Dị ứng ánh sáng mặt trời là bệnh gì?
Dị ứng ánh sáng mặt trời hay còn có tên gọi khác là nhạy cảm ánh sáng mặt trời. Tình trạng này xảy ra khi hệ miễn dịch của cơ thể phản ứng quá mức với ánh sáng mặt trời.
Dị ứng ánh sáng mặt trời là tình trạng phát ban đỏ ngứa trên da do tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Các hình thức phổ biến nhất của dị ứng ánh nắng mặt trời là phát ban đa dạng do ánh sáng hay còn gọi là ngộ độc ánh sáng mặt trời.
Nó có thể vô căn hoặc xảy ra sau khi tiếp xúc với một số loại thuốc hoặc hóa chất hoặc dị ứng. Đôi khi nó là đặc điểm của bệnh hệ thống (ví dụ như lupus ban đỏ hệ thống, porphyria, pellagra, khô da sắc tố).
[elementor-template id="263870"]
Những trường hợp nhẹ của dị ứng ánh nắng mặt trời có thể tự hết mà không cần điều trị. Trường hợp nặng có thể được điều trị bằng các loại kem steroid hoặc thuốc. Những người bị tình trạng nghiêm trọng cần các biện pháp phòng ngừa và mặc quần áo chống nắng.
Phân loại dị ứng ánh sáng mặt trời
Có 4 loại dị ứng ánh sáng mặt trời, bao gồm:
Phát ban đa dạng do ánh sáng (Polymorphic light eruption – PMLE)
Đây là thể dị ứng ánh sáng mặt trời thường gặp nhất. Ở Mỹ, khoảng 10-15% dân số bị ảnh hưởng. Thể này gặp ở nữ nhiều hơn nam và thường bắt đầu ở tuổi vị thành niên. PMLE thường biểu hiện phát ban gây ngứa, đỏ và có thể xuất hiện dưới dạng bóng nước. Triệu chứng thường xuất hiện vài giờ sau khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời.
Sẩn ngứa do ánh nắng (Actinic prurigo)
Đây là thể dị ứng ánh sáng mặt trời do di truyền. Các triệu chứng thường nặng hơn các dạng khác. Ở trẻ em, triệu chứng có thể lành tính hơn. Thể dị ứng này gặp ở tất cả các chủng tộc.
Phản ứng dị ứng ánh sáng (Photoallergic reaction)
Thể này xảy ra khi các chất bôi lên da phản ứng với ánh sáng. Các chất này có thể là thuốc, kem chống nắng, mỹ phẩm và nước hoa. Triệu chứng có thể xảy ra sau 2-3 ngày sau khi bôi lên da.
Nổi mề đay do ánh sáng mặt trời (Solar urticaria)
Thể dị ứng này hiếm gặp và có tình trạng nổi mề đay. Mề đay có thể xuất hiện chỉ sau vài phút tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Nó ảnh hưởng chủ yếu phụ nữ trẻ. Triệu chứng xuất hiện từ nhẹ cho đến nặng và nặng nề nhất có thể vào sốc phản vệ đe dọa tính mạng.
Nguyên nhân gây bệnh dị ứng ánh sáng mặt trời
Các nhà khoa học cho rằng chính tia cực tím trong ánh nắng mặt trời là thủ phạm. Khi tia cực tím xuyên qua da sẽ làm tổn thương tế bào. Làm biến đổi tính chất của một số protein trong tế bào. Các protein sau khi bị biến đổi tính chất hóa lý sẽ trở thành “protein lạ” hay là các kháng nguyên đối với cơ thể.
Do vậy, hệ miễn dịch của cơ thể sẽ sinh kháng thể để chống lại và phản ứng dị ứng xảy ra.
Ngoài ra, có một số trường hợp người bệnh sử dụng thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm, thuốc giảm đau trong thời gian dài hoặc thường xuyên tiếp xúc với một số loại hóa chất sẽ làm tăng sự nhạy cảm của da đối với ánh sáng mặt trời.
Bệnh dị ứng ánh sáng còn được cho là có liên quan tới gen. Những người da trắng, da vàng thường có làn da mỏng hơn và nhạy cảm hơn so với người da màu. Nên dễ bị dị ứng với ánh sáng mặt trời hơn.
Chính vì đã có sự khác biệt về gen nên căn bệnh này cũng có thể là một bệnh di truyền. Nếu bố mẹ bị dị ứng, thì có khả năng cao con cái cũng sẽ mắc chứng bệnh dị ứng bẩm sinh tương tự.
Đối tượng của dị ứng ánh mặt trời
Dị ứng ánh sáng mặt trời là một dị ứng hiếm gặp. Người đầu tiên được phát hiện có các dấu hiệu tại thời điểm bùng phát có độ tuổi trung bình là 35 tuổi. Tuy vậy, nó có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, thậm chí có thể ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh.
Dị ứng ánh sáng mặt trời có thể xảy ra ở mọi người thuộc mọi chủng tộc, mặc dù tình trạng này có thể phổ biến hơn ở người da trắng.
Triệu chứng và dấu hiệu của dị ứng ánh sáng mặt trời
Các biểu hiện trên vùng da bị ảnh hưởng có thể rất khác nhau. Tùy thuộc vào các rối loạn gây ra. Các dấu hiệu có thể bao gồm:
- Đỏ
- Ngứa hoặc đau
- Va chạm nhẹ có thể tạo thành các mảng sẩn trên da
- Tạo vảy, đóng vảy cứng hoặc chảy máu
- Vết phồng rộp hoặc phát ban
Các dấu hiệu và triệu chứng thường chỉ xảy ra trên da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Thường phát triển trong vòng vài phút đến vài giờ sau khi tiếp xúc. Bạn cũng có thể gặp các triệu chứng không được đề cập trên, tùy theo cơ địa mỗi người.
Dị ứng ánh sáng mặt trời có nguy hiểm không?
Dị ứng ánh sáng mặt trời là bệnh lành tính, bệnh không gây tử vong. Chủ yếu tác động về mặt thẩm mỹ, ảnh hưởng đến sinh hoạt và cản trở công việc của người bệnh.
Bác sĩ chẩn đoán bệnh như thế nào?
Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể đưa ra chẩn đoán chỉ bằng cách nhìn tổn thương trên da. Trong những trường hợp chẩn đoán không rõ, các xét nghiệm sau đây có thể giúp hỗ trợ chẩn đoán:
- Test đèn tia cực tím (test ánh sáng). Xác định chính xác loại tia cực tím nào gây ra phản ứng dị ứng. Có thể định hướng loại dị ứng ánh sáng mặt trời mà bạn đang gặp.
- Test áp bì. Trong test này, một miếng dán có chứa các chất gây nhạy cảm dán trực tiếp lên da, thường là ở lưng. Một ngày sau, 1 trong các vùng da sẽ được chiếu đèn tia cực tím. Nếu phản ứng xảy ra chỉ ở vùng da tiếp xúc ánh sáng, chất gây nhạy cảm có thể là nguyên nhân.
- Xét nghiệm máu và sinh thiết da. Các xét nghiệm này trong đa số trường hợp thường không cần thiết. Nếu bác sĩ nghi ngờ các triệu chứng của bạn do 1 nguyên nhân khác như Lupus gây ra, các xét nghiệm này sẽ có ích trong việc chẩn đoán.
Cách điều trị bệnh dị ứng ánh sáng mặt trời
Hiện nay, trên thế giới vẫn chưa có phương pháp điều trị tận gốc nhưng có thể sử dụng một số loại thuốc có chứa corticoid, thuốc kháng histamin để hạn chế hoạt động của hệ miễn dịch.
Biện pháp chiếu tia cực tím ở vùng da nhạy cảm để chúng quen với việc tiếp xúc với ánh sáng mặt trời cũng được áp dụng và cho kết quả khá khả quan. Điều này có thể làm bạn bớt nhạy cảm, nhưng tác dụng có thể không kéo dài.
Đôi khi, dị ứng ánh nắng mặt trời sẽ tự biến mất. Điều trị phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Tránh ánh nắng mặt trời có thể giải quyết các triệu chứng nếu phản ứng của bạn nhẹ.
Trong những trường hợp nhẹ, bác sĩ có thể kê toa thuốc kháng histamin để làm dịu các phát ban hoặc kem không cần toa như lô hội hoặc dung dịch calamine.
Nếu phản ứng của bạn trở nên nghiêm trọng, bác sĩ có thể khuyên dùng các thuốc như:
- Montelukast (singulair), thường được dùng để điều trị hen suyễn
- Corticosteroid
- Hydroxychloroquine (Plaquenil), một loại thuốc chống sốt rét


Các biện pháp phòng bệnh có hay không?
Một số biện pháp phòng bệnh bạn có thể áp dụng bao gồm:
- Tránh mặt trời vào những giờ đỉnh điểm.
- Tránh tiếp xúc quá nhiều ánh sáng một cách đột ngột. Nhiều người có triệu chứng dị ứng khi tiếp xúc với quá nhiều ánh sáng vào mùa xuân hoặc hè.
- Từ từ tăng dần thời gian bạn ra ngoài trời để tế bào da của bạn có thời gian thích nghi với ánh sáng.
- Mang kính mát và quần áo che chắn kĩ. Áo tay dài và mũ rộng vành có thể giúp bảo vệ da khỏi ánh sáng. Tránh mặc các loại vải mỏng và thưa vì tia cực tím có thể xuyên qua chúng.
- Sử dụng kem chống nắng thường xuyên, thoa lại mỗi 2 giờ hoặc ngắn hơn nếu bạn đi bơi hoặc đổ mồ hôi nhiều.
- Tránh các yếu tố kích hoạt dị ứng đã biết. Nếu bạn đã biết những chất gây ra phản ứng da của bạn, hãy tránh tiếp xúc với chúng.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Dị ứng ánh sáng mặt trời xảy ra khi hệ miễn dịch phản ứng với ánh sáng. Nguyên nhân có thể do di truyền hoặc tiếp xúc với các loại thuốc hoặc chất gây dị ứng. Triệu chứng tùy thuộc vào loại dị ứng ánh sáng mặt trời. Bệnh lành tính không gây tử vong. Chủ yếu ảnh hưởng thẩm mỹ và gây cản trở cuộc sống hằng ngày của người bệnh.
Bài viết đã cung cấp cho bạn thông tin cơ bản về bệnh dị ứng ánh sáng mặt trời. Hy vọng giúp bạn có thể bổ sung kiến thức nhằm phát hiện được bệnh sớm hoặc phòng tránh các nguy cơ tiềm ẩn. Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo. Không thể bằng lời khuyên của bác sĩ chuyên khoa. Nếu bạn đang có các dấu hiệu nghi ngờ hãy đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để thăm khám và điều trị kịp thời bạn nhé.
Các bài viết liên quan:
- Top 5 phòng khám da liễu uy tín quận 10
- 6 Cách điều trị khi bạn đang trong tình trạng CHÁY NẮNG
- Bệnh da do ánh nắng – Bệnh viện Da liễu
Nguồn tham khảo: Tổng hợp