Bạn có thể bị mất vị giác do một số vấn đề sức khỏe như viêm xoang, nhiễm trùng đường hô hấp, nhiễm trùng tai giữa… Lúc này, bạn cần đi khám để tìm được đúng nguyên nhân ảnh hưởng tới vị giác và chữa trị kịp thời.
Tình trạng mất vị giác có thể chỉ mất một phần hoặc toàn bộ vị giác. Đôi khi, đây cũng là tình trạng trong miệng có một vị khó chịu làm lấn át các vị khác. Vậy những nguyên nhân nào gây ra tình trạng khó chịu này và bạn nên làm sao để lấy lại vị giác bình thường?
Nguyên nhân gây mất vị giác
Một số vấn đề sức khỏe có thể gây ra cảm giác khó chịu trong miệng hoặc dẫn tới mất vị giác.
1. Rối loạn vị giác
Chứng rối loạn vị giác khiến miệng luôn có một vị dai dẳng có thể át tất cả các vị khác. Bạn có thể thấy tất cả đồ ăn mình nếm đều có vị giống nhau. Những người mắc chứng rối loạn vị giác thường tả mùi vị trong miệng của mình là:
- Ôi
- Hôi
- Mặn
- Chua
- Giống vị kim loại.
2. Chứng giảm vị giác
Chứng giảm vị giác là tình trạng mất một phần khả năng cảm nhận một vị nào đó. Người mắc chứng này có thể không có khả năng cảm nhận các vị chính như:
- Vị đắng
- Vị chua
- Vị mặn
- Vị ngọt
- Vị ngọt thịt (umami).
3. Rối loạn khứu giác
Lưỡi không phải là cơ quan duy nhất đóng vai trò cảm nhận hương vị. Khả năng cảm nhận hương vị khá phức tạp vì có liên quan tới cả lưỡi, cổ họng, vòm miệng và mũi. Vậy nên, khứu giác cũng ảnh hưởng đáng kể đến việc cảm nhận thức ăn. Những ai mất một phần hoặc toàn bộ khứu giác có thể cho rằng lưỡi mất vị giác.
Các nguyên nhân gây rối loạn khứu giác bao gồm:
- Tuổi tác
- Hút thuốc
- Trong khoang mũi có khối u phát triển
- Mắc các bệnh ảnh hưởng đến hệ thần kinh như Alzheimer hay Parkinson.
4. Dùng một số loại thuốc
Một số loại thuốc cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng nếm vị của lưỡi. Những loại thuốc này là:
- Macrolide
- Thuốc chống nấm
- Fluoroquinolones
- Chất ức chế protein kinase
- Thuốc ức chế HMG-CoA (statin)
- Thuốc ức chế men chuyển angiotensin.
5. Chứng Ageusia
Chứng Ageusia là tình trạng mất hoàn toàn vị giác và không thể nếm được bất kỳ vị nào. Tuy nhiên, chứng này rất hiếm gặp. Một nghiên cứu năm 2016 ước tính rằng chỉ có 3% những người bị mất vị giác thật sự mắc chứng Ageusia.
6. Một số nguyên nhân khác
Nguyên nhân khác gây rối loạn vị giác và mất vị giác bao gồm:
- Viêm xoang
- Viêm tai giữa
- Chấn thương đầu
- Vệ sinh răng miệng kém
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên
- Phẫu thuật ở miệng, cổ họng, mũi hoặc tai
- Mắc các vấn đề về răng miệng như viêm nướu
- Tiếp xúc với một số hóa chất như thuốc trừ sâu
- Thực hiện xạ trị để chữa các bệnh ung thư ở phần đầu.
Cách chẩn đoán và điều trị
Rối loạn vị giác không phải tình trạng hiếm gặp và các bác sĩ tai mũi họng có thể giúp bạn chẩn đoán cũng như điều trị cả rối loạn khứu giác và vị giác.
Chẩn đoán tình trạng
Khi khám tình trạng lưỡi mất vị giác, bác sĩ có thể kiểm tra xem bạn có khối u trong miệng hoặc mũi không cũng như kiểm tra hơi thở và các dấu hiệu nhiễm trùng khác. Họ cũng sẽ xem xét lịch sử bệnh tình cũng như việc tiếp xúc với hóa chất độc hại của bạn. Ngoài ra, bác sĩ cũng sẽ kiểm tra sức khỏe răng miệng để kiểm tra xem bạn có mắc các bệnh nha khoa không.
Điều trị chứng mất vị giác
Cách chữa tình trạng mất vị giác sẽ dựa vào nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Trong những trường hợp đơn giản như mất vị giác do cảm lạnh hoặc cúm thông thường, bác sĩ thường sẽ đợi cho đến khi bệnh giảm nhẹ. Thường thì vị giác sẽ trở lại bình thường sau khi bạn hết bệnh.
Đối với những người bị viêm xoang hoặc viêm tai giữa, bác sĩ có thể khuyên dùng kháng sinh. Trong những tình trạng nghiêm trọng hơn, bác sĩ sẽ có cách chữa trị riêng cho từng bệnh.
Bên cạnh việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ, bạn cũng có thể thực hiện một số biện pháp khắc phục tại nhà như sau:
– Bỏ hút thuốc lá nếu đang hút thuốc
– Sử dụng thuốc kháng histamine không kê đơn để giảm viêm mũi nếu cần thiết
– Vệ sinh răng miệng bằng cách đánh răng, dùng chỉ nha khoa và sử dụng nước súc miệng hàng ngày.
Kết luận
Tình trạng lưỡi mất vị giác có thể do rất nhiều lý do khác nhau như viêm xoang, phẫu thuật ở miệng, dùng thuốc hay mắc một số hội chứng hiếm gặp. Bạn cần xác định nguyên nhân khiến vị giác bị ảnh hưởng mới có thể chữa trị hiệu quả.
Như vậy, qua những thông tin Medplus đã tổng hợp, hy vọng sẽ giúp bạn có thêm những thông tin hữu ích về chứng mất vị giác. Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Impaired Taste
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: