Suy thận là bệnh không có triệu chứng rõ rệt cho tới khi đã tiến triển. Tuy nhiên nếu người bệnh có kiến thức nhận biết các dấu hiệu sớm sẽ là cơ sở cho việc điều trị kịp thời. Vậy nguyên nhân và dấu hiệu của suy thận là gì? cách điều trị như thế nào? Cùng Medplus tìm hiểu qua bài viết bên dưới đây nhé.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo các loại bệnh khác:
1. Bệnh suy thận là gì?
Suy thận là thuật ngữ đề cập đến tình trạng suy giảm chức năng thận. Nhìn chung, tình trạng này được chia thành hai nhóm chính gồm:
- Suy thận cấp: chỉ diễn ra trong thời gian ngắn và có khả năng khôi phục chức năng thận (một phần hoặc thậm chí là hoàn toàn) nếu được điều trị hiệu quả ngay từ đầu
- Suy thận mạn: tiến triển trong thời gian dài và các giải pháp điều trị chỉ tập trung vào kiểm soát bệnh chứ không thể phục hồi chức năng thận
2. Nguyên nhân gây suy thận
Đối với suy thận cấp, nguyên nhân gây ra bệnh thường xuất phát từ 3 cơ chế chính:
-
Một là lưu lượng máu đến thận không đủ
-
Hai là nước tiểu khi ra khỏi thận bị tắc nghẽn
-
Ba là do các bệnh lý ở thận gây ra
Những yếu tố dẫn tới tình trạng này có thể kể đến như:
-
Chấn thương gây mất máu, mất nước, nhiễm trùng huyết gây tổn thương thận, phì đại tuyến tiền liệt
-
Thận bị nhiễm độc do một số loại thuốc hay các biến chứng trong thai kỳ, tiền sản giật,…
Ngược lại, nguyên nhân gây ra suy thận mạn thường bắt nguồn từ:
-
Những bệnh lý nền (thường là bệnh mãn tính). Ví dụ như: Tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh tim, hiện tượng tắc nghẽn đường tiểu kéo dài, phì đại tuyến tiền liệt, ung thư, trào ngược bàng quang,…
-
Các tổn thương hay bệnh lý về thận trước đó cũng có thể là lý do gây ra suy thận mạn, điển hình là viêm cầu thận, viêm ống thận mô kẽ, thận đa nang, viêm đài bể thận,..
3. Triệu chứng dấu hiệu suy thận
Nhìn chung, suy thận là một căn bệnh rất khó phát hiện do các tổn thương thường diễn ra trong thời gian dài và tiến triển chậm. Thêm vào đó, do cơ quan này có khả năng cân bằng, bù trừ rất tốt nên các dấu hiệu, triệu chứng thường hiếm khi xuất hiện ở giai đoạn đầu. Người bệnh thường chỉ tình cờ phát hiện ra bệnh thông qua việc xét nghiệm, thăm khám sức khỏe định kỳ, hoặc khi bệnh đã ở giai đoạn muộn khó cứu chữa.
Đối với suy thận cấp tính, một số triệu chứng mà người bệnh có thể gặp phải thường bao gồm:
-
Khó thở, mệt mỏi, lú lẫn, buồn nôn, yếu cơ, đau ngực, nhịp tim không đều,…
-
Trường hợp nặng, người bệnh có thể bị động kinh hoặc rơi vào trạng thái hôn mê.
-
Cơ thể người bệnh thường xuất hiện hiện tượng phù, xảy ra nhiều ở khu vực chân, mắt cá chân hoặc bàn chân.
-
Lượng nước tiểu của người bệnh thường giảm đi đáng kể, mặc dù màu sắc và trạng thái nước tiểu vẫn bình thường
Cũng có những trường hợp, bệnh không hề gây ra bất kì một triệu chứng bất thường nào như kể trên. Bệnh nhân chỉ tình cờ phát hiện ra chúng khi đi khám bệnh định kỳ, hoặc thông qua việc xét nghiệm máu, nước tiểu vì một lý do khác.
Ngược lại, các dấu hiệu của bệnh suy thận mạn thường rõ ràng và dễ nhận biết hơn, đó là:
-
Màu sắc bất thường của nước tiểu (nâu sẫm như màu Coca-Cola và đôi khi kèm theo bọt)
-
Người bệnh có thể tiểu nhiều hoặc tiểu ít hơn bình thường
-
Cơ thể luôn cảm thấy mệt mỏi, buồn nôn, chóng mặt, ăn kém và sút cân
-
Da dẻ khô sạm, xanh tái, có cảm giác ngứa ngáy và đôi khi phát ban
-
Bệnh nhân có cảm giác nặng mi mắt và hiện tượng phù ngày càng nghiêm trọng hơn, đặc biệt là ở hai chi dưới
4. Suy thận có nguy hiểm không?
Thận là cơ quan lọc máu và bài tiết chủ yếu của cơ thể. Vì thế, khi chức năng của thận bị suy yếu thì tất cả những cơ quan khác trong cơ thể đều có thể bị ảnh hưởng. Thậm chí, tính mạng của người bệnh cũng có thể bị đe dọa, kể cả trong trường hợp suy thận cấp hay suy thận mạn.
Những biến chứng mà bệnh suy thận có thể gây ra bao gồm: phù nề, ứ nước trong phổi, huyết áp cao, tăng kali máu, suy tim, làm xương yếu dần, gây hại cho hệ thần kinh trung ương.
Người bệnh thường bị suy giảm chức năng tình dục, rối loạn cương dương và giảm khả năng sinh sản. Nếu là phụ nữ đang mang thai thì có thể gây nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
5. Phòng ngừa suy thận
Các cách phòng ngừa bệnh suy thận là gì?
Tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sĩ trong việc dùng thuốc, đặc biệt là các loại thuốc giảm đau như aspirin, ibuprofen…, là yếu tố hàng đầu trong việc phòng ngừa suy thận. Cụ thể hơn, sử dụng các loại thuốc này với liều lượng cao có thể gây độc tố, tạo thêm áp lực công việc đè nặng lên thận. Nếu tình trạng này kéo dài, thận sẽ bị quá tài và dần trở nên suy yếu.
Ngoài ra, nếu đang bị bệnh thận, bạn cũng có thể kiểm soát tốt bệnh trạng nhằm ngăn chặn rủi ro suy giảm chức năng của cơ quan bài tiết này bằng cách:
- Duy trì lối sống lành mạnh, bao gồm uống nhiều nước, tập thể dục thường xuyên, cắt giảm lượng muối và kali trong khẩu phần ăn
- Lưu ý kiểm soát tốt huyết áp và lượng đường trong máu
- Tuyệt đối tuân theo chỉ định của bác sĩ trong quá trình điều trị.
Nguồn tham khảo: