Nằm trong top đầu các loại cấp cứu ngoại khoa thường gặp nhất, đau ruột thừa là căn bệnh phổ biến, lại có diễn tiến nhanh và vô cùng nguy hiểm. Việc nhận diện đúng các dấu hiệu đau ruột thừa là kiến thức mà ai cũng nên trang bị để kịp thời chăm sóc cho chính mình và người thân.
Đau ruột thừa là tên gọi phổ biến của mọi người về căn bệnh viêm ruột thừa. Ruột thừa là một khúc ruột tịt, hẹp, ngắn vài centimet dính vào manh tràng (đoạn ruột già nối tiếp với ruột non). Chức năng tiêu hóa của ruột thừa kém phát triển nhưng bộ phận này lại có mô bạch huyết sản xuất kháng thể, là một phần của hệ miễn dịch.
Có rất nhiều nguyên nhân gây viêm ruột thừa. Sỏi phân, chất nhầy tích tụ, ký sinh trùng đường ruột (các loại giun sán), hạt trái cây nhỏ… có thể lọt vào khiến ruột thừa bị tắc nghẽn. Lúc này các loại vi khuẩn vẫn sống trong ruột thừa bắt đầu xâm lấn vào thành ruột, gây viêm ruột thừa. Viêm ruột thừa cũng xảy ra do nhiễm khuẩn salmonella, shigella, nhiễm trùng toàn thân, nhiễm trùng hô hấp cấp. Đôi khi trong ruột thừa có khối u tiết chất hóa học khiến ruột bị viêm.
Các dấu hiệu đau ruột thừa bao gồm những gì?
1. Đau bụng – Dấu hiệu đau ruột thừa điển hình
Đau bụng là dấu hiệu đau ruột thừa đầu tiên, điển hình và đáng tin cậy. Đau bụng do viêm ruột thừa hầu như luôn diễn tiến như sau:
- Cơn đau xuất hiện quanh rốn, vừa phải, âm ỉ, có thể lúc đau lúc không
- Trong một vài giờ, cơn đau di chuyển xuống vị trí của ruột thừa, phía bên phải của bụng dưới (khu vực hố chậu phải). Tình trạng đau bắt đầu nghiêm trọng, càng lúc càng đau hơn.
- Đau nhiều hơn khi dùng tay ấn vào khu vực này, khi ho, đi lại hoặc có những cử động đột ngột.
Tuy nhiên, một số người có thể thấy cơn đau di chuyển đến vị trí khác thay vì hố chậu phải, do ruột thừa nằm hơi lệch. Bạn nên cảnh giác với dấu hiệu đau ruột thừa nếu thấy đau tương tự ở hông lưng, dưới rốn hoặc dưới sườn phải. Việc tử cung phát triển kích thước ở phụ nữ mang thai cũng sẽ khiến cho vị trí đau ruột thừa bị đẩy lên trên.
Cũng cần lưu ý, cảm giác đau nặng hay nhẹ còn tùy thuộc vào mức độ viêm, khả năng chịu đựng cơn đau của mỗi người cũng như có đang sử dụng các loại thuốc có tính chất giảm đau hay không…
2. Chán ăn, buồn nôn, nôn
Một điều chắc chắn là dấu hiệu đau ruột thừa sẽ bao gồm các rối loạn tiêu hóa. Bạn bắt đầu thấy ăn không ngon, không muốn ăn trước hoặc cùng khoảng thời gian cơn đau xuất hiện. Buồn nôn và nôn cũng là một dấu hiệu đau ruột thừa nếu xuất hiện sau khi bạn bắt đầu thấy đau bụng.
3. Sốt – Dấu hiệu đau ruột thừa dễ nhầm lẫn
Nhắc đến sốt, mọi người thường nghĩ đến cảm, cúm, nhiễm virus… Ít ai ngờ đây cũng là một dấu hiệu đau ruột thừa. Sốt cho thấy cơ thể bạn đang bị viêm hoặc nhiễm trùng ở đâu đó và hệ miễn dịch đang ra sức tấn công các thủ phạm gây nên tình trạng này.
Khởi đầu đau ruột thừa, cơ thể bị sốt nhẹ, tăng dần lên 38 độ C, thậm chí hơn 39 độ C. Sốt càng cao báo hiệu tình trạng viêm ruột thừa càng nghiêm trọng và nhiễm khuẩn có thể đã lan sang các khu vực lân cận trong ổ bụng.
4. Tiêu chảy hoặc táo bón và khó xì hơi
Tình trạng đau ruột thừa khiến nhu động ruột không duy trì được nhịp độ làm việc như bình thường. Vì vậy tiêu chảy nghiêm trọng, kéo dài cũng có thể là một dấu hiệu đau ruột thừa nếu xuất hiện cùng các cơn đau và triệu chứng đặc trưng khác.
Mặt khác, táo bón lại là dấu hiệu đau ruột thừa ở nhiều người do nhu động ruột bị giảm sút. Việc không thể xì hơi cho thấy đường ruột có thể đã bị tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ.
5. Sình bụng, chướng bụng, mệt mỏi
Bụng lúc nào cũng căng tức, nặng nề là điều khó tránh khỏi khi hoạt động tiêu hóa bị trục trặc vì đau ruột thừa. Song song cùng các dấu hiệu đau ruột thừa khác trên đây là triệu chứng chướng bụng đầy hơi liên tục đeo bám người bệnh, không có dấu hiệu thuyên giảm. Bệnh càng để lâu, người bệnh càng thấy mệt mỏi.
Cần làm gì khi có triệu chứng đau ruột thừa?
Đau ruột thừa là căn bệnh diễn tiến nhanh và nguy hiểm. Chỉ sau một vài ngày, viêm và nhiễm khuẩn có thể lan đến lớp cơ mỏng manh của thành ruột thừa khiến ổ viêm bị vỡ ra, gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đối với người bệnh. Hai trong số các biến chứng nghiêm trọng là viêm phúc mạc (lớp màng mỏng bao quanh toàn bộ các cơ quan trong khoang bụng) và áp xe ổ bụng.
Vì vậy, khi thấy có các dấu hiệu đau ruột thừa kể trên, bạn cần đi khám càng sớm càng tốt để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Người ở bất kỳ độ tuổi nào cũng có thể bị đau ruột thừa. Đặc biệt, biến chứng đến càng nhanh và nguy hiểm hơn nếu người bệnh là trẻ em, người cao tuổi, thai phụ và người có bệnh nền nghiêm trọng.
Ngoài việc tiếp nhận thông tin từ bệnh nhân, bác sĩ cần thăm khám, thực hiện xét nghiệm, chụp chẩn đoán hình ảnh… để có kết luận và hướng xử lý chính xác. Phẫu thuật cắt bỏ ruột thừa hầu như luôn là giải pháp cần thiết và tối ưu nhất. Hiện nay, phẫu thuật nội soi là phương pháp được ưu tiên trong điều trị đau ruột thừa, giúp vết mổ có thể hồi phục sau vài ngày và ít để lại sẹo. Tuy nhiên, bác sĩ có thể cần mổ hở nếu viêm nhiễm đã lan rộng trong ổ bụng, xuất hiện áp xe hoặc đám quánh ruột thừa.
Qua những thông tin trên đây, MedPlus hy vọng đã mang đến cho bạn đọc những hiểu biết cơ bản về các dấu hiệu đau ruột thừa và hướng xử lý, để sẵn sàng áp dụng khi cần thiết trong đời sống thực tế hằng ngày.
Cảm ơn bạn đã dành thời gian đọc bài viết này của chúng tôi. Đừng quên ghé thăm songkhoe.medplus.vn hàng ngày để cập nhật thêm những thông tin mới nhất bạn nhé.
Bài viết này chỉ mang tính chất tham khảo, không thay thế cho việc chẩn đoán hoặc điều trị y khoa.
Nguồn: Unexpected symptoms and things you didn’t know about appendicitis
Mời bạn đọc tham khảo thêm các bài viết mới nhất: