Thiếu máu là bệnh gì?
Thiếu máu là bệnh thường gặp, thiếu máu nhẹ thường không có triệu chứng và được phát hiện tình cờ qua kiểm tra sức khỏe hoặc xét nghiệm một bệnh lý khác. Thiếu máu nặng, nghiêm trọng sẽ ảnh hưởng rõ rệt đến sức khỏe của bạn. Thông thường bạn sẽ cảm thấy mệt mỏi khi gắng sức hoặc khi thực hiện các công việc hàng ngày, mất tập trung, da xanh xao nhợt nhạt.
Thiếu máu là một tình trạng trong đó không có đủ tế bào hồng cầu khỏe mạnh để vận chuyển đầy đủ oxy đến các mô. Thiếu máu xảy ra khi một số lượng hồng cầu lưu thông trong cơ thể giảm đi. Đây là tình rối loạn máu phổ biến nhất.
Nguyên nhân gây ra bệnh thiếu máu là gì?
Theo một bài báo năm 2015 trên tờ The Lancet, khoảng 1/3 dân số thế giới có ít nhất một dạng thiếu máu. Thiếu máu thường xảy ra do các vấn đề về sức khỏe khác tác động vào quá trình cơ thể sản xuất các tế bào hồng cầu khỏe mạnh (RBCs). Hoặc tăng tỷ lệ phá hủy hoặc mất các tế bào này.
Có nhiều nguyên nhân gây ra bệnh thiếu máu. Các nhóm nguyên nhân chính gây ra thiếu máu ở người:
Thiếu máu do giảm sản xuất máu tại tủy xương
Thiếu máu thiếu sắt
Do những bệnh lý gây mất máu
Như giun móc, viêm loét dạ dày, cường kinh, rong huyết ở phụ nữ, u chảy máu trĩ…
Thiếu máu do thiếu acid folic
Thường gặp ở những bệnh nhân nghiện rượu, kém hấp thu, sử dụng thuốc ngừa thai…
Thiếu máu do thiếu vitamin B12
Gặp do cắt đoạn dạ dày, thiểu năng tuyến tụy, viêm hay cắt đoạn hồi tràng
Do bất thường di truyền
Bất thường trong cấu tạo chuỗi Hemoglobin hồng cầu, dẫn đến thời gian sống của hồng cầu rút ngắn gây ra bệnh Thalassemia, thường gặp hai thể bệnh là beta- thalassemia và alpha- thalassemia.
Thiếu máu do tán huyết miễn dịch
Do trong cơ thể tồn tại kháng thể bất thường chống lại hồng cầu, làm hồng cầu bị vỡ gây nên hiện tượng thiếu máu.
Thiếu máu do suy tủy xương
Do tình trạng tủy xương không sản xuất đủ tế bào máu cần thiết cho cơ thể, nguyên nhân do nhiễm trùng , hóa chất, tia xạ, di truyền hay không rõ nguyên nhân gây ra.
Thiếu máu do suy thận mạn
Suy thận mạn gây ra hiện tượng giảm tế bào cạnh cầu thận, làm cho lượng Erythropoietin giảm thấp.
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh thiếu máu
Các yếu tố nguy cơ của hiện tượng thiếu máu là:
- Chế độ dinh dưỡng không đầy đủ, thiếu sắt, vitamin B12, folate.
- Rối loạn đường ruột: tình trạng này dẫn đến sự hấp thu kém các chất dinh dưỡng trong ruột non gây nên thiếu máu.
- Phụ nữ trong thời kỳ kinh nguyệt có thể gây ra thiếu hồng cầu, dẫn đến tình trạng thiếu máu.
- Phụ nữ trong quá trình mang thai có nguy cơ thiếu máu thiếu sắt do lượng sắt phải được dự trữ cho khối lượng máu tăng lên để cung cấp hemoglobin cho bào thai.
- Bệnh nhân mắc các bệnh mãn tính như ung thư, suy thận, suy gan cũng là nguy cơ của thiếu máu.
- Tiền sử gia đình mắc các bệnh máu di truyền cũng là nguy cơ gây nên tình trạng thiếu máu.
Những yếu tố khác như tiền sử nhiễm trùng, bệnh về máu, rối loạn tự miễn, nghiện rượu. Hóa chất độc hại và sử dụng thuốc cũng ảnh hưởng đến sự sản xuất hồng cầu, gây hiện tượng thiếu máu trên bệnh nhân
Triệu chứng cho thấy bạn đang bị thiếu máu
Một số các dấu hiệu thường thấy ở bệnh nhân thiếu máu:
- Thiếu máu cấp: Là tình trạng tức thì, thường do nguyên nhân mất máu đột ngột với số lượng đáng kể, người bệnh sẽ biểu hiện nhiều triệu chứng rầm rộ: Chóng mặt, hoa mắt, khó thở, đau ngực, đánh trống ngực, mạch nhanh, huyết áp tụt. Đây là tình trạng cần phải cấp cứu, có thể dẫn đến tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
- Thiếu máu mạn tính: là tình trạng diễn tiến âm ỉ từ từ, do cơ thể đã có sự thích nghi dần nên biểu hiện các triệu chứng ít nổi bật hơn. Nhưng các cơ quan vẫn biểu hiện: Xanh xao, hay mệt mỏi uể oải, kém tập trung, hay quên, vận động thể lực kém, tóc gãy rụng. Móng giòn dễ gãy, suy giảm khả năng tình dục, chậm phát triển thể chất trí tuệ ở trẻ em…
- Các triệu chứng do bệnh lý nguồn gốc gây ra: Chảy máu, vàng da, tê bì tay chân, gan lách to, nổi hạch…
Thiếu máu nặng hoặc kéo dài có thể tổn thương tim, não và các cơ quan khác trong cơ thể bạn. Thậm chí tình trạng thiếu máu rất nghiêm trọng có thể gây tử vong.
Chẩn đoán bệnh thiếu máu
Để chẩn đoán thiếu máu, bác sĩ có thể sẽ kiểm tra máu của bạn. Nếu bạn bị thiếu máu, bác sĩ có thể cần phải làm các xét nghiệm khác để tìm hiểu nguyên nhân gây ra nó. Một số trường hợp có thể biểu hiện các triệu chứng rõ ràng như đã nêu, nhưng đối với mức độ nhẹ thì có thể phát hiện được bằng xét nghiệm phân tích máu. Đây là công cụ cơ bản để khẳng định và phân mức độ của người bệnh.
Cách điều trị bệnh thiếu máu
Có nhiều phương pháp điều trị thiếu máu với mục đích chính để tăng số lượng hồng cầu từ đó làm tăng lượng oxy trong máu. Sau đây là các phương pháp điều trị cho một số loại thiếu máu:
Thiếu máu do thiếu sắt
Bổ sung sắt và thay đổi chế độ ăn uống có thể cải thiện tình trạng. Với các vấn đề do mất máu, bác sĩ sẽ xác định và điều trị nguyên nhân gây chảy máu quá nhiều.
Thiếu máu do thiếu vitamin
Phương pháp điều trị có thể bao gồm thay đổi chế độ ăn uống và bổ sung vitamin B-12.
Bệnh Thalassemia
Phương pháp điều trị bao gồm bổ sung axit folic, thải loại sắt. Đối với một số người, truyền máu và ghép tủy xương có thể cần thiết.
Thiếu máu do bệnh mãn tính
Tập trung vào giải quyết nguyên nhân chính gây ra thiếu máu.
Thiếu máu bất sản
Điều trị bao gồm truyền máu hoặc ghép tủy xương.
Thiếu máu hồng cầu hình liềm
Liệu pháp oxy, thuốc giảm đau và truyền dịch, có thể bao gồm kháng sinh, bổ sung axit folic, truyền máu và thuốc trị ung thư.
Thiếu máu tán huyết
Kế hoạch điều trị có thể bao gồm thuốc ức chế miễn dịch, điều trị nhiễm trùng và lọc huyết tương, lọc máu.
Các phương pháp ngăn ngừa bệnh thiếu máu
Thiếu hụt dinh dưỡng là một trong những nguyên nhân gây thiếu máu. Nhiều loại bệnh thiếu máu không thể ngăn ngừa được. Tuy nhiên, có thể giúp tránh được bệnh thiếu máu thiếu sắt và thiếu máu thiếu vitamin bằng cách ăn uống lành mạnh và đa dạng Những thực phẩm sau đây có nhiều chất sắt:
- Ngũ cốc và bánh mì tăng cường chất sắt
- Các loại rau lá xanh như cải xoăn, rau bina và cải xoong
- Gạo lứt, đậu
- Các loại thịt, cá, trứng
- Các loại hạt
- Đậu hũ
- Trái cây sấy khô.
Chủ động thăm khám nếu có các dấu hiệu bất thường xảy ra để sớm được bác sĩ tư vấn và điều trị. Bác sĩ có thể kê đơn bổ sung sắt hoặc vitamin tổng hợp có chứa sắt cho những người có yêu cầu sắt cao. Nhưng bổ sung sắt thích hợp chỉ khi cần chất sắt hơn chế độ ăn uống cân bằng có thể cung cấp. Đừng nghĩ rằng nếu đang mệt mỏi, chỉ đơn giản cần phải bổ sung chất sắt. Quá tải sắt có thể nguy hiểm.
Khi nào bạn cần gặp bác sĩ
Thiếu máu là một bệnh nguy hiểm cần được điều trị sớm. Nếu kéo dài có khả năng tử vong cao. Các triệu chứng hằng ngày cũng gây rất nhiều phiền toái và khó khăn cho bệnh nhân.
Trong mọi trường hợp sử dụng thuốc, nên có tham vấn của bác sĩ. Tuyệt đối không tự ý sử dụng thuốc để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Bài viết đã cung cấp thông tin cơ bản về căn bệnh thiếu máu. Tuy nhiên, các thông tin chỉ mang tính chất tham khảo. Không thể bằng chẩn đoán của bác sĩ chuyên khoa. Hãy đến bác sĩ ngay nếu bạn cảm thấy sức khỏe của mình đang có vấn đề bạn nhé.
Các bài viết liên quan:
- Thực phẩm cho bà bầu bị thiếu máu. Bị thiếu máu khi mang thai ăn gì?
- Những địa chỉ khám huyết học hàng đầu huyện Củ Chi
Nguồn tham khảo: Pacific Cross, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương, Sở Y tế tỉnh Nam Định