Cây Nữ Lang hay còn gọi là Cây Sì To luôn được xem là dược liệu quý trong Y học với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về đặc điểm của dược liệu này. Hôm nay medplus xin giới thiệu đến bạn đọc các công dụng cũng như bài thuốc tiêu biểu từ loại dược liệu này nhé!
Thông Tin Dược Liệu
Tên tiếng Việt: Sì to, Nữ lang, Nữ lang nhện
Tên khoa học: Valeriana jatamansi Jones
Họ: Valerianaceae (Nữ lang)
1. Đặc điểm dược liệu
- Sì to là tên gọi cây này của dân tộc Mèo vùng Sapa (Lào Cai). Cây thuộc thảo, sống lâu năm, cao 25-30cm. Rễ mập, khoanh tròn đỏ do vết tích của cuống lá, có nhiều rễ con.
- Lá mọc từ gốc, phiến lá hình tim, hai mặt có lông mịn, cuống lá dài 20-25cm, có lông mịn.
- Cụm hoa hình xim ngù, cuống dài 30-40cm. Hoa nhỏ màu trắng. Quả bết dẹt
2. Phân bố
Ở nước ta cây nữ lang thường mọc tại các dãy núi cao trên 1.000m ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta như Sapa (Lào Cai), Yên Bái, Lai Châu. Cây nữ lang còn được tìm thấy ở một số tỉnh miền Nam như Đà Lạt, Lâm Đồng.\
3. Thu hái và chế biến
- Người ta đào lấy rễ hay toàn cây, rửa sạch đất cát, phơi hay sấy cho khô.
- Ở nước ta nhu cầu chưa đáng kể và chỉ mới có tính chất gia đình tại vùng dân Mèo. Nhưng để có một khái niệm về nhu cầu của cây này, chúng ta biết rằng chỉ riêng Pháp, mỗi năm tiêu thụ hết 40-50 tấn rễ tươi, đồng thời 40-50 tấn rễ khô nữa của cây Valeriana officinalis L.
Công dụng và Liều dùng
1. Thành phần hóa học
Trong cây nữ lang có chứa nhiều tinh dầu, ngoài ra còn có 5-10% chất vô cơ, rất nhiều gluxit (tinh bột, sacaroza) các axit hữu cơ (benzoic, salixylic, cafeic, clorogenic), một ít lipit, sterol, tanin…
2. Tính vị
Cây có vị ngọt cay, tính ấm.
3. Đối tượng sử dụng
– Người bị mất ngủ (dùng được cho trẻ nhỏ).
– Người mắc bệnh động kinh, co giật.
– Người mắc bệnh viêm dạ dày.
– Bệnh nhân mắc các chứng bệnh tim mạch.
4. Công dụng của cây nữ lang
Cách đây hàng trăm năm dân tộc Mèo ở vùng cao Tây Bắc đã biết sử dụng cây Sì to (Nữ lang) làm thuốc an thần và điều trị bệnh mất ngủ. Ngày nay qua nhiều nghiên cứu các nhà khoa học đã chứng minh cây nữ lang có những công dụng chính như sau:
- Tác dụng an thần, điều trị mất ngủ (Tác dụng này được phát hiện từ thế kỷ 18 do một thầy thuốc người Anh tìm ra).
- Tác dụng chống co giật
- Tác dụng hỗ trợ điều trị viêm loét dạ dày
- Tác dụng giãn rộng, tăng lưu lượng máu ở động mạch vành (Hỗ trợ điều trị bệnh mạch vành, tim mạch, thiếu máu cơ tim)
- Tác dụng bảo vệ tế bào gan, hỗ trợ điều trị viêm gan B
4. Cách dùng, liều dùng
Dưới 15g 1 ngày dùng để sắc thuốc uống hoặc tán thành bột mịn rồi hoàn tan uống cùng nước
Các bài thuốc tiêu biểu từ Dược Liệu
1. Điều trị mất ngủ
Dùng khoảng 10-15g rễ và thân cây, sắc lấy nước uống hàng ngày.
2. Điều trị bệnh đau dạ dày
Lấy một lượng vừa đủ rễ cây nữ lang rửa sạch, sao khô, tán thành dạng bột mịn. Nấu nước uống 2 lần/ngày, mỗi lần 4g.
3. Hỗ trợ điều trị bệnh tim mạch, tăng cường sức khỏe
Dùng khoảng 10-15g cây nữ lang khô, 20g cây dong riềng đỏ khô sắc lấy nước uống hàng ngày.
Ngoài nữ lang, còn một số thảo dược quý có thể chữa bệnh mất ngủ như cây bình vôi, hạt sen, trinh nữ, lạc tiên, … Ngoài ra cần có một chế độ ăn uống, nghỉ ngơi hợp lý, giữ tinh thần luôn thư thái để có một giấc ngủ tốt, cải thiện chất lượng cuộc sống.
Lưu Ý khi sử dụng Dược Liệu để trị bệnh
Nên sử dụng đúng liều lượng nêu trên để tránh xảy ra các tác dụng không mong muốn
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Dược Liệu cũng như một số bài thuốc hay về vị thuốc này nhé !
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn
Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam