Khô miệng có nguy hiểm không?
1. Vai trò của nước bọt
- Nước bọt được tạo ra bởi tuyến nước bọt đóng vai trò rất quan trọng giúp răng miệng khoẻ mạnh. Nước bọt làm mềm thức ăn, rửa trôi vụn thức ăn thừa trong miệng và giúp quá trình tiêu hoá diễn ra dễ dàng hơn. Ngoài ra, nước bọt có chứa các khoáng chất như Canxi và Phosphate giúp cho răng chắc khỏe và ngừa sâu răng.
- Khô miệng (hay Xerostomia) là tình trạng màng nhầy bên trong miệng bị khô bất thường, do lượng nước bọt bị giảm hoặc thành phần trong nước bọt có sự thay đổi.
2. Tại sao khô miệng có thể gây nguy hiểm?
- Khi không có đủ lượng nước bọt cần thiết, người bệnh sẽ gặp khó khăn trong việc ăn uống và nói chuyện. Hơn nữa, khô miệng còn làm tăng nguy cơ viêm nướu, sâu răng, nhiễm trùng miệng và nhiều vấn đề sức khoẻ khác. Khô miệng cũng có thể gây khó khăn cho việc đeo răng giả.
- Nếu bạn thường xuyên cảm thấy khô miệng kể cả khi đã uống đủ nước, hãy nhanh chóng đến các cơ sở y tế kiểm tra để phòng ngừa những biến chứng nguy hiểm!
Nguyên nhân gây ra khô miệng
Theo Hiệp hội Nha Khoa Hoa Kỳ – American Dental Association, tình trạng khô miệng thường liên quan đến những vấn đề như:
1. Triệu chứng phụ của một số bệnh lý
- Tự miễn dịch: Hội chứng Sjogren, Lupus
- U xơ
- Rối loạn chức năng hệ thống miễn dịch: AIDS / HIV
- Hệ thần kinh: Alzheimer, đột quỵ
- Bệnh tâm lý: Trầm cảm, căng thẳng
- Toàn thân: Bệnh tiểu đường, Parkinson
- Nhiễm virus: Virus Epstein-Barr, Viêm gan C
2. Ảnh hưởng bởi yếu tố hoá học
- Các độc tính trong quá trình hoá trị và xạ trị để điều trị Ung thư Đầu và cổ gây khô miệng.
- Tác dụng phụ của một số loại thuốc như: Thuốc giảm đau, Thuốc chống trầm cảm, Thuốc chống dị ứng, Thuốc giảm lo âu, Thuốc tim mạch,…
3. Ảnh hưởng bởi các tổn tương vật lý
- Khô miệng có thể là kết quả của tổn thương thần kinh ở vùng đầu và cổ do chấn thương hoặc phẫu thuật.
- Phẫu thuật cắt bỏ tuyến nước bọt.
4. Ảnh hưởng tuổi tác
- Giai đoạn mãn kinh
- Những người trên 65 tuổi
5. Mất nước
Các tình trạng dẫn đến mất nước, chẳng hạn như sốt, đổ mồ hôi quá nhiều, nôn mửa, tiêu chảy, mất máu và bỏng đồng thời cũng sẽ gây khô miệng.
6. Thói quen sống
Hút thuốc, há miệng khi ngủ hoặc hít thở bằng miệng quá nhiều cũng dẫn đến tình trạng khô miệng.
Triệu chứng và Biến chứng
Khô miệng bao gồm những triệu chứng và có thể dẫn đến các biến chứng sau:
- Cảm giác dính, khô, nóng khó chịu trong miệng
- Khó nhai, nuốt, nếm hoặc nói
- Nếm sai hoặc không thể nếm được vị cay, chua và mặn
- Khô hoặc đau họng
- Môi nứt nẻ, bong tróc
- Lưỡi khô ráp
- Lở miệng
- Nhiễm trùng trong miệng
- Khàn tiếng
- Hôi miệng
7 tips điều trị khô miệng tại nhà
Tình trạng khô miệng thường được các bác sĩ điều trị bằng cách sử dụng các chất thay thế nước bọt hoặc một số liệu pháp chuyên sâu nếu Khô miệng có liên quan đến các bệnh lý khác.
Ngoài ra, bệnh nhân thường được tư vấn những phương pháp sau để cải thiện tình trạng khô miệng nhẹ ngay tại nhà
- Uống nước chậm rãi để giữ độ ẩm trong miệng. Chỉ dùng đồ uống không đường, không cafein
- Ngậm đá lạnh
- Giữ ẩm môi thường xuyên (2h/ lần)
- Nhai kẹo cao su không đường hoặc ngậm kẹo không đường.
- Tránh thức ăn mặn, cay hoặc thức ăn khô, khó nhai
- Tránh ăn những món dẻo, dấp dính, có đường
- Tránh các chất kích thích (kể cả nước súc miệng chứa cồn) như rượu, thuốc lá, cafein…
Khô miệng là tình trạng phổ biến nhưng đừng lơ là vì nó có thể dẫn đến nhiều biến chứng có hại cho sức khoẻ. Duy trì lối sống lành mạnh là cách hiệu quả nhất để phòng tránh mọi vấn đề về sức khoẻ. Hãy truy cập Medplus thường xuyên để cập nhật bí quyết Sống khoẻ mỗi ngày nhé!
Các bài viết liên quan:
- Những phòng khám nha khoa uy tín ở Quận 10
- TOP 4+ thuốc bổ răng tốt được tin dùng nhất 2020
- Bị đau răng nên ăn gì?
Nguồn: American Dental Association, National Center for Biotechnology Information