Theo tài liệu Đông Y: Mộc Qua có vị chua, tính mát, khí ôn, không độc, có tác dụng hòa vị, hoạt lạc, hóa thấp, tiêu viêm, bình Can, khu phong cường tráng, trấn thống và thư cân. Cùng MedPlus tìm hiểu kỹ về công dụng và bài thuốc hay nhé !
Thông tin cơ bản
1. Thông tin khoa học:
- Tên Tiếng Việt: Mộc Qua, Tra tử, Toan mộc qua, Thu mộc qua
- Tên khoa học: Chaenomeles lagenaria (Lois.) Koidz
- Họ: Hoa Hồng (Rosaceae)
2. Mô tả cây
- Mộc qua là loài thực vật sống lâu năm, chiều cao trung bình từ 5 – 8m, một số cây có thể cao đến 10m. Các cành non thường có lông nhỏ bao phủ, lá đơn, phiến lá hình trứng, rộng từ 3 – 5mm, dài từ 5 – 8mm, mép lá có răng cưa nhỏ và đều, lá có mặt bóng và màu xanh.
- Hoa mọc vào khoảng tháng 4 – 5, mọc đơn độc ở đầu cành. Quả hình trứng dài 10 – 15cm, bên trong có nhân cứng, thịt xốp màu vàng nâu và có mùi thơm.
[elementor-template id="263870"]
3. Phân bố, thu hái và chế biến
Phân bố
- Phân bố nhiều ở các tỉnh thành tại Trung Quốc như Giang Tây, Hồ Bắc và Giang Tô. Hiện nay nước ta chưa thể trồng dược liệu này mà chủ yếu phải nhập khẩu từ Trung Quốc.
Thu hoạch
- Thu hái khi vỏ quả chuyển sang màu vàng xanh (thường là khoảng tháng 8 hằng năm).
Bộ phận dùng
- Quả mộc qua được thu hái để làm thuốc.
Chế biến
- Sau khi hái về đem rửa sạch và đun sôi với nước trong 5 phút. Vớt quả ra và đem phơi cho đến khi vỏ ngoài có vân nhăn, chẻ dọc làm 2 và phơi khô hoàn hoàn để dùng dần.
Công dụng và tác dụng chính
A. Thành phần hoá học
- Quả mộc qua chứa thành phần hóa học đa dạng, bao gồm Oleanolic acid, Malic acid, Citric acid, Tartaric acid, Tanin, Saponin 2%, Fructose, Flavonoid,…
B. Tác dụng dược lý
- Mộc qua có tác dụng bảo vệ gan, làm hạ men gan SGOT, SGPT.
- Nước sắc Mộc qua có tác dụng tiêu viêm rõ trên mô hình viêm khớp chuột nhắt do chích Protein (Trung Dược Học).
C. Công dụng, tính vị và liều dùng
Tính vị
- Vị chua, tính mát, khí ôn, không độc.
Qui Kinh
- Quy vào kinh Tỳ, Can, Phế, Thận và Vị.
Công năng
- Tác dụng: Hòa Vị, hoạt lạc, hóa thấp, tiêu viêm, bình Can, khu phong cường tráng, trấn thống và thư cân.
Công Dụng
- Chủ trị: Thổ tả rút gân, kiết lỵ, tiêu chảy, nôn mửa ra chất chua, phong thấp.
Lưu Ý
- Ăn nhiều làm hại răng. Trường vị có tích trệ: không nên dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).
- Thương thực mà Tỳ Vị chưa hư, tích tụ nhiều, không nên dùng (Đông Dược Học Thiết Yếu).
- Mộc qua có vị chua, ăn nhiều sẽ gây nên bí tiểu (Thực Dụng Trung Y Học).
Liều dùng
- Mộc qua được dùng ở dạng sắc uống, tán bột, làm hoàn, cao lỏng, ngâm rượu,…. Ngày dùng từ 6 – 12g (khô) và 50 – 100g/ ngày (tươi). Có thể dùng đơn độc hoặc phối hợp với nhiều dược liệu khác – tùy vào mục đích sử dụng.
Bài thuốc sử dụng
1. Bài thuốc trị hoắc loạn chuyển gân
- Chuẩn bị: Rượu 1 lít và mộc qua 30g.
- Thực hiện: Sắc uống. Những người không dùng được rượu có thể sắc với nước uống. Bên cạnh đó cần sắc dược liệu lấy nước ngâm chân để tăng tác dụng điều trị.
2. Bài thuốc trị gân co rút và gáy cứng không thể cử động
- Chuẩn bị: Một dược 60g, nhũ hương 7.5, mộc qua (khoét bỏ hạt và lõi) 2 quả.
- Thực hiện: Trộn đều nhũ hương và một dược, sau đó cho vào quả mộc qua và cột chặt, đem hấp trong 3 – 4 lần. Cuối cùng đem nghiền nát và nấu thành cao. Mỗi lần dùng 9g sắc với 400ml rượu và 100ml nước sinh địa và uống nóng.
3. Bài thuốc trị trĩ hoa sen
- Chuẩn bị: Nhớt trên thân con lươn và mộc qua tán nhuyễn.
- Thực hiện: Hòa 2 nguyên liệu với nhau, sau đó bôi vào giang môn và băng lại.
4. Bài thuốc trị ngực bứt rứt khó chịu, chân tay co rứt và thổ tả không cầm được
- Chuẩn bị: Ngô thù du, cam thảo, hồi hương và mộc qua các vị bằng lượng nhau.
- Thực hiện: Tán bột, mỗi lần dùng một lượng uống với nước sắc từ tử tô và sinh khương.
5. Bài thuốc trị ngực đầy tức, chân cẳng co giật, nôn mửa do viêm ruột cấp
- Chuẩn bị: Sinh khương, hồi hương, mộc qua, tía tô và ngô thù mỗi thứ 6g.
- Thực hiện: Sắc uống, mỗi ngày dùng 1 thang.
6. Bài thuốc trị thận hư hàn khiến khí công lên bụng sườn gây đầy trướng và đau
- Chuẩn bị: Mộc qua 30 trái (bóc vỏ và hạt), bột thanh diêm, ngải nhung và bột cam cúc hoa mỗi thứ 480g.
- Thực hiện: Ngải nhung để riêng, đem các vị còn lại nấu nhừ thành cao. Sau đó trộn ngải nhung vào và vo thành viên, viên to bằng hạt ngô đồng. Mỗi ngày dùng 2 lần, mỗi lần dùng 30 viên.
7. Bài thuốc trị cước khí
- Chuẩn bị: Một ít mộc qua.
- Thực hiện: Cắt vụn và lấy chân đạp lên.
8. Bài thuốc trị gân chân co rút gây đau và khó khăn khi đi lại
- Chuẩn bị: 1 ít rượu, nước và một vài quả mộc qua.
- Thực hiện: Đem nấu nhừ thành cao, khi cao còn ấm đem đắp lên chỗ đau và cột lại. Khi cao nguội thì thay miếng khác, thực hiện từ 3 – 5 lần/ ngày.
9. Bài thuốc chân đau do chấn thương và tê thấp cước khí
- Chuẩn bị: Uy linh tiên 20g, ngũ gia bì và mộc qua mỗi thứ 40g.
- Thực hiện: Đem các vị tán nhuyễn, mỗi lần dùng 10g uống cùng với rượu.
10. Rượu mộc qua giúp giảm đau mỏi toàn thân và đau nhức cơ khớp
- Chuẩn bị: Cành dâu 50g và mộc qua 30g.
- Thực hiện: Đem các vị nghiền vụn, sau đó ngâm với 500ml rượu trong vòng 1 tháng. Mỗi ngày dùng 1 chén nhỏ.
11. Bài thuốc trị đau bụng, rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy
- Chuẩn bị: Gừng tươi 9g, mộc qua 12g và ý dĩ 30g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
12. Bài thuốc trị đờm ngược tức ngực và tê thấp cước khí
- Chuẩn bị: Quế tâm 15g, mộc qua 30g, trần bì 30g, đinh hương 15g và nhân sâm 30g.
- Thực hiện: Đem các vị tán thành bột mịn, trộn với hồ làm thành viên bằng hạt đậu xanh. Ngày dùng 30 viên uống cùng với nước gừng tươi.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về một số tác dụng hay về loại dược liệu này!
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn tham khảo Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam