Trẻ sơ sinh ra mồ hôi trộm là hiện tượng xảy ra khá phổ biến ở trẻ nhỏ nhưng lại khiến không ít bố mẹ “đứng ngồi không yên” vì không biết con có đang gặp vấn đề gì nghiêm trọng về sức khỏe hay không. Vậy nguyên nhân gì khiến trẻ hay ra mồ hôi trộm và bố mẹ nên làm gì để khắc phục tình trạng này?
Trẻ sơ sinh đổ mồ hôi trộm là như thế nào?
Trẻ sơ sinh ra mồ hôi trộm là tình trạng trẻ ra nhiều mồ hôi mặc dù con không hoạt động nhiều và thời tiết cũng không quá nóng.
Trẻ hay ra mồ hôi trộm nhiều nhất là ở các vùng cơ thể có nhiều tuyến mồ hôi, bao gồm lưng, nách, lòng bàn tay, bàn chân, trán… Thông thường, trẻ sơ sinh bị ra mồ hôi trộm nhiều nhất vào ban đêm. Tình trạng này xảy ra khiến con ngủ không ngon giấc, thường xuyên bị giật mình tỉnh giấc và quấy khóc nhiều khiến bố mẹ lo lắng và mệt mỏi.
Trong trường hợp trẻ đổ mồ hôi do thời tiết quá nóng hoặc phòng ngủ có nhiệt độ quá cao, con thường sẽ ra mồ hôi vào thời điểm trước khi ngủ. Ngược lại, khi trẻ sơ sinh ra mồ hôi trộm, con thường chỉ ra nhiều mồ hôi vào giai đoạn ngủ sâu, sau khi thức dậy con vẫn cảm thấy thoải mái như bình thường.
Nguyên nhân khiến trẻ sơ sinh ra mồ hôi trộm
Trẻ đổ mồ hôi trộm do sinh lý
Khi hệ thần kinh đại não của trẻ đang trong quá trình phát triển và chưa được hoàn thiện, con sẽ bị ra mồ hôi trộm, đặc biệt là vào thời kỳ tăng trưởng, quá trình trao đổi chất trong cơ thể trẻ diễn ra mạnh mẽ hơn so với người lớn. Vì hệ thống điều chỉnh nhiệt độ trong cơ thể trẻ vẫn còn non nớt, nên tình trạng đổ mồ hôi trộm là một cách để trẻ cân bằng nhiệt độ trong cơ thể mình.
Ngoài ra, trẻ sơ sinh cũng có tỷ lệ số lượng tuyến mồ hôi so với kích thước của cơ thể khá cao. Việc này cũng tác động khiến cơ thể trẻ ra nhiều mồ hôi hơn.
Nhìn chung, tình trạng đổ mồ hôi trộm do sinh lý là hiện tượng khá phổ biến và thường không ảnh hưởng tiêu cực tới sức khỏe của trẻ sơ sinh.
Trẻ đổ mồ hôi trộm do bệnh lý
Trong trường hợp trẻ ra nhiều mồ hôi trộm, kèm theo các triệu chứng như quấy khóc, sổ mũi, rụng tóc vành khăn… thì đây là dấu hiệu bệnh lý nguy hiểm và bố mẹ nên sớm đưa trẻ tới bác sĩ nhi khoa để khám và điều trị. Lúc này, trẻ sơ sinh ra mồ hôi trộm có thể là do mắc phải các chứng bệnh, ví dụ như:
1. Thiếu canxi
Những trẻ thiếu canxi hay quấy khóc vào ban đêm, thường vặn mình khi ngủ, hay bị ọc sữa và tóc bị rụng hình vành khăn ở phía sau gáy. Tình trạng thiếu canxi nếu diễn ra trong khoảng thời gian dài có thể dẫn tới bệnh còi xương, đầu bẹp, mọc răng chậm, thóp chậm liền và các kỹ năng vận động chậm phát triển.
2. Lao sơ nhiễm
Trong trường hợp trẻ bị lao sơ nhiễm, bố mẹ có thể sẽ thấy có những dấu hiệu ở trẻ như đổ mồ hôi trộm, biếng ăn, sút cân, sốt nhẹ về chiều, ho dai dẳng hoặc đau bụng, tiêu chảy kéo dài.
3. Rối loạn thần kinh thực vật
Lúc này, hệ thống thần kinh giao cảm và phó giao cảm của trẻ bị mất cân bằng. Trẻ có những biểu hiện như biếng ăn, thường xuyên buồn nôn, tăng nhịp thở, đổ mồ hôi trộm…
4. Bệnh cường giáp
Đây là chứng bệnh xuất hiện khi trẻ bị rối loạn hooc-môn tuyến giáp. Khi mắc phải chứng bệnh này, cơ thể của trẻ không dung nạp nhiệt và ra nhiều mồ hôi. Trẻ thường xuyên khóc quấy, nóng nảy, ngủ không ngon giấc, giấc ngủ chập chờn.
Cách chữa ra mồ hôi trộm ở trẻ sơ sinh
Việc trẻ thường xuyên ra mồ hôi trộm sẽ khiến cơ thể con mất đi một lượng nước đáng kể, khiến trẻ dễ mệt mỏi và suy nhược. Hơn nữa, tình trạng trẻ hay ra mồ hôi trộm nếu kéo dài có thể dẫn tới nhiều hậu quả khác, ví dụ như trẻ dễ cảm lạnh, mắc các bệnh về đường hô hấp, dễ bị mụn nhọt, viêm nhiễm (do lỗ chân lông mở rộng, tạo điều kiện cho bụi bẩn và các chất cặn bã lưu trú lại trên da)… Do vậy, nếu thấy trẻ ra nhiều mồ hôi, dù không rõ nguyên nhân do sinh lý hay bệnh lý thì bố mẹ cũng nên đưa con đi khám bác sĩ để tìm hiểu rõ nguyên nhân và đưa ra những phương pháp hỗ trợ phù hợp và chữa trị kịp thời.
Để có thể hạn chế tình trạng trẻ hay ra mồ hôi trộm, bố mẹ nên lưu ý những điều sau đây:
- Đảm bảo cho phòng ngủ của trẻ thoáng mát, nhiệt độ phòng ở mức vừa phải.
- Tránh mặc cho trẻ quá nhiều quần áo hoặc đắp quá nhiều chăn cho trẻ khi ngủ.
- Chọn cho trẻ quần áo có chất liệu thoải mái, khả năng thấm hút cao.
- Khi trẻ ra nhiều mồ hôi, bố mẹ nên dùng khăn lau người cho trẻ, đồng thời thay bộ quần áo khác để tránh làm mồ hôi thấm ngược vào cơ thể gây ra cảm lạnh.
Hy vọng bài viết trên đã đem đến cho bố mẹ những thông tin hữu ích về tình trạng trẻ sơ sinh ra mồ hôi trộm.
Xem thêm bài viết:
- Nên cho trẻ uống sữa ít béo hay sữa nguyên kem?
- Giữ cơm trưa an toàn thực phẩm cho trẻ
- Thể dục cho trẻ em có nhu cầu đặc biệt
Nguồn: verywellfamily