Vệ sinh răng miệng rất quan trọng với trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ sơ sinh. Rơ lưỡi trẻ sơ sinh thế nào là đúng, bố mẹ cùng tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Khoang miệng và bề mặt lưỡi của trẻ chứa rất nhiều vi sinh vật nếu không được vệ sinh cẩn thận sẽ gây ra mùi hôi. Trong một số trường hợp, nếu miệng không sạch và có tưa lưỡi nhiều, trẻ sẽ không cảm nhận được hương vị của đồ ăn, dẫn đến chán ăn. Việc rơ lưỡi trẻ sơ sinh thường xuyên giúp khoang miệng trẻ sạch, mát xa lợi và hỗ trợ cho quá trình mọc răng về sau của trẻ.
Cách rơ lưỡi trẻ sơ sinh theo hướng dẫn của Bệnh viện nhi trung ương
Vì lợi của trẻ còn non nớt nên việc rơ lưỡi trẻ sơ sinh cũng cần tuân thủ theo một số quy tắc nhất định. Đầu tiên, bố mẹ cần chuẩn bị một số đồ như: gạc quấn hoặc gạc ống, nước muối hoặc nước đun sôi để nguội. Sau khi đã chuẩn bị đủ dụng cụ, bố mẹ rơ lưỡi cho trẻ theo các bước dưới đây:
Trước khi rơ lưỡi cho trẻ, bố mẹ phải rửa tay thật sạch.
Sau đó, đặt trẻ nằm trên giường hoặc bế trẻ
Quấn hoặc đeo gặc vào ngón trỏ.
Bố mẹ làm ẩm gạc bằng dung dịch NaCl 0,9%, nước muối pha loang hoặc nước đun sôi để nguội.
Tiếp đến, bố mẹ chạm nhẹ vào môi dưới của trẻ để trẻ mở miệng.
Sau khi trẻ mở miệng, bố mẹ nhẹ nhàng lau vòm miệng và massage nướu trẻ trước.
Cuối cùng, bố mẹ đặt ngón tay vào trong phía gốc lưỡi kéo ra phía ngoài để loại bỏ cặn sữa.
Lưu ý, bố mẹ tuyệt đối không đưa ngón tay vào sâu trong miệng trẻ vì có thể khiến trẻ bị nôn trớ và không vệ rơ lưỡi khi trẻ vừa mới ăn xong. Việc vệ sinh miệng cho trẻ này nên được thực hiện 2 lần/ngày.
Dấu hiệu trẻ sơ sinh bị tưa miệng
Tưa miệng là hiện tượng gì?
Rất nhiều trẻ sơ sinh do không được vệ sinh miệng đúng cách dễ dẫn tới bị tưa miệng. Đây là hiện tượng trên niêm mạc miệng, mặt trên của lưỡi xuất hiện những màng màu trắng. Những lớp màng này phát triển nhanh chống và đóng rễ vào niêm mạc lưỡi, vòm họng, khó vệ sinh hoặc bóc ra. Nếu bóc đi, trẻ dễ bị chảy máu và đau rát. Một số nguyên nhân chính dẫn đến tưa lưỡi đó là:
Trong miệng trẻ có một loại nấm ký sinh là candida albicans. Khi gặp điều kiện thuận lợi, nấm này sẽ phát triển thành tác nhân gây bệnh.
Do bài tiết ít nước bọt và niêm mạc miệng ở môi trường toan, PH thấp, trẻ nhỏ dễ bị tưa lưỡi.
Trẻ bị bệnh lây truyền từ dụng cụ cho ăn như: chén, cốc, chai sữa nhất là khi đầu vú cao su không sạch.
Trẻ có thể bị lây qua đường sinh dục của mẹ nếu mẹ bị nấm trong lúc mang thai.
Các dấu hiệu của tưa miệng
Ban đầu, trên đầu lưỡi của trẻ sẽ xuất hiện những chấm trắng, dần dần phát triển thành đốm trắng to trên mặt mặt lưỡi và lan sang hai bên niêm mạc má, vòm miệng. Để lâu, chúng sẽ tạo thành các mảng màu trắng sữa (có thể vàng kem hoặc xem) rất khó bóc.
Trẻ bú kém và biếng ăn.
Trẻ hay đau rát và quấy khóc.
Trong một số trường hợp, nếu bị nặng, trẻ có thể bị tiêu chảy, ho, viêm phế quản phổi.
Cách chăm sóc trẻ bị tưa miệng thế nào
Khi trẻ bị tưa lưỡi, bố mẹ càng phải chú ý việc chăm sóc răng miệng cho trẻ và tuân thủ các bước làm sau:
Rửa tay trước khi vệ sinh miệng cho trẻ.
Để trẻ nằm cố định trên giường hoặc bế trẻ.
Quấn hoặc đeo miếng gạc.
Nhúng gạc vào dung dịch cốm rơ miệng trị nấm Nystatin.
Chạm nhẹ vào môi dưới của trẻ để trẻ mở miệng rồi đưa nhẹ ngón tay chỏ vào mặt trên của lưỡi, lau từ trong lưỡi kéo ra ngoài. Nếu trẻ có nhiều mảng tưa bám bố mẹ bỏ miếng gạc đó đi và lặp lại lần 2. Tuyệt đối, không để mảng tưa rơi vào miệng trẻ và không đưa ngón tay quá sâu vào họng của trẻ gây kích thích nôn trớ.
Lau xong trong miệng, bố mẹ dùng miếng gạc khác lau mặt trong 2 bên má, trên vòm miệng và cuối cùng là phần nướu của trẻ.
Bố mẹ đánh tưa bằng dung dịch Nystatin 4 lần/ ngày và sử dụng cho liên tục đến khi các nốt tưa hết hẳn.
Có nên rơ lưỡi bằng mật ong cho trẻ sơ sinh?
Ngoài việc rơ lưỡi bằng nước đun sôi, nước muối, nhiều bố mẹ còn rơ lưỡi bằng mật ong trẻ sơ sinh. Vậy phương pháp rơ này có an toàn hay không?
Trên thực tế, mật ong là kháng sinh tự nhiên, chống viêm rất tốt và hiệu quả. Tuy nhiên, trong mật ong cũng chứa độc tố vi khuẩn clostridium botulium, chất gây nguy hiểm cho hệ thần kinh, dẫn đến chứng liệt cơ. Nghiêm trọng hơn cả, chất này có thể khiến trẻ bị ngộ độc nặng, ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ.
Trẻ sơ sinh, đặc biệt trẻ nhỏ dưới 1 tuổi, rất nhạy cảm với độc tố này. Chưa kể đến việc mật ong hiện nay thường được pha chế thêm một số hợp chất khác, không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Chính vì thế, các bác sĩ khuyến cáo rằng mẹ không nên rơ lưỡi cho trẻ bằng mật ong, phòng tránh những tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra.
Rơ lưỡi cho trẻ từ sớm ngoài việc giúp trẻ tránh được các bệnh răng miệng cũng như tạo thói quen vệ sinh cá nhân tốt về sau này. Mong rằng qua bài viết này, bố mẹ đã biết cách rơ lưỡi trẻ sơ sinh đúng để từ đó hạn chế những tai nạn không đáng có xảy đến.