Bố mẹ hãy tìm hiểu cách tạo thói quen hằng ngày cho trẻ qua bài viết này nhé, bởi vì các thói quen giúp định hướng hành vi của trẻ rất hiệu quả đấy!
Những thói quen giúp cho mọi thành viên trong gia đình sống có nề nếp, hòa thuận hơn. Nhờ có thói quen, mỗi người đều biết phần việc của mình cũng như trình tự các hoạt động, từ đó tránh bất đồng, lãng phí thời gian.
Nếp sống cũng đóng vai trò rất quan trọng trong chế độ ăn, ngủ và các hoạt động của trẻ. Khi trẻ ăn uống đúng giờ, ngủ đủ và được vui chơi thì trẻ sẽ có thái độ hợp tác và cư xử tốt hơn. Không chỉ vậy, những thói quen cũng khiến trẻ cảm thấy an toàn, nên trẻ tự tin hơn và học được nhiều kỹ năng cần thiết.
Tạo thói quen thế nào là hợp lý?
Để xây dựng được những nếp sống hợp lý, bố mẹ nên lưu ý:
- Tạo thói quen phù hợp cho những “giờ cao điểm” của gia đình, như lúc chuẩn bị đi học, lúc mẹ nấu cơm… Khi trẻ cũng “bận rộn” với những hoạt động nhất định của mình thì bố mẹ có thời gian hoàn thành những việc cần thiết.
- Đảm bảo trẻ có thời gian “giải lao”. Đây là những lúc trẻ nghỉ ngơi hoặc học cách tự chơi một mình.
- Kết hợp hai hoặc nhiều hoạt động với nhau. Điều này giúp trẻ nhanh chóng hoàn thành những việc mà trẻ không thích lắm, đồng thời cũng không bị quên việc. Ví dụ, trẻ đánh răng luôn khi đi tắm.
- Nếu bố mẹ muốn giới hạn thời gian của một số hoạt động, hãy biến nó thành nếp sống cụ thể. Ví dụ, bố mẹ có thể cho phép trẻ xem tivi hoặc dùng thiết bị điện tử, nhưng chỉ trong khoảng từ 17h đến 17h30 (hoặc khung giờ nào phù hợp với gia đình).
- Trao đổi với trẻ về nếp sống để trẻ có thể hiểu những việc mà mình cần làm. Ví dụ: “Con đánh răng xong là sẽ đến giờ chúng ta cùng đọc sách nhé!”.
- Sử dụng ngôn ngữ đơn giản, dễ hiểu, phù hợp với lứa tuổi của trẻ khi nói về vấn đề này. Ví dụ, khi trẻ chưa hiểu khái niệm thời gian, bố mẹ nên nói: “Mình chỉ xem phim Con Mèo Béo thôi nhé!”, thay vì: “Mình chỉ xem tivi nửa tiếng thôi nhé!”.
5 cách khiến trẻ thực hiện tốt các thói quen
Để trẻ làm theo các thói quen một cách thoải mái, bố mẹ nên:
- Dán hình minh họa cho một hoặc vài thói quen nhất định ở nơi thật dễ thấy. Bố mẹ cũng có thể cùng trẻ tự vẽ hình minh họa. Đây là một hoạt động thú vị đối với trẻ, và cũng là cơ hội để bố mẹ trò chuyện với trẻ về các thói quen này.
- Bảo trẻ tự thực hiện những thói quen phù hợp với khả năng, như rửa tay trước khi ăn.
- Có những cách nhắc trẻ làm theo thói quen mà không cần bố mẹ giúp đỡ. Ví dụ, đặt đồng hồ báo thức để trẻ tự dậy đúng giờ, thay vì chờ bố mẹ gọi.
- Biến một số trách nhiệm của trẻ thành thói quen. Chẳng hạn, khi làm việc nhà, trẻ vừa giúp đỡ được bố mẹ, vừa học thêm được nhiều kỹ năng. Nên bố mẹ hãy xây dựng cho trẻ thói quen làm một số việc như dọn bàn, gấp quần áo…
- Chú ý khen ngợi mỗi khi trẻ thực hiện thói quen mà không cần bố mẹ nhắc nhở hay giúp đỡ.
Hi vọng rằng qua bài viết này, bố mẹ đã biết được cách xây dựng các thói quen giúp định hướng hành vi của trẻ hiệu quả hơn!
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily