Vacxin bại liệt bất hoạt là gì? Tiêm hoặc uống vacxin bại liệt có bị sốt không? Lịch tiêm chủng vacxin bại liệt đối với người lớn và trẻ em là như thế nào? Thành phần và liều lượng của chúng được quy định như thế nào để có thể đảm bảo an toàn cho con người?
Thông tin cơ bản
Vacxin bại liệt bất hoạt là gì?
Tên gọi quốc tế: Vaccinum poliomyelitidis inactivatum
Mã ATC: J07BF03 (Poliomyelitis, trivalent, inactivited, whole virus)
Loại thuốc: Vắc xin bất hoạt (vacxin).
Vacxin bại liệt được sử dụng trên khắp thế giới để chống bệnh bại liệt chia làm hai loại.
Loại đầu tiên do Jonas Salk phát triển và được thử nghiệm lần đầu tiên vào năm 1952. Ngày 12 tháng 4 năm 1955, vacxin loại đầu tiên gồm một liều tiêm virus bị làm yếu polio được công bố trên toàn thế giới. Hiện nay loại đầu tiên còn được gọi dưới tên là vacxin bại liệt bất hoạt – hay còn gọi là vacxin bại liệt tiêm.
Dạng thuốc và hàm lượng
Vacxin bại liệt bất hoạt là thuốc dạng tiêm.
Thuốc tiêm dạng hỗn dịch 0,5 ml hoặc 5 ml. Mỗi 0,5 ml chứa:
- 40 đơn vị kháng nguyên D của virus bại liệt typ 1
- 8 đơn vị kháng nguyên D của virus typ 2
- 32 đơn vị kháng nguyên typ 3.
Thành phần khác:
- Streptomycin < 200 mg
- Neomycin < 5 mg
- Polymyxin B < 25 mg
- Phenoxymethanol tối đa 0,5%
- Formaldehyd tối đa 0,02%
- Môi trường 199.
Dược lý và cơ chế tác dụng của vacxin bại liệt tiêm
Dược lý
Vacxin bại liệt bất hoạt (IPV), trước đây còn gọi là vacxin Salk. Đây là loại vacxin bất hoạt bằng formaldehyd chứa kháng nguyên của 3 typ vắc xin bại liệt (typ 1, typ 2 và typ 3). Hiện nay ngoài IPV, trên thị trường còn có loại vacxin hiệu lực tăng cường (e IPV).
Cơ chế tác dụng
Vacxin bại liệt bất hoạt thúc đẩy miễn dịch chủ động bằng cách tạo ra kháng thể trong huyết thanh kháng lại virus bại liệt. Các kháng thể trong huyết thanh ngăn chặn virus bại liệt xâm nhập hệ thần kinh trung ương. Bảo vệ 85 – 90% người được tiêm chủng.
Ngoài ra, IPV còn tạo miễn dịch tại chỗ bằng kháng thể IgA, chủ yếu ở họng. Đáp ứng miễn dịch tại chỗ tạo bởi IPV không mạnh như khi dùng vắc xin bại liệt sống. IPV có thể chỉ đủ làm hạn chế sự lây truyền virus hoang dại từ họng, ít có tác dụng đối với virus lây truyền qua đường phân.
Do đó, khi có dịch bùng nổ, IPV không ngăn chặn được virus bại liệt hoang dại phát triển ở ruột và lây truyền qua phân. Nhưng IPV có ưu điểm là không gây bại liệt do tiêm vắc xin.
Tiêm vacxin bại liệt bất hoạt như thế nào là đúng?
Khi tiêm 2 liều (vào lúc 2 và 4 tháng tuổi), hoặc 3 liều (vào lúc 2, 4, 12 hoặc 18 tháng tuổi), tỷ lệ kháng thể đặc hiệu kháng virus bại liệt typ 1, 2, 3 đạt tới 98 – 100% ở trẻ nhỏ khỏe mạnh.
Nếu tiêm liều duy nhất, tỷ lệ tạo kháng thể phụ thuộc vào tuổi của trẻ và vào việc có kháng thể từ mẹ hay không.
- Ở trẻ dưới 6 tháng tuổi, nếu chỉ tiêm 1 liều IPV duy nhất, tỷ lệ tạo kháng thể biến đổi rất nhiều (27 – 90%) và khó đánh giá vì còn có kháng thể nhận từ mẹ.
- Ở trẻ 6 tháng tuổi hoặc lớn hơn, nếu trẻ bắt đầu được tiêm liều duy nhất thì tỷ lệ kháng thể là trên 90%.
Thời gian miễn dịch: Sau khi tiêm vắc xin bại liệt bất hoạt IPV, thời gian miễn dịch kéo dài có thể suốt đời. Một nghiên cứu đánh giá trước đây cho thấy nồng độ kháng thể huyết thanh có khuynh hướng giảm trong năm đầu sau khi tiêm phòng nhưng sau đó lại duy trì ở mức thấp trong ít nhất 6 – 12 năm. Khi bổ sung thêm 1 liều IPV hoặc OPV (vắc xin bại liệt uống) cho người đã được tiêm phòng bằng IPV hoặc OPV trước đây, thường có tác dụng tăng cường nhanh nồng độ kháng thể huyết thanh.
Tiêm vacxin bại liệt bất hoạt dành cho đối tượng nào?
Chỉ định
- Phòng bệnh bại liệt cho trẻ nhỏ (6 tuần tuổi trở lên).
- Cho tất cả các trẻ em và thiếu niên độ tuổi 18 chưa được tiêm chủng.
- Cho khách du lịch đến vùng có virus bại liệt hoang dại thành dịch hay lưu hành
- Cho một số cán bộ y tế và cho những cá nhân suy giảm miễn dịch.
Độ an toàn của vacxin phòng bại liệt đối với trẻ dưới 6 tuần tuổi chưa được xác định.
Chống chỉ định
- Có tiền sử mẫn cảm với các thành phần có trong vắc xin như neomycin, streptomycin và polymyxin B.
- Bị nhiễm khuẩn cấp có sốt, nên hoãn tiêm vắc xin.
Các lưu ý cần thiết khi tiêm vacxin bại liệt bất hoạt
Thận trọng
- Nếu xảy ra sốc phản vệ trong vòng 24 giờ sau khi tiêm 1 liều IPV, nên ngưng dùng tiếp.
- Chưa có đủ dữ liệu về độ an toàn và hiệu quả khi dùng IPV cho trẻ dưới 6 tuần tuổi.
- Vì IPV là vắc xin bất hoạt nên có thể dùng cho những người bị suy giảm miễn dịch. Tuy nhiên có khả năng những người này sẽ không sản xuất đủ lượng kháng thể cần thiết để có được miễn dịch đủ bảo vệ.
- Nên tiêm vắc xin này trước khi bắt đầu đợt trị liệu ức chế miễn dịch hoặc ngưng dùng vắc xin cho đến khi kết thúc đợt trị liệu ức chế miễn dịch.
- Thận trọng khi tiêm bắp cho người bị rối loạn chảy máu hoặc đang dùng thuốc chống đông máu vì có nguy cơ gây huyết khối.
- Nếu có thể, nên tiêm dưới da.
- Đối với người bị hemophilia, khi tiêm bắp phải dùng kim nhỏ. Nên ấn chặt tại chỗ tiêm trong 2 phút hoặc hơn, không day, và tiêm ngay sau liều điều trị hemophilia theo phác đồ thông thường.
- Đối với trẻ sơ sinh thiếu tháng, cho dù cân nặng lúc sinh là bao nhiêu, cần tiêm phòng bại liệt vào đúng thời điểm và đúng liều thông thường được khuyến cáo.
Thời kỳ mang thai
Chỉ nên dùng vacxin tiêm phòng bại liệt cho người đang mang thai nếu thực sự có nguy cơ tiếp xúc với nguồn lây.
Thời kỳ cho con bú
Mặc dù chưa có dẫn liệu về vấn đề này nhưng cho con bú không phải là chống chỉ định của việc dùng vacxin bại liệt bất hoạt vì các vi sinh vật đã bất hoạt trong những vắc xin này không nhân lên trong cơ thể và vắc xin này không làm nảy sinh những vấn đề đặc biệt đối với người mẹ hoặc trẻ đang bú.
Tác dụng không mong muốn (ADR)
- IPV thường được dung nạp tốt.
- Không có tài liệu nào đề cập đến tác dụng phụ nghiêm trọng sau khi dùng vắc xin phòng bại liệt bất hoạt.
- Không như vắc xin bại liệt uống (OPV), chưa có trường hợp nào bị bệnh bại liệt do tiêm IPV, kể cả ở người bị suy giảm miễn dịch.
- Vì vắc xin có chứa kháng sinh như streptomycin, neomycin và polymyxin B nên có thể xảy ra các phản ứng quá mẫn đối với các kháng sinh này.
- Thường gặp (ADR > 10/100)
- Trên hệ TKTW: Khó chịu, mệt mỏi, sốt trên 39°C.
- Trên hệ tiêu hóa: Chán ăn.
- Tại chỗ tiêm: Cứng, đau, sưng tấy.
- Ít gặp (1/100 < ADR < 10/100)
- Trên hệ tiêu hóa: Nôn.
- Tại chỗ tiêm: Ban đỏ xuất hiện trong vòng 6 – 48 giờ sau khi tiêm.
- Tuy nhiên, tần suất và mức độ nghiêm trọng của các phản ứng này tương tự như thuốc vờ.
- Các ADR khác: Khóc ngặt nghẽo trong vòng 72 giờ sau khi tiêm. Hội chứng Guillain Barré, tử vong có liên quan đến công thức IPV trước đây, khác với công thức IPV hiện nay.
Hướng dẫn cách xử trí ADR
Luôn chuẩn bị sẵn một số thuốc như adrenalin, corticoid và kháng histamin. Những trang bị cần thiết cho điều trị sốc phản vệ nếu xảy ra (oxygen, máy trợ hô hấp). Nếu sốt cao có thể dùng paracetamol.
Liều lượng, cách dùng và lịch tiêm chủng
Cách dùng vacxin bại liệt dạng tiêm
- Thuốc tiêm dưới da hoặc tiêm bắp.
- Không dùng tiêm tĩnh mạch.
- Lịch tiêm phụ thuộc vào tuổi và tình trạng hệ miễn dịch của bệnh nhân.
Liều dùng và lịch tiêm chủng vacxin bại liệt bất hoạt
Với người lớn
Đối với người chưa từng dùng vắc xin bại liệt:
Những người chưa dùng vắc xin bại liệt sẽ có nguy cơ bị bại liệt khi dùng vắc xin bại liệt uống. Vì vậy, những người này nên dùng vắc xin bại liệt bất hoạt.
Những người chưa được tiêm chủng đầy đủ lộ trình tiêm phòng bại liệt và có nguy cơ tiếp xúc với virus bại liệt cần tiêm bổ sung những mũi tiêm còn thiếu. Không kể khoảng cách với lần tiêm trước là bao lâu.
Những người đã tiêm phòng bại liệt đầy đủ nhưng có gia tăng nguy cơ tiếp xúc với virus bại liệt có thể dùng thêm 1 liều vắc xin bại liệt bổ sung (loại bất hoạt hay loại vắc xin bại liệt uống).
Lịch tiêm chủng vacxin bại liệt bất hoạt ở người lớn:
Cần tiêm 3 mũi, mỗi mũi 0,5 ml (đối với Ipol).
- Hai mũi đầu cách nhau 1 – 2 tháng
- Mũi thứ ba cách mũi thứ hai 6 – 12 tháng (thông thường là 12 tháng).
Nếu không có điều kiện theo lịch trên, có thể thực hiện như sau:
- Nếu thời gian < 3 tháng nhưng > 2 tháng: Tiêm 3 mũi cách nhau ít nhất 1 tháng.
- Nếu thời gian < 2 tháng nhưng > 1 tháng: Tiêm 2 mũi cách nhau ít nhất 1 tháng.
- Nếu thời gian < 1 tháng: 1 mũi tiêm duy nhất.
Với trẻ em
Lịch tiêm chủng vacxin bại liệt bất hoạt ở trẻ em:
Lịch tiêm phòng bại liệt ở trẻ em là 4 mũi (0,5 ml/mũi) để tạo miễn dịch cơ bản:
- 1 mũi lúc 2 tháng, 1 mũi lúc 4 tháng
- 1 mũi lúc 8 – 18 tháng và 1 mũi lúc 4 – 6 tuổi.
- Liều cuối cùng trong lịch tiêm nên vào lúc 4 tuổi trở lên.
Khoảng cách tối thiểu giữa mũi 1 và mũi 2 cũng như giữa mũi 2 và mũi 3 là 4 tuần; giữa mũi 3 và mũi 4 là 6 tháng.
Nếu mũi thứ ba được tiêm vào lúc tròn 4 tuổi hoặc sớm hơn, đồng thời cách mũi thứ hai ít nhất 6 tháng thì không cần tiêm tiếp mũi thứ 4.
Tuy nhiên nếu cả 4 mũi tiêm đều được thực hiện trước khi tròn 4 tuổi, cần tiêm thêm 1 mũi vào lúc 4 – 6 tuổi.
Chỉ áp dụng tuổi tối thiểu và khoảng cách liều tối thiểu trên đây trong vòng 6 tháng đầu đời khi trẻ em có nguy cơ phơi nhiễm với virus bại liệt (như đi du lịch, ở nơi đang có dịch).
Tương tác thuốc
Có thể dùng đồng thời IPV với vacxin bạch hầu – uốn ván và ho gà hấp phụ (vắc xin DTP). Vắc xin phối hợp cố định bạch hầu – uốn ván – ho gà – IPV đã được dùng rộng rãi ở một số nước.
Có thể dùng đồng thời IPV với vắc xin cộng hợp polysacarid Haemophilus b (Hib). Nói chung, IPV có thể tiêm đồng thời nhưng khác vị trí với các vắc xin bất hoạt khác. Tiêm đồng thời với đa số các vắc xin sống và bất hoạt không ảnh hưởng đến đáp ứng tạo kháng thể hoặc tăng tỷ lệ ADR.
Những người đang dùng liệu pháp ức chế miễn dịch (thí dụ corticotropin, corticoid, tác nhân alkyl hóa, chất kháng chuyển hóa, liệu pháp phóng xạ) có thể giảm đáp ứng miễn dịch với IPV. Thường phải hoãn tiêm vắc xin cho tới khi ngừng liệu pháp ức chế miễn dịch.
Vacxin bại liệt IPV có thể dùng đồng thời với các chế phẩm globulin miễn dịch nhưng lưu ý dùng bơm tiêm riêng và tiêm tại các vị trí khác nhau
Hướng dẫn bảo quản
Vacxin bại liệt bất hoạt IPV cần được lưu giữ ở nhiệt độ lạnh trong khoảng từ 2 – 8°C và không để đông lạnh.
- Nếu đã để đông lạnh, không được dùng, vì hoạt lực của IPV đã bị mất.
- Nếu bảo quản đúng theo hướng dẫn, IPV ổn định trong vòng 1 năm.
Tóm lại, vacxin bại liệt bất hoạt là loại vacxin dùng để phòng ngừa virus bại liệt ở cả trẻ em và người lớn. Mỗi nhóm đối tượng có lịch tiêm chủng và số lượng mũi tiêm khác nhau.
Vacxin tiêm ngừa bại liệt được dùng rộng rãi trên khắp thế giới. Nó kích thích miễn dịch với bại liệt, có hiệu quả trong việc khống chế truyền bệnh từ người sang người đối với các virus bại liệt tự nhiên. Do đó bảo vệ được cả người nhận vắc-xin và cộng đồng.
Thuốc được tiêm dưới dạng tiêm bắp thịt hoặc dưới da. Vacxin cần được giữ lạnh nhưng không được đông lạnh.
Tham khảo các loại vacxin khác:
Vacxin bạch hầu hấp phụ là gì? Giới thiệu và hướng dẫn sử dụng