớ khi ngủ như thế nào
Ngủ mớ nói sảng được xác định bởi hai giai đoạn:
- Giai đoạn 1 và 2. Trong các giai đoạn này, người nói mớ không ngủ sâu và lời nói của họ dễ hiểu hơn. Đa phần nội dung cuộc nói chuyện đều có nghĩa.
- Giai đoạn 3 và 4. Người nói mớ trong một giấc ngủ sâu hơn và lời nói của họ thường khó hiểu hơn. Nó có thể nghe như tiếng la, rên rỉ hoặc vô nghĩa.
Những lời nói mớ khi ngủ thường kéo dài nhiều nhất khoảng 30 giây, có thể kèm theo tiếng huýt sáo hoặc la lớn. Mức độ nghiêm trọng của giấc ngủ được xác định bởi mức độ thường xuyên xảy ra:
- Nhẹ. Nói mớ khi ngủ ít hơn một lần một tháng.
- Trung bình. Nói mớ xảy ra mỗi tuần một lần, nhưng không phải mỗi đêm. Cuộc nói chuyện không ảnh hưởng nhiều đến giấc ngủ của những người khác trong phòng.
- Nặng. Nói mớ xảy ra mỗi đêm và có thể cản trở giấc ngủ của những người khác trong phòng.
Người có nguy cơ dễ mắc chứng nói mớ khi ngủ
Tình trạng ngủ mớ nói sảng thực sự khá phổ biến, đặc biệt là ở trẻ nhỏ. Khoảng một nửa số trẻ em dưới 10 tuổi nói chuyện trong khi ngủ. Cũng giống như các vấn đề giấc ngủ phổ biến khác ở trẻ, như đái dầm hoặc mộng du, nói mớ khi ngủ thường tự biến mất khi lớn lên. Chỉ có khoảng 5% người trưởng thành còn nói mớ khi ngủ thường xuyên. Khoảng 2/3 số người lớn sẽ nói điều gì đó trong giấc ngủ ít nhất một lần trong khoảng vài tháng. Các bé trai và bé gái có tỷ lệ nói mớ khi ngủ ngang nhau. Trong khi đó, ở người trưởng thành, tình trạng nói mớ ở nam giới thường phổ biến hơn ở nữ giới.
Nếu chứng nói mớ xuất hiện ở độ tuổi 50 trở lên và dần trở nên liên tục, dày đặc, thì đây không còn là một vấn đề sinh lý. Bạn hoặc người thân nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn điều trị. Vì có thể đó là biểu hiện của chứng Parkinson (chứng suy giảm trí nhớ ở người lớn tuổi).
Một số phương pháp phòng ngừa nói mớ khi ngủ
Ngủ mớ nói sảng gây phiền toái đến người ngủ cùng bạn. Họ có thể bị thức giấc, bị gián đoạn giấc ngủ do hiện tượng nói mớ của bạn gây ra. Để khắc phục tình trạng nói mớ của bản thân, những phương pháp sau đây có thể giúp ích cho bạn:
- Duy trì lối sống điều độ. Xây dựng lịch trình đi ngủ cố định sẽ giúp hạn chế các vấn đề trong khi ngủ. Ngoài ra, tập thể dục thường xuyên, không sử dụng điện thoại trước khi ngủ cũng là những thói quen tốt đem đến một lối sống lành mạnh hơn cho bản thân.
- Thư giãn trước khi ngủ. Bạn có thể nghe những bản nhạc với giai điệu nhẹ nhàng, đi dạo hoặc uống một tách trà sen. Hãy gở bỏ tất cả áp lực trước khi lên giường để đảm bảo một giấc ngủ ngon, không mộng mị.
- Chế độ ăn uống hợp lý. Không nên ăn quá no, cũng không nên để bụng quá đói trước khi đi ngủ. Ăn vừa phải trước khi ngủ từ 2-3 tiếng sẽ đem lại cho bạn một giấc ngủ trọn vẹn hơn. Cơm sẽ giúp bạn no lâu hơn và tránh thức giấc vào giữa đêm. Bạn cũng nhớ là đừng ăn tối quá trễ để tránh cho hệ tiêu hóa hoạt động không tốt nhé.
- Sắp xếp lại không gian ngủ. Sắp xếp lại không gian ngủ hợp lý. Trang bị một chiếc nệm phù hợp với cơ thể là một giải pháp hiệu quả. Nó đem đến cảm giác thoải mái cho bản thân giúp cho giấc ngủ được trọn vẹn.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ
Ngủ mơ nói sảng không phải là một tình trạng nghiêm trọng, nhưng đôi khi bạn cần phải thăm khám bác sĩ. Nếu việc ngủ mớ nói sảng của bạn quá nghiêm trọng đến mức nó cản trở chất lượng giấc ngủ của bạn. Hoặc nếu bạn quá mệt mỏi và không thể tập trung trong ngày, hãy nói chuyện với bác sĩ. Trong những tình huống hiếm hoi, nói mớ có thể xảy ra các vấn đề nghiêm trọng như rối loạn tâm thần hoặc co giật vào ban đêm.
Các bài viết tham khảo: Hellobacsi.com, Healthline.com, Chac.vn