Tổng quan
Hội chứng mạch vành cấp là một thuật ngữ được sử dụng để mô tả một loạt các tình trạng liên quan đến lưu lượng máu chảy về tim bị giảm đột ngột.
Nhồi máu cơ tim và triệu chứng đau thắt ngực không ổn định là những biểu hiện lâm sàng thường thấy trong hội chứng mạch vành cấp.
Ở chứng nhồi máu cơ tim, tế bào chết dẫn đến mô tim bị tổn thương hoặc bị phá hủy. Ngay cả khi hội chứng mạch vành cấp tính không gây chết tế bào, lưu lượng máu giảm sẽ thay đổi cách hoạt động của tim và là dấu hiệu của nguy cơ đau tim cao.
Bên cạnh chứng nhồi máu cơ tim, còn có chứng đau thắc ngực gây khó chịu. Đây là một trường hợp cấp cứu y tế cần được chẩn đoán và chăm sóc kịp thời. Điều trị chứng này với mục đích là cải thiện lưu lượng máu, điều trị các biến chứng và ngăn ngừa các vấn đề trong tương lai.
Các triệu chứng
Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng mạch vành cấp thường bắt đầu đột ngột. Chúng bao gồm:
- Đau ngực (đau thắt ngực) hoặc cảm giác khó chịu, thường được mô tả là đau nhức, căng tức hoặc bỏng rát
- Đau lan từ ngực xuống vai, cánh tay, bụng trên, lưng, cổ hoặc hàm
- Buồn nôn hoặc nôn mửa
- Khó tiêu
- Khó thở
- Đổ mồ hôi đột ngột và nhiều (diaphoresis)
- Chóng mặt hoặc ngất xỉu
- Mệt mỏi bất thường hoặc không giải thích được
- Cảm thấy bồn chồn hoặc lo lắng.
Đau hoặc khó chịu ở ngực là triệu chứng phổ biến nhất. Tuy nhiên, các dấu hiệu và triệu chứng có thể thay đổi đáng kể tùy thuộc vào độ tuổi, giới tính và tình trạng sức khỏe của bạn. Bạn có thể có các dấu hiệu và triệu chứng mà không đau ngực hoặc khó chịu nếu bạn là phụ nữ, người lớn tuổi hoặc mắc bệnh tiểu đường.
Khi nào đến gặp bác sĩ
Hội chứng mạch vành cấp tính cần cấp cứu y tế. Đau hoặc khó chịu ở ngực có thể là dấu hiệu của bất kỳ bệnh lý đe dọa tính mạng nào. Cần chẩn đoán kịp thời và chăm sóc thích hợp. Lưu ý, bệnh nhân đừng tự lái xe đến bệnh viện.
Nguyên nhân
Hội chứng mạch vành cấp thường là kết quả của sự tích tụ chất béo (mảng) trong và trên thành của động mạch vành, các mạch máu cung cấp oxy và chất dinh dưỡng đến cơ tim.
Khi mảng bám bị vỡ hoặc tách ra, cục máu đông sẽ hình thành. Cục máu đông này ngăn chặn dòng chảy của máu đến các cơ tim.
Khi lượng oxy cung cấp cho các tế bào quá thấp, các tế bào của cơ tim có thể bị chết. Các tế bào bị chết dẫn đến tổn thương các mô cơ, gây nhồi máu cơ tim.
Ngay cả khi không có tế bào chết, lượng oxy giảm vẫn dẫn đến cơ tim không hoạt động như bình thường. Sự thay đổi này có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn. Khi hội chứng mạch vành cấp không dẫn đến chết tế bào, nó được gọi là đau thắt ngực không ổn định.
Các yếu tố nguy cơ
Các yếu tố nguy cơ của hội chứng mạch vành cấp cũng giống như các yếu tố nguy cơ của các loại bệnh tim khác. Các yếu tố nguy cơ hội chứng mạch vành cấp bao gồm:
- Sự lão hóa
- Huyết áp cao
- Cholesterol trong máu cao
- Hút thuốc lá
- Thiếu hoạt động thể chất
- Chế độ ăn uống không lành mạnh
- Béo phì hoặc thừa cân
- Bệnh tiểu đường
- Tiền sử gia đình bị đau ngực, bệnh tim hoặc đột quỵ
- Tiền sử huyết áp cao, tiền sản giật hoặc tiểu đường khi mang thai
- Bị nhiễm covid-19.
Điều trị
Mục tiêu trước mắt của điều trị hội chứng vành cấp là:
- Giảm đau đớn
- Cải thiện lưu lượng máu
- Khôi phục chức năng tim nhanh nhất và tốt nhất có thể.
Mục tiêu điều trị lâu dài là cải thiện chức năng tim tổng thể, quản lý các yếu tố nguy cơ và giảm nguy cơ đau tim. Có thể sử dụng kết hợp thuốc và thủ thuật phẫu thuật để đạt được những mục tiêu này.
Thuốc men
Tùy thuộc vào kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ cho bạn dùng thuốc:
- Thuốc làm tan huyết khối (thuốc phá cục máu đông) giúp làm tan cục máu đông gây tắc nghẽn động mạch.
- Nitroglycerin cải thiện lưu lượng máu bằng cách mở rộng tạm thời các mạch máu.
- Thuốc chống kết tập tiểu cầu giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông bao gồm aspirin, clopidogrel (Plavix), prasugrel (Effient) và những loại khác.
- Thuốc chẹn beta giúp thư giãn cơ tim và làm chậm nhịp tim. Chúng làm giảm nhu cầu về tim và giảm huyết áp. Ví dụ bao gồm metoprolol (Lopressor, Toprol-XL) và nadolol (Corgard).
- Thuốc ức chế men chuyển (ACE) mở rộng mạch máu và cải thiện lưu lượng máu, cho phép tim hoạt động tốt hơn. Chúng bao gồm lisinopril (Prinivil, Zestril), benazepril (Lotensin) và những loại khác.
- Thuốc chẹn thụ thể angiotensin (ARB) giúp kiểm soát huyết áp và bao gồm irbesartan (Avapro), losartan (Cozaar) và một số loại khác.
- Statin làm giảm lượng cholesterol di chuyển trong máu và làm ổn định các mảng bám, làm cho chúng ít bị vỡ hơn. Statin bao gồm atorvastatin (Lipitor), simvastatin (Zocor, Flolipid) và một số loại khác.
Phẫu thuật và các thủ tục khác
Bác sĩ có thể đề nghị một trong những quy trình sau để khôi phục lưu lượng máu đến cơ tim của bạn:
- Nong mạch và đặt stent. Trong thủ thuật này, bác sĩ sẽ chèn một ống dài, nhỏ (ống thông) vào phần bị tắc hoặc hẹp của động mạch. Một dây của một quả bóng xì hơi được đưa qua ống thông đến vùng bị hẹp. Sau đó, quả bóng được bơm căng, mở động mạch bằng cách nén các mảng bám vào thành động mạch. Một ống lưới (stent) thường được để lại trong động mạch để giúp giữ cho động mạch mở.
- Phẫu thuật cầu nối động mạch vành. Với quy trình này, bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy một đoạn mạch máu (mảnh ghép) từ một bộ phận khác của cơ thể bạn và tạo một tuyến đường mới cho máu đi xung quanh (bắc cầu) động mạch vành bị tắc.
Phong cách sống và các biện pháp khắc phục tại nhà
Thay đổi lối sống lành mạnh cho tim là một phần quan trọng trong việc ngăn ngừa cơn đau tim. Các khuyến nghị bao gồm những điều sau:
- Đừng hút thuốc. Nếu bạn hút thuốc, hãy bỏ thuốc lá. Nói chuyện với bác sĩ của bạn nếu bạn cần giúp đỡ bỏ thuốc. Ngoài ra, tránh khói thuốc.
- Thực hiện một chế độ ăn uống lành mạnh cho tim. Thực hiện một chế độ ăn uống với nhiều trái cây và rau quả, ngũ cốc nguyên hạt, và dùng vừa phải sữa ít béo và thịt nạc.
- Năng động. Tập thể dục thường xuyên và duy trì hoạt động thể chất.
- Kiểm tra lượng cholesterol của bạn. Kiểm tra mức cholesterol trong máu của bạn thường xuyên. Tránh thịt và sữa có hàm lượng chất béo cao, cholesterol cao. Nếu bác sĩ đã kê toa thuốc statin hoặc thuốc giảm cholesterol khác, hãy dùng thuốc hàng ngày theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Kiểm soát huyết áp của bạn. Kiểm tra huyết áp thường xuyên theo khuyến cáo của bác sĩ. Uống thuốc hàng ngày theo khuyến cáo.
- Duy trì cân nặng hợp lý. Cân nặng quá mức làm căng tim của bạn và có thể góp phần gây ra cholesterol cao, huyết áp cao, tiểu đường, bệnh tim và các bệnh khác.
- Giảm căng thẳng. Để giảm nguy cơ đau tim, hãy giảm căng thẳng trong các hoạt động hàng ngày. Suy nghĩ lại thói quen làm việc và tìm cách giảm thiểu hoặc đối phó với những sự kiện căng thẳng trong cuộc sống. Nói chuyện với bác sĩ hoặc chuyên gia chăm sóc sức khỏe tâm thần nếu bạn cần giúp đỡ để kiểm soát căng thẳng.
- Uống rượu chừng mực. Nếu bạn uống rượu, hãy uống có chừng mực. Uống nhiều hơn một đến hai lon đồ uống có cồn mỗi ngày có thể làm tăng huyết áp.
Như vậy, qua những thông tin Medplus đã tổng hợp, hy vọng rằng sẽ giúp bạn có thêm những thông tin bổ ích về hội chứng mạch vành cấp. Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi.
Nguồn: Acute coronary syndrome
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: