Bệnh viêm da tiết bã nhờn là bệnh có diễn biến dai dẳng, khó điều trị và hay tái phát. Bệnh thường tiến triển nặng vào mùa thu – đông. Hiện nay, theo thống kê có đến 2-5% dân số thế giới bị mắc căn bệnh này. Vậy nguyên nhân của căn bệnh này là gì? Cùng Songkhoe.medplus.vn tìm hiểu nhé!
Viêm da tiết bã là gì?
Viêm da tiết bã hay còn gọi là viêm da dầu hoặc chàm da mỡ là một trong những bệnh lý phổ biến. Đây là một bệnh lý mạn tính về da, rất dễ tái phát và khó điều trị dứt điểm. Thông thường, người thuộc nhóm da dầu sẽ có tỷ lệ mắc bệnh này cao hơn người bình thường. Nó gây ra các mảng vảy, da đỏ và gàu cứng đầu. Viêm da tiết bã cũng có thể ảnh hưởng đến các vùng da nhờn trên cơ thể, như mặt, hai bên mũi, lông mày, tai, mí mắt và ngực.
Bệnh có thể xảy ra ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và người trưởng thành. Ở một số ít trường hợp, viêm da dầu chỉ bùng phát duy nhất 1 lần và thuyên giảm mà không cần can thiệp các biện pháp khắc phục. Nhưng thực tế cho thấy, phần lớn trường hợp mắc bệnh đều có xu hướng tiến triển mãn tính, dai dẳng và gặp nhiều bất lợi trong quá trình điều trị.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng viêm da tiết bã
Nguyên nhân gây viêm da tiết bã vẫn chưa được biết rõ. Tuy nhiên, bệnh có thể liên quan đến:
- Hệ miễn dịch yếu.
- Thiếu chất một số chất dinh dưỡng nhất định.
- Vấn đề ở hệ thần kinh.
- Một loại nấm được gọi là malassezia xuất hiện trong lớp dầu tiết ra trên da.
- Viêm nhiễm do vẩy nến gây ra.
- Các mùa trong năm. Bệnh được cho là thường nặng hơn vào khoảng đầu mùa xuân và mùa đông.
Các triệu chứng của bệnh viêm da tiết bã
Ở trẻ em
Viêm da dầu thường xảy ra ở trẻ dưới 3 tháng tuổi và có xu hướng thuyên giảm khi trẻ đủ 6 – 12 tháng. Bệnh chủ yếu gây thương tổn ở da đầu và thường được dân gian gọi là “cứt trâu”.
- Xuất hiện các mảng da dày màu trắng, vàng hoặc nâu ở vùng da đầu
- Mảng da dính chặt vào vùng da đầu, khó bong và có xu hướng lan tỏa
- Thương tổn da thường không gây ngứa hay khó chịu
- Da đỏ
- Bong vảy vàng, ẩm, nhờn và dính
- Bề mặt da có nhiều vảy tiết
Ở người lớn
Đối với người trưởng thành, biểu hiện của bệnh viêm da dầu sẽ có sự thay đổi khác nhau. Viêm da dầu thường xuất hiện ở những vùng bã nhờn hoạt động mạnh như vùng chữ T trên gương mặt, vị trí sau tai, vùng da đầu, vùng trán,… Tại những vị trí mắc viêm da dầu, vùng da thường xuất hiện vết ửng đỏ, vảy khô và nhờn kết hợp. Nếu viêm da dầu xuất hiện ở trên những vị trí như phần ngực, lưng, rìa mái tóc thường sẽ có các đường viền màu đỏ tươi phân biệt với vùng da bình thường xung quanh.
Trong một số trường hợp, người bệnh sẽ cảm thấy ngứa tại vùng bị viêm, đặc biệt là vào mùa thu-đông. Tình trạng bệnh dễ tái phát thường xuyên. Nếu không được điều trị kịp thời bệnh sẽ trở nên mạn tính và biến chứng nguy hiểm hơn.
Nguy cơ dễ mắc phải tình trạng viêm da tiết bã
Viêm da tiết bã là một bệnh khá phố biến. Bất kỳ ai cũng có thể mắc bệnh, đặc biệt là những người mắc bệnh về thần kinh hoặc có hệ miễn dịch yếu. Các yếu tố sau sẽ khiến bạn tăng nguy cơ mắc viêm da tiết bã, bao gồm:
- Mắc bệnh Parkinson hoặc bệnh trầm cảm.
- Hệ thống miễn dịch suy yếu, chẳng hạn người đã từng được ghép tạng, hoặc người mắc HIV/AIDS, viêm tụy do rượu và một số bệnh ung thư khác.
- Suy tim xung huyết.
- Bệnh nội tiết dẫn đến bệnh béo phì như bệnh tiểu đường.
- Một số loại thuốc.
- Gãi hoặc bất kỳ nguyên nhân nào làm cho làn da trên khuôn mặt của bạn bị tổn hại sẽ khiến bạn có nguy cơ cao mắc viêm da tiết bã.
Chẩn đoán bệnh viêm da tiết bã như thế nào?
Viêm da tiết bã nhờn được chẩn đoán chủ yếu dựa vào đặc điểm lâm sàng (thương tổn da, thời điểm khởi phát, vị trí ảnh hưởng,…). Bên cạnh đó bác sĩ có thể đề nghị thực hiện một số xét nghiệm cận lâm sàng như nuôi cấy và soi trực tiếp để xác định sự hiện diện của vi nấm Malassezia.
Cách điều trị bệnh viêm da tiết bã hiệu quả
Việc điều trị tùy thuộc vào vị trí bạn bị viêm da và mức độ nặng của triệu chứng nặng. Dầu gội đầu đặc trị thường được sử dụng cho cả trẻ sơ sinh và người lớn bị viêm da tiết bã ở đầu. Nếu vảy không mềm, bạn có thể dùng một vài giọt dầu khoáng chà lên da đầu trước khi gội đầu.
Trường hợp nặng, bác sĩ có thể kê toa cho bạn các loại dầu gội và kem bôi có chứa liều mạnh các chất selenium sulfide, ketoconazole hoặc corticosteroid. Bác sĩ cũng có thể kê toa một loại kem có chứa chất điều hòa miễn dịch để điều trị viêm.
Một số cách phòng ngừa bệnh viêm da tiết bã mà bạn cần biết
Các biện pháp chăm sóc đối với bệnh viêm da tiết bã, bao gồm:
- Gội đầu thường xuyên bằng các dầu gội đặc trị hoặc các sản phẩm dịu nhẹ để loại bỏ vảy bong. Đồng thời nên sấy khô tóc hoàn toàn để giảm tình trạng da tiết nhiều dầu và bong vảy trắng.
- Thay đổi các sản phẩm chăm sóc da nếu các sản phẩm này chứa nhiều xà phòng và thành phần dễ gây kích ứng.
- Ngưng tạo kiểu và sử dụng hóa chất lên tóc trong thời gian bệnh bùng phát mạnh.
- Mặc quần áo thông thoáng, có chất liệu mềm và thấm hút để tránh ma sát và kích thích da bài tiết nhiều mồ hôi.
- Hạn chế căng thẳng, stress và mất ngủ. Các yếu tố này có thể kích thích triệu chứng của bệnh bùng phát mạnh và nặng nề hơn.
- Nên ăn uống điều độ, nghỉ ngơi hợp lý và luyện tập thường xuyên để tăng cường sức đề kháng và hỗ trợ ức chế căn nguyên của bệnh.
- Thường xuyên dưỡng ẩm cho da với các sản phẩm dịu nhẹ để hạn chế tình trạng da khô ráp, bong tróc,…
- Nếu thương tổn gây ngứa, nên chườm lạnh, dưỡng ẩm hoặc sử dụng thuốc. Tuyệt đối không chà xát và gãi lên vùng da bị bệnh. Thói quen này có thể khiến da bị trầy xước, chảy máu và viêm nhiễm.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ?
Bạn nên đến gặp bác sĩ nếu bạn:
- Cảm thấy khó chịu đến nỗi mất ngủ hoặc không thể tập trung làm những công việc hằng ngày.
- Bối rối và lo lắng nhiều về bệnh của mình.
- Bạn nghi ngờ da của mình bị nhiễm trùng.
- Tự điều trị ở nhà nhưng bệnh không thuyên giảm.
Nguồn: Mayoclinic.org, Healthline.com, Hellobacsi.com