Đăng ký Bảo Việt An GiaĐăng ký Bảo Việt An GiaĐăng ký Bảo Việt An Gia

Mách bạn 5 cách chữa viêm loét dạ dày tại nhà

Mách bạn 5 cách chữa viêm loét dạ dày tại nhà

Viêm loét dạ dày là căn bệnh diễn tiến thường chậm nhưng lại hay đeo bám dai dẳng. Vậy cách chữa viêm loét dạ dày tại nhà cần dựa trên cơ sở khoa học gì? Những cách chữa viêm loét dạ dày tại nhà nào hiệu quả và dễ thực hiện?

Mời bạn cùng tìm hiểu qua những hướng dẫn được MedPlus chọn lọc và tổng hợp sau đây nhé.

Bạn đã biết gì về bệnh viêm loét dạ dày?

Viêm loét dạ dày (dân gian hay gọi là đau bao tử) là tình trạng có những vết loét hình thành trên niêm mạc, lớp bao phủ bên trong dạ dày. Người bệnh thường nhận biết được mình bị viêm loét dạ dày khi bắt đầu xuất hiện những cơn đau quặn, kèm theo cảm giác nóng rát, cồn cào vùng trên rốn (thượng vị) thường xuyên. Đau nhiều hơn khi bụng trống, kéo dài từ vài phút đến vài giờ tùy vào mức độ bệnh. Ngoài ra, viêm loét dạ dày có thể ảnh hưởng hoạt động tiêu hóa gây khó tiêu, đầy bụng, ợ hơi.

Viêm loét dạ dày là bệnh tương đối phổ biến. Càng điều trị sớm, bệnh càng dễ khỏi và tránh được nhiều biến chứng nguy hiểm như xuất huyết dạ dày, thủng dạ dày, sẹo dạ dày gây chít hẹp đường tiêu hóa và ung thư.

Việc điều trị viêm loét dạ dày tập trung vào giảm thiểu các tác nhân gây viêm loét (vi khuẩn H. Pylori, axit tiêu hóa), đồng thời tạo điều kiện để niêm mạc dạ dày hồi phục bằng cách tạo lớp phủ bảo vệ và kích thích tái tạo các lớp mô.

Có những cách chữa viêm loét dạ dày tại nhà nào đơn giản và hiệu quả? Mời bạn cùng tiếp tục tìm hiểu.

Những nguyên tắc và cách chữa viêm loét dạ dày tại nhà

Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong cách chữa viêm loét dạ dày tại nhà

viem loet da day 5 1 - Medplus

Mặc dù thức ăn không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra các vết loét cho niêm mạc dạ dày như quan niệm phổ biến. Thực tế, chế độ ăn phù hợp là một trong những yếu tố cần thiết cơ bản nhất để hạn chế tổn thương lan rộng và kích thích vết loét mau lành.

  • Chú trọng bổ sung chất xơ, vitamin và flavonoid, có nhiều trong các loại rau củ quả và ngũ cốc nguyên hạt. Bạn nên ăn nhiều các thức ăn giàu vitamin A và chất xơ hòa tan. Cung cấp các flavonoid bằng cách ăn đa dạng thức ăn như tỏi, hành, các loại trái cây và rau củ với màu sắc khác nhau.
  • Uống vừa phải các loại trà như trà xanh, trà trắng, trà ô long và trà đen để giúp hỗ trợ, kìm hãm vi khuẩn H. Pylori gây viêm loét dạ dày.
  • Không nên uống cà phê (dù đã được tách caffeine) và thức uống có cồn. Trong khi cà phê làm tăng tiết axit dạ dày, chất cồn gây bào mòn lớp chất nhầy vốn được tiết ra để bảo vệ niêm mạc khỏi các axit và enzyme tiêu hóa này.
  • Giới hạn tiêu thụ thức ăn cay và chua trong thời gian điều trị viêm loét dạ dày để tránh gây cảm giác khó chịu và kích ứng cho niêm mạc.

Cần duy trì giờ giấc ăn uống cố định như cơ thể đã quen để tránh tác hại của axit dạ dày.

Chữa viêm loét dạ dày tại nhà: Cần điều chỉnh gì trong thói quen sinh hoạt?

Người bị viêm loét dạ dày cần chú ý những thói quen trong sinh hoạt sau để hỗ trợ việc điều trị đạt hiệu quả:

  • Kiểm soát căng thẳng: Stress làm tăng nguy cơ bị viêm loét dạ dày và làm bệnh trầm trọng hơn. Chữa viêm loét dạ dày tại nhà cần kiểm soát stress bằng cách kết hợp làm việc, nghỉ ngơi và vận động thể chất điều độ.
  • Không hút thuốc: Khói thuốc lá kích thích dạ dày tiết nhiều axit và làm suy thoái lớp niêm mạc bảo vệ.
  • Chú ý các loại thuốc NSAID đang sử dụng: Sử dụng thường xuyên và kéo dài NSAID (ví dụ aspirin, ibuprofen, naproxen…) là một yếu tố nguy cơ lớn gây ra bệnh viêm loét dạ dày. Bạn cần báo cho bác sĩ tình trạng bệnh lý dạ dày nếu đang sử dụng các thuốc này hoặc bất kỳ loại thuốc nào khác để có những điều chỉnh cần thiết.

Những dược liệu dùng trong cách chữa viêm loét dạ dày tại nhà

Nghệ và mật ong

Ngoài chất đường, mật ong giàu các chất chống oxy hóa có công dụng kháng khuẩn và kích thích vết loét nhanh lành. Hoạt chất curcumin trong nghệ có nhiều đặc tính trong y học như kháng viêm, làm bền thành mạch máu, thúc đẩy tiết chất nhầy niêm mạc để bảo vệ dạ dày.

  • Hòa 2 – 4 g tinh bột nghệ (1 muỗng cà phê) với 14 ml mật ong (1 muỗng canh) vào nước ấm.
  • Nên chia lượng nghệ và mật ong trên thành 3 phần uống trong ngày.

Chè dây

Chè dây (Ampelopsis Cantoniensis) là một loại dược liệu được dùng nhiều ở vùng núi phía Bắc. Các nghiên cứu hiện tại cho thấy dược liệu này có khả năng làm giảm tiết axit dạ dày, giảm đau, kháng viêm và kháng khuẩn đối với H. Pylori. Bài thuốc dân gian cho thấy dùng chè dây chữa viêm loét dạ dày tại nhà cho hiệu quả tốt.

  • Dùng toàn thân (lá, cành) lúc cây chưa ra hoa, cắt nhỏ phơi khô
  • Mỗi ngày sắc nước từ 30 – 50 g chè dây
  • Uống liên tục trong 2 – 3 tuần, ngưng vài ngày và lặp lại.

Cây dạ cẩm

Cây dạ cẩm (Hedyotis capitellata) tính bình, vị ngọt hơi đắng. Là vị thuốc y học cổ truyền có tác dụng thanh nhiệt, giảm đau, tiêu viêm, cây dạ cẩm thường được dùng để trị loét miệng và viêm loét dạ dày – tá tràng.

  • Sắc 20 – 25 g lá và ngọn khô trong một lít nước
  • Khi thuốc sôi tiếp tục đun nhỏ lửa trong 10 phút
  • Chia thành 3 lần uống trong ngày, uống khi bụng đói hoặc dạ dày đau
  • Có thể thêm mật ong cho ngọt nhẹ dễ uống và tăng hiệu quả điều trị.

Nha đam (lô hội)

Nha đam (lô hội) là nguyên liệu quen thuộc trong làm đẹp, chữa bệnh và thực phẩm. Nha đam giàu chất xơ, các vitamin B, C, E… tốt cho hệ tiêu hóa. Ngoài ra, nghiên cứu cho thấy một số glycoprotein trong loại cây này có công dụng kháng khuẩn và giảm tiết axit dạ dày, hỗ trợ làm lành vết loét. Cách chữa viêm loét dạ dày tại nhà bằng nha đam như sau:

  • Xay phần thịt lá nha đam tươi với một ít nước cho loãng, uống một ly nhỏ trước mỗi bữa ăn 20 phút.
  • Nước nha đam đường phèn cũng cho hiệu quả rất tốt với bệnh viêm loét dạ dày.
  • Nha đam nhuận trường, vì vậy nên uống 2 – 3 ngày liên tục và dừng lại vài ngày rồi mới tiếp tục.

Cỏ mực (nhọ nồi)

Nhọ nồi (hay cỏ mực ) là cây thuốc nam rất thân quen với tác dụng thanh nhiệt, cầm máu, tiêu viêm. Tính hàn, vị ngọt hơi chua, cỏ mực được sử dụng để hạ sốt, trị nhiệt miệng, điều kinh, thúc đẩy vết thương nhanh lành. Cách chữa viêm loét dạ dày tại nhà bằng cỏ mực như sau:

  • Một nắm thân và lá nhọ nồi rửa và ngâm với nước muối loãng để sạch bụi bẩn và vi khuẩn.
  • Xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố với một ít nước.
  • Lọc bỏ bã, phần nước uống nhiều lần trong ngày khi bụng trống.

Áp dụng các cách chữa viêm loét dạ dày tại nhà: Cần lưu ý những gì?

viem loet da day 4 1 - Medplus

Ngoài nguyên tắc ăn uống và sinh hoạt đã nói là áp dụng chung cho mọi cấp độ bệnh viêm loét dạ dày, những cách chữa viêm loét dạ dày tại nhà kể trên phù hợp với bệnh mới phát, chỉ gây nóng rát hoặc đau nhẹ vùng thượng vị.

Trường hợp đau quặn nhiều hoặc nặng hơn có xuất huyết tiêu hóa (đại tiện phân đen), người bệnh cần đi khám càng sớm càng tốt để được điều trị đúng với tình trạng, hạn chế bệnh kéo dài khó chữa và nguy hiểm cho sức khỏe.

Lưu ý là: Trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và cho con bú, người có bệnh nền cũng như bệnh nhân viêm loét dạ dày đang được điều trị cần tham khảo trước với bác sĩ nếu muốn áp dụng các bài thuốc chữa viêm loét dạ dày tại nhà, để đảm bảo an toàn.

Mong rằng bạn đọc đã tìm thấy được những thông tin hữu ích về cách chữa viêm loét dạ dày tại nhà gồm những nguyên tắc và bài thuốc gợi ý trên đây để sớm chia tay với căn bệnh phiền toái nhưng không hẳn là bất trị này.

Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.

Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất:

Related Posts

Next Post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *