Phấn ong là hỗn hợp của phấn hoa, mật hoa, enzyme, mật ong, sáp và dịch tiết của ong. Ong mật tìm kiếm phấn hoa từ thực vật và vận chuyển chúng đến tổ để lưu trữ và sử dụng làm thức ăn. Nhiều người nhầm lẫn chúng với các sản phẩm ong khác như mật ong, sữa ong chúa hoặc tổ ong. Những sản phẩm này có thể không chứa phấn hoa và một số thành phần khác.
Gần đây, phấn ong thu hút sự chú ý của cộng đồng y tế nhờ vào hàm lượng dinh dưỡng, axit amin, vitamin, lipid và hơn 250 hoạt chất. Bộ Y tế Liên bang Đức đã công nhận chúng là một loại thuốc điều trị.
Bài viết này cung cấp những thông tin hữu ích về giá trị dinh dưỡng cũng như những lợi ích đối với sức khỏe mà phấn ong mang lại.
Giá trị dinh dưỡng.
Phấn ong chứa hơn 250 chất hoạt tính sinh học, bao gồm protein, carbs, lipid, axit béo, vitamin, khoáng chất, enzyme và chất chống oxy hóa. Một hạt phấn có tỷ lệ các thành phần dinh dưỡng như sau:
- Carbs: 40%
- Protein: 35%
- Nước: 4 – 10%
- Chất béo: 5%
- Các chất khác: 5 – 15%
Tuy nhiên, hàm lượng dinh dưỡng của phấn phụ thuộc vào nguồn thực vật và mùa. Chẳng hạn, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng phấn ong thu thập từ cây thông có khoảng 7% protein, trong khi phấn được thu thập từ các cây chà chứa tới 35% protein. Ngoài ra, phấn ong thu hoạch trong thời gian mùa xuân có thành phần axit amin khác biệt đáng kể so với phấn thu được trong mùa hè.
Những lợi ích nổi bật đối với sức khỏe.
1. Hàm lượng chất chống oxy hóa cao.
Phấn ong chứa nhiều chất chống oxy hóa, bao gồm flavonoid, carotenoids, quercetin, kaempferol và glutathione. Chất chống oxy hóa là những hợp chất bảo vệ cơ thể chống lại các phân tử phản ứng(gọi là gốc tự do). Tình trạng tích tụ quá nhiều gốc tự do trong cơ thể có thể gây ra oxidative stress có liên quan đến một số bệnh mãn tính như: bệnh tim, ung thư, tiểu đường loại 2.
Các nghiên cứu trong ống nghiệm, động vật và một số nghiên cứu ở người đã chỉ ra rằng, chất chống oxy hóa của phấn ong có thể làm giảm viêm mãn tính, loại bỏ vi khuẩn có hại, chống nhiễm trùng và chống lại sự phát triển và lan rộng của khối u ung thư.
Tuy nhiên, hàm lượng chất chống oxy hóa của phấn hoa ong cũng phụ thuộc vào mùa và nguồn thực vật.
2. Cải thiện các yếu tố nguy cơ gây bệnh tim như mỡ máu cao và cholesterol.
Bệnh tim là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới. Mỡ máu cao và cholesterol trong máu cao có liên quan đến tăng nguy cơ mắc bệnh tim. Phấn ong được cho là có khả năng làm giảm các yếu tố nguy cơ này.
Các nghiên cứu trên động vật đã chỉ ra rằng, chiết xuất phấn ong có khả năng làm giảm mức cholesterol trong máu, đặc biệt là cholesterol LDL (gây hại). Ở những người bị cận thị do các động mạch bị tắc, bổ sung phấn ong làm giảm mức cholesterol trong máu, làm cải thiện tầm nhìn của họ. Ngoài ra, chất chống oxy hóa trong chúng có thể bảo vệ chất béo khỏi quá trình oxy hóa. Khi chất béo bị oxy hóa, chúng có thể kết tụ lại với nhau làm hạn chế lưu thông máu và làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim.
3. Tăng cường chức năng gan và bảo vệ gan khỏi các chất độc hại.
Gan là một cơ quan đóng vai trò quan trọng trong việc phá vỡ và loại bỏ độc tố khỏi máu. Các nghiên cứu trên động vật đã phát hiện ra, rằng phấn ong có thể tăng cường khả năng giải độc và tăng cường chức năng gan. Chúng giúp tăng cường khả năng chống oxy hóa của gan và loại bỏ nhiều chất thải độc hại hơn (như malondialdehyd và urê) ra khỏi máu.
Các nghiên cứu khác trên động vật cho thấy chất chống oxy hóa phấn ong bảo vệ gan chống lại những tổn thương tế bào từ một số chất độc hại, hỗ trợ điều trị bệnh gan.
Tuy nhiên vẫn cần thêm nhiều nghiên cứu bổ sung được thực hiện ở người trước khi đưa ra bất kì kết luận chắc chắn nào.
4. Đặc tính chống viêm
Phấn ong từ lâu đã được sử dụng trong dân gian để giảm viêm và sưng. Một nghiên cứu trên động vật cho thấy, chúng có khả năng làm giảm sưng ở chân chuột bị viêm đến 75%. Trên thực tế, tác dụng chống viêm này được cho là tương đương với một số loại thuốc chống viêm không steroid, như phenylbutazone, indomethacin, analgin và naproxen.
Phấn ong chứa một số hợp chất có thể làm giảm viêm và sưng (bao gồm quercetin chống oxy hóa) và làm giảm sản xuất axit béo omega-6 gây viêm, như axit arachidonic.
Hơn nữa, các hợp chất thực vật trong phấn có thể ngăn chặn các quá trình sinh học kích thích sản xuất các hormone gây viêm như yếu tố hoại tử khối u (TNF).
5. Hỗ trợ chữa lành vết thương và ngăn ngừa nhiễm trùng.
Phấn ong có đặc tính chống viêm và chống oxy hóa, có thể hỗ trợ cơ thể chữa lành vết thương. Một nghiên cứu trên động vật cho thấy, chiết xuất phấn ong có hiệu quả trong việc điều trị vết thương bỏng tương tự như thuốc bạc sulfadiazine và gây ra ít tác dụng phụ hơn.
Một nghiên cứu khác trên động vật cho thấy rằng, bôi một loại dầu thơm có chứa phấn ong lên vết bỏng giúp tăng tốc độ chữa lành đáng kể so với các loại thuốc tiêu chuẩn. Đặc tính kháng khuẩn của phấn cũng có thể ngăn ngừa nhiễm trùng – một yếu tố nguy cơ chính ảnh hưởng đến quá trình chữa lành vết trầy xước, vết cắt và bỏng.
6. Đặc tính chống ung thư.
Phấn ong có các ứng dụng để điều trị và ngăn ngừa ung thư, xảy ra khi các tế bào nhân lên một cách bất thường. Chúng có thể ức chế sự phát triển của khối u và kích thích quá trình apoptosis (quá trình chết rụng tế bao) trong ung thư tuyến tiền liệt, ruột kết và ung thư bạch cầu.
Phấn ong từ cistus (Cistus incanus L.) và liễu trắng (Salix alba L.) có đặc tính chống estrogen, có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú, tuyến tiền liệt và tử cung.
Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu ở người trước khi đưa ra bất kì khuyến nghị nào về đặc tính chống ung thư của phấn ong.
Tóm lại: Phấn ong chứa nhiều vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa mang lại nhiều lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe. Các nghiên cứu đã cho thấy, phấn ong và các hợp chất của nó có tác dụng giảm viêm, tăng cường chức năng gan, tốt cho tim mạch và hỗ trợ chữa lành vết thương.
Nguồn tham khảo: