Dị ứng thuốc là gì?
Dị ứng thuốc được định nghĩa là phản ứng quá mức của hệ miễn dịch trước một loại thuốc mà bạn đang dùng. Tất cả các loại thuốc, bao gồm cả thuốc kê toa hay không kê toa và thậm chí là thảo dược đều có thể dẫn đến dị ứng thuốc.
Nguyên nhân nào dẫn đến dị ứng thuốc?
- Theo các chuyên gia, phản ứng dị ứng thuốc xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể nhầm lẫn thuốc chứa chất độc hại. Chính vì vậy, chúng hình thành kháng thể đặc hiệu chống lại và gây dị ứng.
- Thông thường, dị ứng thuốc có thể xảy ra ngay lần đầu tiên người bệnh dùng thuốc nhưng đôi khi chúng không phát triển cho đến khi bệnh nhân sử dụng một loại thuốc nhiều lần.
- Dị ứng thuốc xảy ra ở hầu hết mọi người, không phân biệt độ tuổi hay giới tính. Người bệnh có thể bị dị ứng với bất kỳ loại thuốc nào nhưng cũng có thể dị ứng với một loại thuốc.
Những triệu chứng và dấu hiệu của bệnh dị ứng thuốc
Thông thường, triệu chứng dị ứng thuốc thường xảy ra sau 1 giờ uống thuốc nhưng đôi khi phản ứng dị ứng cũng có thể xảy ra sau đó vài giờ, vài ngày hoặc vài tuần. Biểu hiện khi bị dị ứng thuốc thường rất đa dạng, xuất hiện cục bộ hoặc toàn thân, sớm hay muộn:
1. Dị ứng thuốc trên các bộ phận
- Trên hệ hô hấp: Khó thở hoặc thở khò khè, chảy nước mũi, co thắt phế quản có thể dẫn đến hen suyễn
- Trên da: Nổi mề đay, phát ban, ngứa da hoặc sưng phù Quincke,…
- Trên mạch máu: Làm tăng tính thấm mao mạch, giãn mạch. Trong trường hợp giãn mạch nhiều có thể gây hạ huyết áp
- Trên hệ tiêu hóa: Dị ứng thuốc có thể làm tăng tiết acid dịch vị
- Trên mắt: Gây chảy nước mắt hoặc đỏ kết mạc mắt,…
2. Dị ứng theo phản ứng sớm muộn
2.1. Phản ứng sớm/ phản ứng tức thì xảy ra sau đó vài phút hoặc vài giờ sau khi uống thuốc
Biểu hiện của bệnh thường là:
- Da tái tím
- Khó thởh
- Huyết áp hạ dần, mạch nhanh nhỏ, toát mồ hôi. Trong trường hợp này nếu không phát hiện và cứu chữa sớm có thể dẫn đến tử vong do trụy tim.
- Phản ứng sớm thường gặp ở bệnh nhân có cơ địa dị ứng, mắc các bệnh như hen suyễn, eczema, mề đay,…
2.2. Phản ứng muộn, với biểu hiện thường xuất hiện lâu hơn vài ngày hoặc vài tuần
Biểu hiện thường xuất hiện trên cơ thể là:
- Ban đỏ: Da xuất hiện ban dạng sởi hoặc ban sẩn, nhỏ như đầu đinh liên kết với nhau tạo thành từng mảng và kèm theo triệu chứng ngứa. Có thể xảy ra sau khi dùng thuốc khoảng 1 tuần và diễn ra trong vài tuần.
- Da bị nhạy cảm với ánh sáng: Dị ứng thuốc có thể khiến da trở nên nhạy cảm với ánh sáng. Có thể khiến tình trạng nhạy cảm của da tăng lên và làm tổn thương da như sạm da, mất sắc tố da hoặc đen da,…
- Viêm da bong vảy: Biểu hiện da bị bong tróc vảy kèm theo dấu hiệu ngứa toàn thân. Triệu chứng bệnh có thể tiến triển nặng và đe dọa đến tính mạng người bệnh nếu không được điều trị kịp thời. Thường xuất hiện sau khi uống thuốc 1 tuần và thường tồn tại trong 3 – 4 tuần.
- Hồng ban đa dạng: Là dạng tổn thương với các ban hình bia bắn cổ điển có ba vòng tròng đồng tâm. Cụ thể, vòng ngoài-ban đỏ, vòng tiếp theo-sẩn đỏ phù nề và vòng ở giữa-mụn nước.
- Viêm mao mạch: Các mao mạch ngoài da bị viêm với các biểu hiện như nổi ban xuất huyết.
- Hội chứng Lyell: Một trong những phản ứng dị ứng nguy hiểm có tỷ lệ tử vong cao. Nếu không được cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tình trạng rối loạn điện giải,… cuối cùng là tử vong. Xuất hiện sau dùng thuốc 1 tuần, da toàn thân bị hoại tử và bong tróc như bị bỏng.
3. Triệu chứng sốc phản vệ
Đây là một trong những phản ứng dị ứng thuốc hiếm gặp, nếu không xử lý kịp thời có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Dấu hiệu để nhận biết:
- Dị ứng gây co thắt đường thở và cổ họng dẫn đến khó thở
- Tiêu chảy hoặc buồn nôn
- Chóng mặt
- Mạch đập nhanh
- Hạ huyết áp
- Mất ý thức
- Động kinh
Phương pháp điều trị khi bị dị ứng thuốc
Điều trị dị ứng thuốc gồm có 2 bước:
1.Giảm triệu chứng của bệnh
- Ngừng sử dụng thuốc gây dị ứng;
- Dùng thuốc kháng histamine để ngăn chặn các chất do hệ thống miễn dịch kích hoạt;
- Dùng corticosteroid để điều trị viêm nếu các triệu chứng nặng;
- Tiêm epinephrine ngay khi đến bệnh viện để duy trì huyết áp và hỗ trợ hô hấp
2. Giúp cơ thể làm quen với loại thuốc bị dị ứng nhưng cần phải có sự theo dõi của bác sĩ
- Điều trị bắt đầu bằng cách sử dụng một liều nhỏ thuốc gây dị ứng và sau đó tăng dần liều mỗi 15 đến 30 phút, vài giờ hoặc vài ngày sao cho không có phản ứng dị ứng xảy ra. Từ đó khiến cơ thể quen dần với thuốc.
- Bác sĩ cũng có thể giúp đo xem liều lượng nào của thuốc thì không gây dị ứng cho cơ thể.
Để hạn chế những diễn tiến của bệnh, người bệnh cần phải có chế độ sinh hoạt phù hợp và cần phải áp dụng những biện pháp, bao gồm:
- Tránh các chất gây dị ứng;
- Mang theo bút tiêm epinerphrine bên mình để dùng trong trường hợp khẩn cấp;
- Dùng prednisone hay các thuốc kháng histamine khi xảy ra dị ứng;
- Thông báo cho bác sĩ biết loại thuốc mà bạn dị ứng khi đi khám bệnh;
- Thận trọng với việc côn trùng châm chích, vì chúng có thể gây dị ứng;
- Đọc kỹ nhãn của tất cả các loại thực phẩm bạn mua và ăn
Từ những biểu hiện nhẹ, dấu hiệu bất thường trên da bạn nên đến ngay cơ sở thăm khám để được tư vấn, điều trị. Không nên để những triệu chứng trở nặng có thể sẽ đe dọa đến tính mạng của bạn. Cho nên việc để giảm thiểu rủi ro xảy ra, mọi người không nên chủ quan mà khi phát hiện thấy bản thân có những dấu hiệu bất thường, thì nên kiểm tra.
Hơn nữa, bạn có thể tham khảo thêm một số thông tin bổ ích về bệnh dị ứng thuốc như: Cách nào hạn chế dị ứng thuốc?.