Quai bị là căn bệnh truyền nhiễm cấp tính, lây lan trực tiếp qua đường hô hấp. Bệnh có thể bùng phát thành dịch và gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm tinh hoàn, viêm buồng trứng, viêm não – màng não, viêm tụy, điếc tai,… Vậy nguyên nhân và dấu hiệu của bệnh quai bị là gì? cách điều trị như thế nào? Cùng Medplus tìm hiểu qua bài viết bên dưới đây nhé.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo các loại bệnh khác:
1. Bệnh quai bị là gì?
Quai bị (hay có tên gọi là má chàm bàm) là một bệnh lý do virus gây ra và có khả năng lây lan từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp hoặc hít phải các giọt hô hấp trong không khí của người bệnh. Virus gây bệnh ảnh hưởng chủ yếu đến tuyến nước bọt nằm ở gần tai, gây ra sưng ở một hoặc cả hai tuyến nước bọt này.
Nhìn chung, căn bệnh này không phải là một bệnh nghiêm trọng và thường xảy ra ở trẻ em từ 5–9 tuổi. Tuy nhiên, virus gây bệnh vẫn có khả năng lây nhiễm sang người lớn. Khi đó, bệnh có thể gây ra biến chứng nghiêm trọng hơn.
2. Nguyên nhân gây bệnh quai bị
Quai bị do virus paramyxo gây nên. Đây là chủng virus có khả năng tồn tại lâu ở môi trường bên ngoài cơ thể: từ 30 đến 60 ngày ở nhiệt độ 15 đến 20 độ C, từ 1 đến 2 năm ở nhiệt độ – 25 tới -70 độ C. Tuy nhiên, virus quai bị có thể diệt nhanh chóng ở nhiệt độ trên 56 độ C, dưới ánh sáng mặt trời, với những hóa chất khử khuẩn chứa Clo và các chất khử khuẩn bệnh viện thường dùng.
3. Đường lây truyền và thời gian ủ bệnh quai bị
Con người là ổ chứa và nguồn truyền nhiễm duy nhất của bệnh quai bị. Bệnh lây lan trực tiếp qua đường hô hấp khi người lành hít phải các bụi nước chứa virus từ người bệnh. Sau khi xâm nhập vào cơ thể, virus bám vào niêm mạc mũi, miệng, di chuyển đến nội tạng thông qua đường máu, rồi gây bệnh. Người bệnh trong giai đoạn khởi phát có khả năng lây lan mạnh mẽ trong cộng đồng. Trong một số trường hợp, người mang virus quai bị không có triệu chứng rõ ràng (hay còn gọi là quai bị thể tiềm ẩn) vẫn có khả năng lây truyền bệnh cho những người xung quanh.
- Thời gian ủ bệnh: thường kéo dài từ 2 đến 3 tuần, trung bình 18 ngày.
- Thời kỳ lây truyền: virus quai bị có trong nước bọt của người bệnh trước khi khởi phát từ 3 đến 5 ngày và sau khởi phát từ 7 đến 10 ngày, khoản thời gian này chính là giai đoạn lây truyền của bệnh. Trong đó, một tuần xung quanh ngày khởi phát là thời gian lây truyền bệnh mạnh mẽ nhất. Ngoài trú ngụ trong nước bọt, virus quai bị còn có trong nước tiểu người bệnh trong vòng 2 tuần.
4. Các triệu chứng bị quai bị
Một số người bị nhiễm vi rút quai bị có dấu hiệu hoặc triệu chứng rất nhẹ hoặc không có. Khi các dấu hiệu và triệu chứng xảy ra, chúng thường xuất hiện khoảng hai đến ba tuần sau khi tiếp xúc với vi rút.
Dấu hiệu nhận biết chính của bệnh quai bị là viêm tuyến nước bọt khiến má sưng tấy. Các dấu hiệu và triệu chứng khác có thể bao gồm:
- Đau sưng tuyến nước bọt ở một hoặc cả hai bên mặt
- Đau khi nhai hoặc nuốt
- Sốt
- Đau đầu
- Đau cơ
- Suy nhược và mệt mỏi
- Ăn mất ngon
5. Bệnh quai bị có nguy hiểm không?
Rất hiếm khi có ca bệnh gặp phải biến chứng nhưng khi có thường khá nghiêm trọng. Các biến chứng quai bị phần lớn liên quan đến tình trạng viêm và sưng ở một số bộ phận khác của cơ thể, như:
- Tinh hoàn. Viêm tinh hoàn có thể xảy ra làm cho một hoặc cả hai tinh hoàn bị sưng lên ở những bé trai đến tuổi dậy thì. Tình trạng này gây đau đớn, khó chịu nhưng hiếm khi gây vô sinh sau này.
- Não. Virus quai bị có thể gây ra viêm não dẫn đến nhiều vấn đề thần kinh, thậm chí đe dọa tính mạng.
- Màng và dịch não tủy. Khi virus nhiễm vào máu và đi đến hệ thống thần kinh trung ương gây viêm nhiễm, người bệnh có thể bị viêm màng não.
- Tuyến tụy. Nếu bị viêm tụy, người bệnh có các dấu hiệu và triệu chứng gồm đau bụng phía trên, buồn nôn và nôn mửa.
Các biến chứng có khả năng xảy ra gồm:
- Mất thính lực, có thể ở một hoặc cả hai tai
- Vấn đề ở tim như rối loạn nhịp tim, bệnh cơ tim
- Sẩy thai nếu bị quai bi khi đang mang thai, đặc biệt là ở giai đoạn đầu thai kỳ
6. Một số biện pháp hỗ trợ điều trị tại nhà
Nghỉ ngơi là biện pháp tốt nhất để cơ thể phục hồi hoàn toàn. Song song đó, bạn có thể thực hiện một số biện pháp để giảm đau và khó chịu, đồng thời phòng tránh virus lây truyền sang người xung quanh:
- Cách ly người bệnh với mọi người để ngăn ngừa lây truyền virus quai bị.
- Dùng thuốc giảm đau không kê đơn như paracetamol để giảm bớt triệu chứng đau.
- Chườm ấm hoặc chườm mát để giảm bớt khó chịu ở vùng bị sưng.
- Tránh ăn những thực phẩm cứng, rắn, cần phải nhai nhiều. Thay vào đó, bạn nên ăn cháo, khoai tây nghiền hay những thực phẩm mềm hay có dạng lỏng.
- Tránh ăn thực phẩm có vị chua, như trái cây, nước ép cam quýt vì gây kích thích tiết nước bọt.
- Uống nhiều nước.
Nguồn tham khảo: