Cườm nước là bệnh gì?
Bệnh cườm nước hay còn gọi Glaucoma là nguyên nhân thứ hai gây mù lòa trên thế giới sau bệnh đục thể thủy tinh. Tuy nhiên, không giống như bệnh đục thể thủy tinh, tình trạng mất thị lực do bệnh glaucoma phần lớn không thể phục hồi. Một đánh giá của năm 2014 về tỷ lệ mắc bệnh glaucoma trên toàn thế giới ở những người có độ tuổi từ 40-80 cho thấy khoảng 2.5% người mắc bệnh là ở các quốc gia Châu Á.
Glaucoma là một nhóm các bệnh gây tổn thương không hồi phục thần kinh thị giác có thể dẫn đến mất thị lực và mù lòa. Các dây thần kinh thị giác là một bó với hơn 1 triệu sợi thần kinh có nhiệm vụ kết nối võng mạc vào não.
Glaucoma thường xảy ra khi chất lỏng trong mắt không thể thoát ra ngoài. Làm tăng áp lực bên trong mắt và gây áp lực lên dây thần kinh thị giác. Bệnh khá phổ biến, tuy nhiên bệnh không có triệu chứng trong giai đoạn đầu, vì thế rất khó nhận ra.
Nguyên nhân gây ra bệnh cườm nước
Bệnh cườm nước không có nguyên nhân rõ ràng nhưng có liên quan đến sự tăng áp lực trong mắt và/hoặc giảm lưu lượng máu nuôi dưỡng dây thần kinh thị giác.
Bệnh này có thể là do bẩm sinh hoặc do tổn thương bên trong mắt. Tăng áp suất thủy dịch có thể dẫn tới bệnh Glaucoma, tuy nhiên không phải ai cũng bị Glaucoma khi mắc chứng tăng áp suất thủy dịch.
Một số nguyên nhân khác có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh Glaucoma bao gồm:
- Tuổi tác: khoảng 10 người trên 75 tuổi có 1 người bị mắc bệnh Glaucoma.
- Dân tộc: những người có nguồn gốc châu Phi, Caribbean hoặc châu Á có nguy cơ cao bị bệnh Glaucoma hơn những người ở nơi khác.
- Di truyền
Đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cườm nước
Chứng tăng nhãn áp có thể ảnh hưởng đến mọi lứa tuổi, kể cả trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nếu không kịp thời phát hiện, điều trị thì trẻ sẽ bị mù vĩnh viễn.
Bệnh cườm nước thường xuất hiện ở người trên 40 tuổi nhưng phổ biến nhất ở người lớn ở độ tuổi 70 và 80, đặc biệt là ở những phụ nữ hay lo nghĩ, căng thẳng.
Bệnh cườm nước là bệnh không lây truyền từ người sang người. Bệnh có yếu tố di truyền. Trong gia đình có người mắc bệnh cườm nước thì những người cùng huyết thống có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 5 – 6 lần.
Bệnh cườm nước không có biểu hiện nhiễm trùng, ở bệnh nhân là người lớn tuổi dễ nhầm lẫn với hiện tượng lão thị. Do đó, bệnh thường được phát hiện muộn, bệnh nhân đến khám khi mắt đã mờ hẳn thì đã quá trễ vì các tổn thương thần kinh thị giác không phục hồi được.
Đối với trẻ sơ sinh, tỷ lệ mắc bệnh cườm nước là 1/25.000 trẻ. Trong đó, cườm bẩm sinh nguyên phát là 1/10.000 và 65% bệnh nhi là con trai.
Phân loại các bệnh cườm nước
Glaucoma góc mở tiên phát
Đây là hình thức phổ biến nhất của bệnh Glaucoma. Người bị bệnh Glaucoma góc mở bị tắc nghẽn không hoàn toàn ở góc thoát thuỷ dịch của mắt khiến tăng áp suất mắt.
Điều này lâu ngày sẽ khiến các dây thần kinh thị giác bị tổn thương. Quá trình này diễn ra từ từ và không gây đau đớn. Điều này khiến bệnh nhân khó nhận biết được triệu chứng bệnh.
Glaucoma góc đóng cấp tính
Glaucoma góc đóng hay tăng nhãn áp góc đóng hay dân gian gọi là thiên đầu thống. Bệnh xảy ra khi góc thoát thuỷ dịch của mắt bị đóng hoàn toàn.
Điều này khiến cho mắt bị gia tăng áp suất đột ngột, rất nguy hiểm cho bệnh nhân. Người bị Glaucoma góc đóng thường đau mắt, đau đầu. Xuất hiện quầng sáng xung quanh khi nhìn vào bóng đèn, buồn nôn…
Khi gặp phải các triệu chứng này, cần đưa người bệnh đi đến bệnh viện ngay.
Glaucoma bẩm sinh
Loại glaucoma này hiếm gặp và xảy ra lúc mới sinh. Mắt của trẻ mở lớn, chảy nước mắt và nhạy cảm bất thường với ánh sáng là các triệu chứng cho thấy cần đưa trẻ đến thăm khám với bác sĩ nhãn khoa.
Glaucoma thứ phát
Glaucoma thứ phát sẽ do các tình trạng khác gây ra như viêm mắt, khối u trong mắt, phẫu thuật mắt, chấn thương mắt hoặc đục thể thủy tinh ở các giai đoạn nghiêm trọng.
Các dạng bệnh Glaucoma
- Hội chứng giả bong bao: giống như tăng nhãn áp góc mở nhưng các chất màu trắng trên thủy tinh thể và góc thoát thủy dịch bị tích tụ bất thường. Những chất này kết hợp với các sắc tố từ phía sau mống mắt khiến kênh thoát thuỷ dịch bị tắc nghẽn.
- Bệnh tăng nhãn áp sắc tố: bệnh thường gặp ở người mắc chứng cận thị hoặc trẻ em. Người bệnh bị tắc kênh thoát thủy dịch của mắt do các hạt sắc tố bị vỡ từ các tế bào lót mặt sau của mống mắt.
Triệu chứng của bệnh cườm nước
Có 2 loại cườm nước: Loại tiến triển nhanh (cấp tính) và loại tiến triển âm thầm, chậm chạp (mạn tính). Có trường hợp bệnh nhân bị cườm nước ở một mắt nhưng cũng có người bị bệnh ở cả hai mắt.
- Dạng tiến triển cấp tính: Người bệnh thấy nhức mắt, nhức nửa đầu. Đôi khi rất dữ dội, có thể kèm theo ói mửa, đau bụng, nhìn thấy các màu giống “cầu vồng”. Hay thị lực giảm sút, mắt đỏ, cảm giác căng cứng, đồng tử giãn nở (con ngươi nở lớn).
- Dạng tiến triển âm thầm thì rất khó biết, thường người bệnh chỉ có cảm giác hơi xốn, mắt mỏi, đôi khi cảm thấy mắt mờ.
Cả hai trường hợp cấp tính hoặc mãn tính, bệnh nhân đều bị tổn thương thần kinh thị giác. Nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng có thể ngăn chặn sự tiến triển của bệnh, bệnh nhân có thể tránh khỏi mất thị lực và thị trường nghiêm trọng.
Đối với trẻ bị bệnh cườm nước. Từ 6 tháng trở lên, thị lực sẽ giảm dần, gia đình dễ phát hiện qua hội chứng mắt trâu, tức mắt của bé sẽ nở to tròn, con ngươi to như mắt trâu.
Chẩn đoán bệnh cườm nước
Bác sĩ nhãn khoa có các dụng cụ chẩn đoán khác nhau để xác định bệnh nhân có bị bệnh glaucoma không ngay cả khi bệnh nhân chưa có bất kỳ triệu chứng gì.
- Kiểm tra thị lực: Thử nghiệm biểu đồ mắt giúp đo lường mức độ nhìn thấy ở những khoảng cách khác nhau.
- Kiểm tra khả năng nhìn ngoại vi giúp bác sĩ xác nhận triệu chứng mất tầm nhìn ngoại vi – một dấu hiệu của bệnh tăng nhãn áp.
- Soi cấu trúc trong mắt: Bác sĩ sử dụng một ống kính lúp đặc biệt để kiểm tra võng mạc và thần kinh thị giác để phát hiện các vấn đề về mắt.
- Đo nhãn áp: Là phép đo áp suất bên trong mắt bằng cách sử dụng một dụng cụ đặc biệt giúp phát hiện bệnh tăng nhãn áp.
- Kiểm tra giác mạc là phương pháp đo độ dày của giác mạc.
Cách điều trị bệnh cườm nước
Điều trị sớm có thể làm chậm sự tiến triển của bệnh. Đó là lý do tại sao chẩn đoán bệnh sớm rất quan trọng. Việc điều trị bệnh cườm nước rất phức tạp, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm. Trước tiên, bác sĩ phải tìm ra nguyên nhân gây bệnh để có phương pháp điều trị thích hợp. Đối với người mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, tim mạch, nếu mắc bệnh cườm nước thì phải điều trị kết hợp. Bệnh nhân hoặc thân nhân phải chủ động cung cấp cho bác sĩ điều trị bệnh cườm nước các thông tin về căn bệnh mãn tính của bệnh nhân.
Các loại thuốc
Dưới dạng thuốc nhỏ mắt hoặc thuốc viên. Làm giảm áp lực cho mắt bằng cách giúp chất lỏng thoát ra từ mắt. Trước khi bắt đầu sử dụng thuốc, phải được sự đồng ý của các bác sĩ chuyên khoa mắt để tránh tác dụng phụ. Vì bệnh tăng nhãn áp thường không có triệu chứng, nên bệnh nhân thường ngưng uống hoặc quên uống thuốc. Nếu quyết định sử dụng thuốc, hãy lên một lịch trình uống thuốc cụ thể.
Phẫu thuật bằng Laser
Bác sĩ sẽ dùng laser argon để tạo hình vùng bè (trabeculoplasty). Quá trình lành vết thương sẽ co kéo lớp sợi collagen vùng bè làm tăng thoát lưu thủy dịch.
Phẫu thuật thông thường
Tạo cho một lỗ hở cho chất dịch ra khỏi mắt. Bác sĩ sử dụng các công cụ phẫu thuật để tạo ra một lỗ nhỏ dưới kết mạc (lớp xung quanh mắt). Các chất lỏng tích tụ có thể chảy qua lỗ, và sau đó hấp thụ vào máu.
Việc phẫu thuật chỉ thực hiện khi điều trị bằng thuốc không hiệu quả. Thường chỉ áp dụng với trường hợp bệnh cấp tính.
Các phương pháp phẫu thuật chỉ nhằm giải quyết nguyên nhân gây bệnh cườm nước.
Sau phẫu thuật bệnh nhân phải duy trì nhãn áp ở mức ổn định. Phải khám mắt định kỳ 3 hoặc 6 tháng/lần. Tốt nhất là dùng máy đo thị trường kế tự động để kiểm tra, theo dõi diễn tiến bệnh lý.
Trường hợp bệnh nhân bị bệnh cườm nước cấp tính (thường chỉ xảy ra ở một bên mắt). Khi đã phẫu thuật thì khả năng bệnh lây sang mắt thứ hai là rất cao. Cần phải được theo dõi thường xuyên.
Các phương pháp ngăn ngừa bệnh cườm nước
Quan trọng nhất trong việc phòng ngừa bệnh glaucoma là thường xuyên theo dõi. Vì dạng bệnh mạn tính tiến triển thầm lặng, thăm khám theo lịch là cơ hội để chẩn đoán sớm. Với người trên 40 tuổi (đặc biệt là phụ nữ), thường xuyên tiếp xúc với máy vi tính và làm việc trong điều kiện căng thẳng tinh thần, nên khám mắt định kỳ 6 tháng/lần.
Viện Hàn lâm Nhãn khoa Hoa Kỳ khuyên bạn nên khám mắt toàn diện với lịch trình như sau:
- Dưới 40 tuổi: Mỗi 5 đến 10 năm/ lần
- Từ 40 – 54 tuổi: Mỗi 2-4 năm/lần
- Từ 55 – 64 tuổi: Mỗi 1-3 năm/ lần
- Trên 65 tuổi: Mỗi 1-2 năm/lần
Với những người có nguy cơ cao, cần bác sĩ tư vấn một lịch trình khám thường xuyên hơn.
Ngoài việc phòng bệnh xảy ra còn ngăn ngừa bệnh có thể tái phát sau khi điều trị. Bệnh nhân phải có chế độ dinh dưỡng, nghỉ ngơi thích hợp. Không dùng thực phẩm có chất kích thích (rượu, bia, cà phê, các chất cay,…). Không thức quá khuya, khi làm việc đừng để có biểu hiện mỏi mắt mới nghỉ ngơi.
Khi nào cần gặp bác sĩ
Trong các loại bệnh ở mắt thì bệnh cườm nước (Glaucoma) là bệnh rất nguy hiểm, dễ gây mù mắt. Vì biểu hiện đa dạng, không cố định nên việc chẩn đoán vẫn còn nhiều khó khăn. Một khi bệnh trở nặng thì không thể lấy lại thị lực đã mất.
Phát hiện bệnh sớm là điều cực kỳ quan trọng. Để sớm phát hiện bệnh cườm nước, khi mắt có triệu chứng người bệnh không tự ý dùng thuốc. Phải đến cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sĩ chỉ định thực hiện các xét nghiệm phù hợp, điều trị bệnh.
Qua bài viết, Medplus đã cung cấp cho các bạn thông tin cơ bản về căn bệnh cườm nước Glaucoma. Trang bị sẵn kiến thức là một bước quan trọng trong việc chăm sóc sức khỏe cho bản thân và gia đình.
Hãy đến ngay bệnh viện gần nhất nếu phát hiện các dấu hiệu nghi ngờ bạn nhé.
Các bài viết liên quan:
Nguồn tham khảo: Bệnh viện Mắt Sài Gòn, Bệnh viện FV, Bệnh viện 115