Theo tài liệu cổ: Cỏ mần trầu tính bình, vị đắng và không độc. Có công năng: Được dùng trong điều trị cao huyết áp, sốt, tiểu tiện kém, trị mụn nhọt. Cùng MedPlus tìm hiểu kỹ về công dụng và bài thuốc hay nhé !
Thông tin cơ bản
1. Thông tin khoa học:
- Tên Tiếng Việt: Cỏ mần trầu, Tết suất thảo, Ngưu cần thảo, Cỏ vườn trầu, Màng trầu, Thanh tâm thảo, Cỏ chỉ tía, Ngưu cân thảo
- Tên khoa học: Eleusine indica (L.) Gaertn.
- Họ: họ Lúa (Poaceae).
2. Mô tả Cây
- Cây thảo sống hằng năm, cao 15-90cm, có rễ mọc khỏe. Thân bò dài ở gốc, phân nhánh, sau mọc thẳng đứng thành bụi. Lá mọc so le, hình dải nhọn. Cụm hoa là bông xẻ ngón có 5-7 nhánh dài mọc tỏa tròn đều ở đầu cuống chung và có 1-2 nhánh xếp thấp hơn ở dưới, mỗi nhánh mang nhiều hoa. Quả thuôn dài, gần như có ba cạnh.
- Cây ra hoa từ tháng 3-11.
3. Phân bố, thu hái và chế biến
Phân bố
- Cỏ mần trầu mọc hoang ở bãi cỏ, vệ đường, bờ ruộng, ven đường, bãi hoang ở khắp nước ta. Trên thế giới, cây có ở Cămpuchia, Lào, Trung Quốc và các nước nhiệt đới và Á nhiệt đới khác.
Thu hoạch
- Thu hái vào mùa khô
Bộ phận dùng
- Toàn cây
Chế biến
- Rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô.
Công dụng và tác dụng chính
A. Thành phần hoá học
- Phần trên mặt đất chứa: 3-0-β-D-Glucopy ranosyl-β-sitosterol và dẫn chất 6’-0-palmitoyl. Cành lá tươi có flavonoid.
- Savithramma (2013) và Banglacod cùng cộng sự (2012) định tính thành phần cỏ mần trầu có các thành phần: Coumarin, saponin, phenol, tanin, steroid, alcaloid và flavonoid.
B. Tác dụng dược lý
- Dịch chiết ethanol của có hoạt tính chống co thắt ở chuột bị nhiễm Plasmodium berghei cũng như tác dụng hạ đường huyết ở chuột mắc bệnh tiểu đường do alloxan gây ra.
C. Công dụng, tính vị và liều dùng
Tính vị
- Tính bình, vị đắng và không độc.
Công năng
- Điều trị cao huyết áp, sốt, tiểu tiện kém, trị mụn nhọt…
Công Dụng
- Thường được dùng chữa cao huyết áp, lao phổi, ho khan, sốt âm ỉ về chiều, lao lực mệt nhọc, tiểu tiện vàng và tiểu tiện ít một. Còn dùng cho phụ nữ có thai hỏa nhiệt táo bón, buồn phiền, động thai, nhức đầu, nôn mửa, tức ngực, sốt nóng. Cũng dùng uống trị mụn nhọt, các chứng nhiệt độc, trẻ em tưa lưỡi.
Lưu Ý
- Khi sử dụng cây cỏ mần trầu để làm thuốc chữa bệnh, người bệnh nên tìm cây sạch, không chứa thuốc bảo vệ thực vật như thuốc sâu, thuốc diệt cỏ,…
- Bên cạnh đó, liều lượng và thời gian sử dụng cần đúng theo quy định của thầy thuốc. Không nên tự ý dùng, tránh tác dụng phụ không mong muốn có thể xảy ra.
Liều dùng
- 60 – 100g cỏ khô hoặc 300 – 500g cỏ tươi, dạng thuốc sắc.
Bài thuốc sử dụng
1. Chữa cao huyết áp:
- Dùng toàn cây Cỏ mần trầu, rửa sạch cắt nhỏ, cân 500g, giã nát, thêm chừng 1 bát nước sôi để nguội, vắt lấy nước cốt, lọc qua vải, thêm chút đường, ngày có thể uống 1 lần sáng và chiều.
2. Phòng viêm não truyền nhiễm:
- Cỏ mần trầu 30g, dùng như trà uống trong 3 ngày, sau đó nghỉ 10 ngày uống tiếp 3 ngày nữa.
3. Viêm gan vàng da:
- Cỏ mần trầu tươi 60g, rễ tổ kén đực (Một loài thuộc chi Helicteres) 30g sắc uống.
4. Chữa thấp nhiệt, hoàng đản:
- Cỏ mần trầu tươi 60g, sơn chi ma 30g. Sắc uống
5. Viêm tinh hoàn:
- Cỏ mần trầu tươi 60g, thêm 10 cùi vải, sắc uống.
6. Chữa cảm sốt nóng, khắp người mẩn đỏ, đi đái ít
- Dùng 16g Cỏ mần trầu phối hợp với 16g rễ Cỏ tranh, sắc nước uống.
7. Chữa sốt cao co giật, hôn mê:
- Cỏ mần trầu 120g. Sắc với 600 ml nước, còn 400 ml, thêm ít muối, cho uống nhiều lần trong 12 giờ.
8. Chữa cảm, sốt nóng, người mẩn đỏ, tiểu tiện vàng ít.
- Mần trầu 16g, cỏ tranh 16g. Sắc uống.
9. Kích thích tiêu hóa và giải độc gan:
- Theo Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam tập 1, nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, cỏ mần trâu kết hợp với các vị thuốc tự nhiên giúp giải độc gan và kích thích hệ tiêu hóa.
- Cụ thể: Dùng cam thảo, cỏ mần trâu, cỏ mực, cây ké đầu ngựa, cây cỏ tranh, mơ tam thể, mỗi vị 8 g. Kết hợp với 2 g sinh khương, 4 g trần bì và củ sả.
- Cho tất cả các vị thuốc vào ấm và đun sôi chung với 400 ml nước. Sau khoảng 15 phút, lọc lấy nước và chia đều ra uống trong ngày.
10. Chữa sỏi tiết niệu (Lương y Lê Mậu Biền):
- Sử dụng 40 g cỏ mần trầu, 20 g lá tre, 8 g cam thảo, 16 g sinh địa
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn tham khảo Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam