Trong những năm gần đây, số lượng nhập viện cấp cứu do trẻ uống nhầm hóa chất độc hại có xu hướng gia tăng. Trẻ có thể bị ngộ độc từ mức độ nhẹ đến rất nặng, có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Để có thể tăng khả năng cứu sống trẻ thì việc biết cách sơ cứu khi trẻ uống nhầm hóa chất là vô cùng quan trọng. Bố mẹ hãy theo dõi bài viết này để có thể nắm rõ dấu hiệu trẻ bị ngộ độc do hóa chất và cách sơ cứu nhé!
Nhận biết trẻ uống nhầm hóa chất
Bố mẹ có thể nhận biết dấu hiệu cho thấy trẻ bị ngộ độc bởi các loại hóa chất thông qua những triệu chứng sau đây:
Triệu chứng ngộ độc tiêu hóa
- Trẻ bị đau họng, đau miệng, môi và lưỡi có dấu hiệu phồng rộp, sưng đỏ, xung huyết, trợt niêm mạc họng,…
- Trẻ đau bụng và buồn nôn;
- Đau thượng vị, ngực, cơn đau có thể lan ra khắp ổ bụng;
- Căng cứng bụng – đây có thể là biểu hiện của thủng thực quản, dạ dày vô cùng nguy hiểm.
Triệu chứng về khả năng hô hấp
- Trẻ bị khó thở, nhịp thở gấp, môi tím tái, mặt nhợt nhạt. Nếu trẻ thở phập phồng cánh mũi và bị co kéo mạnh dải cơ hô hấp ở cổ thì đây có thể là biểu hiện suy hô hấp.
- Thanh quản bị co thắt khiến trẻ thở rên rít.
Các triệu chứng về khả năng tuần hoàn
- Da xanh xao nhợt nhạt, đổ nhiều mồ hôi và nổi nhiều vân mạch máu tím do cơ thể bị sốc do sợ hãi, hoặc đau đớn;
- Mạch đập nhanh, yếu và rất khó để bắt mạch kiểm tra.
Dấu hiệu bất ổn về thần kinh
- Trẻ có dấu hiệu bị rối loạn về ý thức như mê sảng, la hét khóc lóc, thậm chí bất tỉnh, hôn mê sâu;
Ngoài ra, có trường hợp trẻ bị bỏng tại các bộ phận tiếp xúc với hóa chất, thế nên bố mẹ cần chú ý và nắm bắt nhanh chóng các biểu hiện của trẻ khi bị ngộ độc để có thể kịp thời cứu chữa cho trẻ.
Phương pháp sơ cứu khi trẻ uống nhầm hóa chất
Sau khi nhận thấy trẻ có dấu hiệu bị ngộ độc. Bố mẹ hãy nhanh chóng gọi cấp cứu và cẩn thận thực hiện các bước sơ cứu sau đây trong lúc chờ hỗ trợ từ lực lượng y tế để có thể đảm bảo an toàn cho trẻ:
Bước 1: Cho trẻ uống thật nhiều nước.
Nước có thể làm loãng dần nồng độ hóa chất trong cơ thể trẻ. Tuy nhiên, bố mẹ cũng cần tìm hiểu xem trẻ đã uống nhầm loại hóa chất nào, khi có đủ thông tin cung cấp cho bác sĩ thì bác sĩ cũng dễ dàng đưa ra phương án xử lý phù hợp để đảm bảo an toàn cho trẻ.
Khi cho trẻ uống nước, bố mẹ nên cho trẻ uống từ từ chứ không nên cho trẻ uống nước quá nhanh dẫn đến bị sặc lên mũi hoặc vào phổi, điều đó khiến trẻ rơi vào tình trạng nguy hiểm hơn.
Bước 2: Tìm cách giúp trẻ nôn ói để đẩy ngược hóa chất ra ngoài
Nếu trẻ còn tỉnh táo, không hôn mê và không ngộ độc các loại hóa chất như axit, xăng hay các kim loại nặng nguy hiểm chì, thủy ngân thì bố mẹ nên tìm cách giúp trẻ nôn ói hóa chất ra ngoài. Cho trẻ uống 200-300ml dung dịch nước muối NaCl 0.9%, sau đó dùng tay sạch đè lưỡi để kích thích cho trẻ buồn nôn.
Tuyệt đối không được gây nôn cho trẻ ngộ độc xăng hoặc axit vì cơn trào ngược này có thể khiến trẻ rơi vào tình trạng nguy hiểm, tổn thương nhiều bộ phận hơn. Đồng thời bố mẹ cũng không được tự ý sử dụng than hoạt tính để giải độc cho trẻ. Đối với ngộ độc xăng hoặc axit bố mẹ cần cho trẻ uống nhiều nước và nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu.
Bước 3: Trấn an trẻ và nhanh chóng đưa trẻ đi cấp cứu
Đặc biệt, trong trường hợp trẻ bị ngộ độc kim loại nặng, cần khẩn cấp đưa đến bệnh viện cấp cứu.
Phòng tránh ngộ độc hóa chất ở trẻ nhỏ
Để có thể hạn chế được nguy cơ trẻ sơ ý uống nhầm các loại hóa chất nguy hiểm, bố mẹ nên áp dụng các cách sau để có thể phòng tránh triệt để:
- Cất giữ các loại hóa chất gia dụng ở nơi an toàn, kín đáo, xa tầm với của trẻ nhỏ. Đặc biệt với các loại hóa chất có độc tính cao như thuốc diệt cỏ, diệt côn trùng, dung môi pha sơn, thuốc tẩy,… thì cần được cất ở những nơi riêng biệt và khóa cẩn thận.
- Tuyệt đối không sử dụng các loại chai lọ với bao bì nước uống để đựng các loại hóa chất và ngược lại, không sử dụng chai lọ hóa chất để đựng nước uống và nước sinh hoạt.
- Không để hóa chất ở gần nơi vui chơi của trẻ, đồng thời phải chú ý quan sát trẻ khi trẻ tự chơi một mình chứ không nên lơ là mất cảnh giác, bởi vì trẻ nhỏ hay tò mò.
- Bố mẹ có thể dặn dò trẻ lớn hơn rằng không được tới gần nơi chứa các loại hóa chất nguy hiểm.
- Các sản phẩm chăm sóc cơ thể như sữa tắm, dầu gội, thuốc uống và các loại vitamin cũng nên được cất ở nơi an toàn, xa tầm tay của trẻ, và tốt nhất nên để trên cao.
- Bố mẹ nên ưu tiên mua các sản phẩm tẩy rửa lành tính, có chiết xuất từ thiên nhiên, lên men bằng cơ chế enzyme chứ không nên lạm dụng các loại hóa chất tẩy rửa độc hại để đảm bảo sức khỏe của cả gia đình về lâu dài.
Hy vọng rằng bài viết trên đã mang tới những thông tin hữu ích về cách sơ cứu khi trẻ uống nhầm hóa chất và mong rằng bố mẹ sẽ luôn đề cao cảnh giác với các loại hóa chất xung quanh con trẻ, để đảm bảo sức khỏe và sự phát triển an toàn của các con.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily