Tập cho bé tự ngủ bằng phương pháp Fading hiện nay đang được khá nhiều bố mẹ áp dụng. Vậy phương pháp này là gì? Bố mẹ cùng tìm hiểu nhé!
Nhiều bố mẹ thường vỗ về, dỗ dành trẻ để con dễ dàng đi vào giấc ngủ hơn. Tuy nhiên, nguy cơ tiềm ẩn của việc này là trẻ sẽ phụ thuộc vào bố mẹ và chờ đợi có người vỗ về trong mỗi khi tỉnh giấc vào ban đêm. Theo phương pháp luyện ngủ Fading, tự dỗ dành bản thân là một kỹ năng quan trọng mà mọi trẻ em cần học và rèn luyện để có thể trở nên độc lập hơn, việc này cũng tương tự như việc tập đi của trẻ.
Phương pháp luyện ngủ Fading là gì?
Phương pháp luyện ngủ Fading (hay còn có tên gọi khác là Camping Out) giúp bố mẹ giảm dần vai trò trong quá trình hỗ trợ trẻ ngủ, giúp con hiểu và biết cách tự đưa mình vào giấc ngủ. Đây là phương pháp được áp dụng cho trẻ từ 5 tháng tuổi trở lên, thậm chí cả trẻ mẫu giáo.
Đây là “phiên bản” nhẹ nhàng hơn của phương pháp Cry It Out, và được coi là trung gian giữa hai phương pháp Cry It Out (Để trẻ khóc) và No Tears (Không nước mắt). Do vậy, nếu cảm thấy hai phương pháp kia không phù hợp và hiệu quả với con mình thì bố mẹ có thể xem xét áp dụng Fading với trẻ nhé.
Lợi ích của phương pháp luyện ngủ Fading
Khi cho bé ngủ theo phương pháp Fading, bố mẹ sẽ biết cân bằng để hỗ trợ trẻ ở mức vừa phải và phù hợp, không quá nhiều cũng không quá ít, từ đó giúp trẻ tự tin hơn và phát triển nhanh chóng hơn các kỹ năng của mình.
Phương pháp Fading không chỉ giúp trẻ ngủ ngon hơn, giảm thiểu tối đa những cơn khóc của trẻ, mà còn giúp bố mẹ đỡ mệt mỏi hơn. Hơn nữa, phương pháp này cũng giúp những trẻ lớn hơn chuyển đổi từ ngủ trong cũi sang ngủ giường một cách dễ dàng.
Phương pháp luyện ngủ Fading hoạt động ra sao?
Trong Fading, bố mẹ đặt trẻ lên giường khi con đang mơ màng buồn ngủ (nhưng vẫn còn thức) và trấn an trẻ bằng sự hiện diện của bố mẹ. Có hai cách để tiếp cận phương pháp ngủ Fading, đó là:
Bố mẹ ở cùng phòng với trẻ
Để thực hiện điều này, bố mẹ cần ngồi ngay cạnh cũi của trẻ cho đến khi con có vẻ đã ngủ ngon. Nếu trẻ khóc hay quấy, bố mẹ có thể trấn an trẻ để con yên tâm ngủ tiếp bằng cách tạo ra âm thanh “shhh”. Sau một vài đêm, bố mẹ hãy dần dần di chuyển vị trí ngồi ra xa trẻ hơn, nhưng cần đảm bảo là vẫn nằm trong tầm nhìn của trẻ. Cứ như vậy thì sau khoảng 2 tuần, bố mẹ sẽ có thể nhẹ nhàng rời khỏi phòng ngay sau khi chúc trẻ ngủ ngon.
Bố mẹ kiểm tra trẻ thường xuyên
Trước tiên, bố mẹ đặt trẻ xuống giường và ra khỏi phòng trong khoảng thời gian ngắn (khoảng 5 phút), rồi sau đó quay lại để dỗ dành trẻ nếu con khóc quấy. Nhiều chuyên gia cho rằng bố mẹ có thể vỗ nhẹ vào người trẻ để dỗ dành con, nhưng cũng có người khuyên rằng bố mẹ chỉ nên an ủi trẻ bằng giọng nói để con biết rằng bố mẹ yêu con và bây giờ là giờ đi ngủ, rồi ngay sau đó rời khỏi phòng.
Bố mẹ hãy lặp lại quy trình rời khỏi phòng và quay trở lại như vậy cho đến khi trẻ ngủ say. Sau một vài đêm, trẻ sẽ dần quen hơn và tần suất quay lại phòng của bố mẹ cũng giảm đi. So với Cry It Out thì phương pháp này khác ở chỗ, thời gian mỗi lần bố mẹ rời khỏi phòng là tối đa 5 phút chứ không phải lần sau kéo dài hơn lần trước.
Phương pháp tự ngủ Fading có hiệu quả không?
Tùy mỗi trẻ mà khoảng thời gian luyện ngủ sẽ khác nhau. Nhiều trẻ có thể làm quen với việc tự ngủ chỉ sau vài ngày, nhưng cũng có trẻ cần tới 2 tuần để tự ngủ. Bố mẹ không nên quá cứng nhắc, mà thử nghiệm một vài phương pháp và thay đổi sao cho phù hợp với trẻ trước khi tìm ra phương pháp luyện ngủ hiệu quả nhất.
Mẹo tập cho bé tự ngủ bằng phương pháp Fading hiệu quả
Dưới đây là một vài “mẹo” nhỏ để giúp bố mẹ áp dụng phương pháp Fading thành công:
1. Lựa chọn khung giờ ngủ phù hợp
Các chuyên gia khuyến khích bố mẹ nên cho trẻ đi ngủ từ khoảng 7-8 giờ tối vì đây là thời điểm thích hợp nhất cho trẻ nhỏ ngủ mà không bị quá mệt mỏi.
2. Kiên định với lịch trình cố định mỗi ngày của trẻ
Bố mẹ hãy thực hiện các hoạt động theo một lịch trình cố định, ví dụ như tắm nước ấm cho trẻ, sau đó đọc sách cho con nghe và hát ru vào trước giờ đi ngủ.
3. Không hỗ trợ trẻ quá nhiều
Bố mẹ hãy tạo cơ hội cho trẻ được tự xoa dịu chính mình bằng cách hạn chế bế và dỗ dành trẻ khi con quấy khóc. Mỗi khi trẻ khóc vào ban đêm, bố mẹ hãy thở sâu và chờ một vài phút để xem liệu con có đang thực sự cần đến mình trong hoàn cảnh đó hay không.
4. Không quá lo lắng khi thấy trẻ khóc
Trẻ nhỏ thường không thích sự thay đổi, và khóc chính là hành động thể hiện điều đó. Tuy nhiên, theo thời gian trẻ vẫn sẽ có thể làm quen với chu trình mới, vậy nên trẻ khóc quấy là bình thường và tình trạng này sẽ không kéo dài quá lâu.
5. Cho trẻ cầm theo đồ chơi mềm khi đi ngủ
Khi trẻ được 1 tuổi trở lên, bố mẹ hãy cho con đem theo đồ chơi mềm khi đi ngủ. Món đồ đó nên được làm từ vải, nhỏ hơn khăn mặt, có thể là thú nhồi bông. Việc này có thể giúp trẻ ngủ ngon và dễ dàng hơn.
6. Phối hợp chặt chẽ với người thân trong gia đình
Bố mẹ, ông bà và những người chăm sóc trẻ cần phối hợp với nhau để có thể giúp trẻ mau chóng tập tự ngủ thành công. Hãy kiên định với cách mà bố mẹ đang làm.
Hy vọng bố mẹ sẽ có thể thành công với phương pháp luyện ngủ Fading để giúp trẻ ngủ ngon và chủ động hơn.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily