Theo dược liệu cổ: Đại hồi có vị ngọt, cay, có mùi thơm, tính ấm. Quy kinh: Can, Thận, Tỳ và Vị. Công năng Trừ hàn, kiện tỳ, khai vị, tiêu thực; sát trùng, kích thích tiêu hóa, lợi sữa, chỉ ẩu (chống nôn mửa). Cùng MedPlus tìm hiểu kỹ về công dụng và bài thuốc hay nhé !
Thông tin cơ bản
1. Thông tin khoa học:
- Tên Tiếng Việt: Đại hồi, Bát giác hồi hương, hồi sao, mác chác, Tai vị
- Tên khoa học: Illicium verum Hook.f.
- Họ: Hồi (Illiciaceae).
2. Mô tả Cây
- Cây gỗ, cao 6- 10m. Cành dễ gãy, vỏ nhẵn. Lá thường tụ tập ở những mấu, nom như mọc vòng; phiến lá nguyên, dày, cứng, nhẵn bóng. Hoa màu hồng, mọc riêng lẻ ở kẽ lá. Quả cấu tạo bởi 8 đại, có khi hơn, xếp thành hình sao, mỗi đại có 1 hạt. Toàn cây, nhất là quả có mùi thơm và vị nóng. Hoa: Tháng 5- 6; Quả: Tháng 7- 9.
3. Phân bố, thu hái và chế biến
Phân bố
- Đại hồi có nguồn gốc ở vùng Nam Trung Quốc và miền Bắc Việt Nam. Hiện nay, hai khu vực này vẫn là nơi cung cấp tinh dầu Hồi chủ yếu cho thế giới, ở Việt Nam, cây có nhiều ở tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng. Gần đây phát triển rộng ra Quảng Ninh, Bắc Kạn, Lai Châu và Hà Giang.
Thu hoạch
- Thu hái vào mùa thu. Phơi khô (tránh làm gãy cánh). Để nguyên dùng hoặc cất lấy tinh dầu. Lá thu hái quanh năm, dùng tươi.
Bộ phận dùng
- Quả chin (Fructus Anisi stellati) phơi khô của cây Hồi (Illicium verum Hook.f.).
Chế biến
- Quả hái về đem phơi nắng nhẹ cho khô hẳn, rồi cất tinh dầu. Cũng có thể cất tinh dầu từ quả tươi.
Công dụng và tác dụng chính
A. Thành phần hoá học
- Quả hồi chứa catechin, protocatechin, tinh dầu, dầu béo, các chất vô cơ. Tinh dầu lấy từ phương pháp cất kéo hơi nước từ quả hồi tươi với hàm lượng 3 – 3,5%. Tinh dầu là chất lỏng không màu hoặc màu vàng nhạt
B. Tác dụng dược lý
- Hỗ trợ làm tăng nhu động ruột, hạn chế tình trạng khó tiêu, đầy hơi, chướng bụng.
- Cải thiện tình trạng đau bụng, đau dạ dày, tăng tiết dịch tiêu hóa.
- Tăng cường tiết dịch đường hô hấp, kích thích các tế bào dịch, hỗ trợ làm thuốc hóa đàm.
- Ức chế tụ cầu vàng, cầu khuẩn gây viêm phổi, trực bạch hầu, thường hàn, trực khuẩn Subtilis.
- Ức chế hoạt động và sự phát triển của một số loại nấm gây bệnh ngoài da.
- Hỗ trợ tăng tiết sữa.
- Dùng làm chất tạo mùi thơm trong các loại thuốc đánh răng, nước súc miệng.
C. Công dụng, tính vị và liều dùng
Tính vị
- Tính vị: vị ngọt, cay, có mùi thơm, tính ấm.
- Quy kinh: Can, Thận, Tỳ và Vị.
Công Dụng
- Công năng: Trừ hàn, kiện tỳ, khai vị, tiêu thực; sát trùng, kích thích tiêu hóa, lợi sữa, chỉ ẩu (chống nôn mửa).
- Công dụng:
-
- Dùng chữa đau bụng, ăn không tiêu, nôn mửa, bụng đầy trướng, thấp khớp và làm thuốc gây trung tiện, lợi sữa, chữa ngộ độc thức ăn.
- Làm gia vị, chế rượu mùi, cất tinh dầu làm hương liệu, chế anethol làm nguyên liệu tổng hợp hormon.
Lưu Ý
- Kiêng kỵ:- Những người âm hư, hỏa vượng không dùng được.- Phụ nữ mang thai và cho con bú cần hỏi ý kiến bác sĩ hoặc lương y trước khi sử dụng.
Liều dùng
- Ngày 4-8g dạng rượu thuốc.
Bài thuốc sử dụng
1. Chữa trúng phong, bại liệt một bên mình:
- Hồi 12g; quế chi 20g; đinh hương, rau sam, dây bìm bìm, cây nghệ, lá cây đậu gió, cây xương bồ, huyết giác, mỗi vị đều 12g. Tán nhỏ trộn với một bát rượu và một chén nước tiểu dùng xoa bóp.
2. Chữa phong thấp:
- Hồi, hồ tiêu, phèn chua, đều bằng nhau. Giã nhỏ, xoa bóp vào chỗ đau.
3. Chữa thủy thũng:
- Hồi 4g, hoàng nàn 40g (ngâm với nước đậu đen một ngày để bớt độc, hoặc nấu với đậu đen). Tán nhỏ, làm thành viên to bằng hạt đậu xanh, uống mỗi lần 3 viên, ngày 3 lần.
4. Chữa các loại đau về khí, đau tức xối lên tim, toái mồ hôi lạnh, suyễn thở:
- Hồi, ô dược, thanh bì, riềng, các vị đều nhau. Sao (trừ hồi và ô dược), tán nhỏ, uống với rượu đun nóng và đồng tiện.
5. Chữa đau lưng:
- Hồi (bỏ hạt) tẩm nước muối sao, tán nhỏ. Mỗi lần uống 6 – 10g với rượu. Ngoài dùng lá ngải cứu chườm, nóng vào lưng.
6. Làm chặt chân răng, chữa đau răng:
- Hồi, phèn chua, sáp ong, cà gai leo, lượng bằng nhau, muối một ít. Sắc lấy nước ngậm.
7. Chữa sai khớp, bong gân:
- Hồi, quế, đinh hương, vỏ sòi, vỏ núc nác, gừng sống, lá canh châu, dây đau xương, mủ xương rồng bà, lá thầu dầu tía, lá náng, lá kim cang, lá mua, huyết giác, nghệ, hạt trấp, hạt máu cho, lá bưởi bung, lá tầm gửi cây khế (nếu có sưng thì bỏ lá đau xương, thêm giấm). Giã nhỏ, sao nóng, chườm.
8. Chữa đại tiểu tiện không lợi:
- Hồi 40g (tán nhỏ), hạt bìm bìm đen 160g (sao, tán nhỏ). Mỗi lần uống 4g với nước gừng.
9. Trừ rệp:
- Hồi 1 phần, bồ kết 2 phần. Tán nhỏ, hòa với nước điếu mà nhỏ vào chỗ khe giường.
10. Diệt chuột:
- Hồi (tán bột), tỏi (giã nhỏ). Trộn đều, làm thành viên. Ngoài dùng bột gạo nếp nhào với nước bọc lại thành bánh, để cho chuột ăn.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn tham khảo Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Namx