Mẫu đơn bì được sử dụng phổ biến trong nhiều bài thuốc điều trị các bệnh lý ở phụ nữ. Mặc dù được cho là vị thuốc lành tính không gây độc, tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về đặc điểm của dược liệu này. Hôm nay medplus xin giới thiệu đến bạn đọc các công dụng cũng như bài thuốc tiêu biểu từ loại dược liệu này nhé!
Thông Tin Dược Liệu
Tên tiếng Việt: Mẫu đơn, Đơn bì, Bạch thược, Màu đàn (Tày)
Tên khoa học: Paeonia suffruticosa Andr.
[elementor-template id="263870"]
Họ: Paeoniaceae
1. Đặc điểm dược liệu
Mẫu đơn là một loại cây sống lâu năm, có thể cao 1-1,5m, rễ phát triển thành củ. Lá mọc so le, thường chia thành 3 lá chét, lá chét giữa lại chia thành 3 thuỳ, mặt trên xanh, mặt dưới màu trắng nhạt vì có lông. Cuống dài 6-10cm. Hoa mọc đơn độc ở đầu cành, rất to, đường kính đạt tới 15-20cm, màu đỏ, tím hoặc trắng, mùi thơm gần giống mùi thơm của hoa hồng.
2. Bộ phận sử dụng
Vỏ rễ màu nâu đen, thịt trắng, có nhiều bột, thường dày, rộng được ứng dụng để làm dược liệu. Đông y gọi là Mẫu đơn bì. Rễ dày, rộng, không dính lõi, có hương thơm dịu được xem là dược liệu tốt.
Đơn bì khô có hình ống hoặc nửa ống. Cạnh bên thường có vết nứt dọc, dày khoảng 3 mm, hai mép cuộn vào trong, độ cuộn không xác định. Mặt ngoài Đơn bì thường có màu nâu tía hoặc màu tro. Có nhiều vân dọc hoặc sẹo ngang tròn dài, hơi lồi và có vết cắt của rễ tơ. Mặt trong thường có màu vàng tro hơi nhạt hoặc màu nâu. Có vân sọc hoặc nhiều chấm ánh bạc.
Mẫu đơn bì có mùi thơm đặc biệt, vị hơi đnagứ, chát, khi nếm có thể gây tê đầu lười. Chất dược liệu cứng, giòn dễ gãy, các bề mặt gãy tương đối phẳng và có bột. Lớp ngoài bột thường có màu nâu tro hoặc phấn hồng, lớp trong màu phấn trắng
3. Phân bố
Cây Mẫu đơn có nguồn gốc từ Trung Quốc sau đó di thực vào Việt Nam và một số nước khác.
Mẫu đơn là cây ưa sáng, không sống được trong bóng râm. Cây thường phát triển tốt trên sườn dốc, đất dày, thoát nước tốt hoặc trồng cây ở nơi đất cát pha. Trồng ở nơi đất nặng cây có rễ nhỏ, phân thành nhiều nhánh, đôi khi rễ có thể bị úng, thối và chết. Còn nếu trồng trên đất cát đen thì rễ Mẫu đơn to nhưng vỏ lại mỏng, dược tính không cao.
Mẫu đơn thích đất mới khai hoang do đó ở nước ta cây thường được trồng ở Lào Cai, SaPa.
4. Thu hái – Sơ chế
Mẫu đơn sau khi trồng 3 năm thì có thể thu hoạch được. Thông thường mùa thu hoạch thường rơi vào tháng 7 – 11. Tuy nhiên, thu hoạch vào mùa hè vào khoảng tháng 9, cây cho năng suất cao hơn 10 – 15% và chất lượng dược liệu cũng tốt hơn.
Khi thu hoạch nên dùng cào có 2 răng, răng cào nên dài khoảng 30 – 50 cm, to bằng ngón trỏ, khoảng cách 2 răng từ 10 – 20 cm. Khi đào cần nhìn vào khoảng đất nứt quanh gốc cây, xới đất dần dần nhẹ nhàng đến khi lấy hết được phần rễ. Khi đào cần cẩn thận không để xây xát hoặc làm đứt rễ.
Thu hái mang về cắt bỏ phần rễ tơ, rửa sạch đất cát. Dùng mảnh tre hoặc mảnh thủy tinh cạo sạch lớp vỏ ngoài, rồi rạch một đường thẳng theo chiều dọc của rễ, bỏ phần lõi chỉ lấy phần vỏ. Nếu trời mưa thì không cạo vỏ ngoài và không rút ruột để tránh ảnh hưởng đến dược liệu.
5. Bảo quản dược liệu
Đơn bì cần được bảo quản trong lọ thủy tinh hoặc lọ kín để tránh dập nát. Lưu trữ dược liệu ở nơi thoáng mát, nhiệt độ phòng, đậy kín sau mỗi lần sử dụng để tránh côn trùng, mối mọt.
Công dụng và Liều dùng
1. Tính vị
- Vị cay, tính hàn (theo Bản kinh)
- Vị đắng, cay, tính hàn nhẹ (theo Đông dược học thiết yếu)
- Vị đắng, hơi hàn, không chứa độc (theo Biệt lục)
- Vị đắng, hơi cay, tính mát (theo Trung dược đại từ điển)
- Vị cay, chua, tính hàn (theo Trấn nam bản thảo)
2. Thành phần hóa học
Theo Vu Tân, Dược Học Học Báo 1985, Đơn bì chứa một số thành phần hóa học như:
- Paeoniflorin
- Paeonolide
- Oxypaeonilorin
- Paeonol
- Apiopaeonoside
- Benzoylpaeonilorin
- Oxypaeonilorin
Theo Bắc Xuyên Huân, Sinh Dược Học Tạp Chí, 1979 – Nhật Bản, Đơn bì chứa thành phần chủ yếu là:
- Benzoyloxypaeonilorin
- Theo Lin Hang Ching và cộng sự, Đơn bì chứa:
- 3 – Dihydroxy – 4 – Methoxyacetophenone
- 3 – Hydroxy – 4 – Methoxya Cetophenone
Theo Takechi M và cộng sự, 1982 Mẫu đơn bì chứa thành phần chủ yếu là:
- 6 – Pentagalloylglucose
3. Công dụng dược liệu
Theo nghiên cứu của y học hiện đại
- Chống viêm, kháng khuẩn, tụ cầu vàng, trực khuẩn thương hàn, hỗ trợ điều trị các bệnh đài tràng.
- Hạ nhiệt cơ thể, hỗ trợ giảm đau.
- An thần, ức chế hệ thống thần kinh, chống co giật.
- Hỗ trợ hạ huyết áp.
- Ức chế sự phát triển và hoạt động của trực khuẩn bạch hầu.
Theo y học cổ truyền
- Sinh huyết, lương huyết, hòa huyết (theo Bản thảo cương mục)
- Thanh nhiệt, tiêu ứ, hòa huyết, lương huyết (theo Trung dược đại từ điển)
- Tán ứ huyết, hỗ trợ thanh nhiệt (theo Đông dược học thiết yếu)
- Tiêu trũng, triệt nhiệt ở huyết, hành huyết, phá huyết (theo Trấn nam bản thảo)
Chỉ định điều trị
- Nhiệt nhập dinh huyết, gây sốt về chiều
- Phát ban ngoài da
- Điều hòa kinh nguyệt
- Mụn nhọt, đinh nhọt, ghẻ ngứa
- Trường ung
- Thổ huyết, nôn ra máu
- Huyết hư
- Chữa lành vết thương do chấn thương, dao cắt
4. Cách dùng – Liều lượng
Đơn bì được sử dụng dưới dạng bột mịn cùng với rượu nóng hoặc sắc cô đặc dùng nước uống. Nên sử dụng Mẫu đơn bì khi còn ấm nóng, nếu thuốc nguội nên hâm nóng lại trước khi sử dụng.
Liều lượng khuyến cáo: 8 – 20 g mỗi ngày.
Các bài thuốc tiêu biểu từ Dược Liệu
1. Chữa tắc kinh, ứ huyết
Sử dụng Mẫu đơn bì, Mộc thông, Đào nhân, Xích thược, Mộc thông, Thổ qua căn, mỗi vị 12 g, Nhục quế 2 g sắc thành thuốc, dùng uống trong ngày.
2. Trị kinh nguyệt sớm, máu kinh đen hôi, kinh ra nhiều, kinh chứa máu đông
Sử dụng Mẫu đơn bì, Địa cốt bì, Thanh hao, Bạch thược và Phục linh mỗi vị 12 g, Hoàng bá 8 g, Thục địa 16 g sắc thuốc, dùng uống khi còn nóng.
3. Chữa phụ nữ nóng trong xương, kinh mạch không thông, người gầy yếu
Dùng 60 g Mẫu đơn bì, Mộc thông (cắt nhỏ, sao vàng), Nhục quế, Bạch thược, mỗi vị 40g, rễ Khổ qua 60g, Đào nhân (bỏ vỏ, đầu nhọn, sao vàng) 40 g. Tất cả dược liệu mang đi tán nhỏ, mỗi lần dùng 5 g nấu với 300 ml nước khi còn 150 ml thì bỏ bã, chia thành 2 lần uống khi còn ấm trong ngày.
4. Chữa huyết nhiệt ở phụ nữ sau sinh
Dùng Đơn bì, Xuyên khung, Chi tử, mỗi vị 8 g, Bạch thược, Đương quy mỗi vị 12 g, Thục địa 16 g, sắc thành thuốc, dùng uống khi còn nóng.
5. Bài thuốc điều trị máu xấu ở phụ nữ
Sử dụng Đơn bì và Can tất, mỗi vị 20 g sắc thành thuốc dùng uống khi còn nóng.
Lưu Ý khi sử dụng Dược Liệu để trị bệnh
Kiêng kỵ
- Kỵ Thỏ ty tử (theo Bản thảo kinh tập chú)
- Kỵ Tỏi (theo Nhật hoa tử bản thảo)
- Kỵ Hò tuy (ngò) (theo Cổ kim lục nghiệm)
- Sợ Bối mẫu và Đại hoàng (theo Đường bản thảo)
Lưu ý
- Phụ nữ có thai không được dùng để tránh gây ảnh hưởng đến thai nhi.
- Người có kinh nguyệt quá nhiều cần thận trọng khi dùng.
- Người bị âm hư, thường đổ mồ hôi không dùng.
- Người vị khí hư hàn, tướng hỏa suy không dùng.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Dược Liệu cũng như một số bài thuốc hay về vị thuốc này nhé !
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn , tham khảo
Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam