Tang Bạch Bì luôn được xem là dược liệu quý trong Y học với nhiều công dụng tốt cho sức khỏe. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về đặc điểm của dược liệu này. Hôm nay medplus xin giới thiệu đến bạn đọc các công dụng cũng như bài thuốc tiêu biểu từ loại dược liệu này nhé!
Thông Tin Dược Liệu
Tên gọi khác: Vỏ rễ cây dâu, Dâu cang, Nắn phong, Mạy môn.
Tên thực vật: Morus alba L
Tên dược: Cortex Mori
Họ: Dâu tằm (danh pháp khoa học: Moraceae)
1. Đặc điểm dược liệu
Dâu tằm là cây thân gỗ nhỏ, chiều cao trung bình từ 2 – 3m. Lá có phiến hình bầu dục, nguyên hoặc chia thành 3 thùy, thường mọc so le. Mép lá có răng cưa to, cuống tròn hoặc hơi bằng, từ cuống lá tỏa ra 3 gân chính rõ rệt.Hoa mọc thành bông, quả mọng mọc ở các đài lá, thường có màu đỏ khi chín chuyển sang màu đen sẫm và ăn được. Dâu tằm ra hoa vào tháng 4 – 5 và sai quả vào tháng 5 – 7 hằng năm.
Hoa mọc thành bông, quả mọng mọc ở các đài lá, thường có màu đỏ khi chín chuyển sang màu đen sẫm và ăn được. Dâu tằm ra hoa vào tháng 4 – 5 và sai quả vào tháng 5 – 7 hằng năm.
2. Bộ phận dùng
Toàn bộ cây dâu đều được sử dụng để làm thuốc. Tang bạch bì là vỏ rễ phơi sấy của cây dâu.
3. Phân bố
Hiện nay, dâu tằm phân bố chủ yếu ở Việt Nam và Trung Quốc. Cây được trồng để làm thuốc, lấy quả và lấy lá nuôi tằm.
4. Thu hoạch – sơ chế
Có thể thu hoạch tang bạch bì gần như quanh năm. Sau khi đào rễ về đem cạo bỏ lớp rễ nâu bên ngoài, bóc lớp vỏ màu trắng đem rửa sạch rồi phơi/ sấy khô để dùng dần.
Ngoài ra có thể xé nhỏ tang bạch bì sau đó tẩm mật sao với lửa cho đến khi dược liệu khô và không dính tay là được.
5. Bảo quản
Bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ẩm và nhiệt độ cao.
Công dụng và Liều dùng
1. Tính vị
Vị ngọt, tính hàn và không có độc.
2. Thành phần hóa học
Vỏ rễ cây dâu là bộ phận chứa thành phần hóa học đa dạng nhất, bao gồm cyclomulberin, mulberin, cyclomulberochromen, mulberochomen, oxydihydromorusin, mulberanol, albanol, kuwanon, albafuran B, C, p-tocopherol, socopoletin, morin,…
3. Tác dụng dược lý
Tác dụng của dược liệu tang bạch bì theo Đông Y
- Công năng: Lợi tiểu, dịu hen, thanh nhiệt ở phế, tả phế, tiêu phù và bình suyễn.
- Chủ trị: Thủy thũng thực chứng, ho suyễn do phế nhiệt, mặt sưng phù.
Theo nghiên cứu dược lý hiện đại
- Tác dụng lợi tiểu: Cho thỏ thực nghiệm uống nước sắc tang bạch bì với liều 2g/ kg trọng lượng nhận thấy lượng nước tiểu tăng lên đáng kể trong vòng 6 giờ. Từ 7 – 24 giờ, lượng nước tiểu trở lại mức bình thường.
- Tác dụng hạ áp: Vỏ rễ cây dâu có tác dụng hạ áp chậm.
- Ngoài ra tang bạch bì còn có tác dụng chống co giật nhẹ, hạ nhiệt, an thần và giảm đau.
- Thuốc sắc tang bạch bì có tác dụng ức chế trực khuẩn lỵ Flexner, nấm tóc, trực khuẩn thương hàn và tụ cầu vàng.
- Thuốc chiết xuất từ dược liệu có tác dụng tế bào ung thư tử cung chủng JTC-28.
4. Cách dùng – liều lượng
Tang bạch bì được sử dụng chủ yếu ở dạng sắc và tán bột uống. Liều dùng tham khảo: 10 – 15g/ ngày,
Các bài thuốc tiêu biểu từ Dược Liệu
1. Bài thuốc trị viêm phổi thể nhiệt độc ở trẻ em
- Chuẩn bị: Thạch cao 20g, cam thảo 4g, hoàng liên, tri mẫu, hoàng cầm và liên kiều mỗi vị 6g, kim ngân hoa 16g, tang bạch bì 8g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
2. Bài thuốc trị viêm phổi thể phong nhiệt
- Chuẩn bị: Hoàng liên, tử tô và tang bạch bì mỗi thứ 8g, thạch cao, sài đất mỗi thứ 20g, kim ngân hoa 16g, lá tre 12g.
- Thực hiện: Sắc uống.
3. Bài thuốc trị khan tiếng, mất tiếng và ho lâu ngày không khỏi
- Chuẩn bị: Hạnh nhân (bỏ vỏ, đầu nhọn và nghiền nát) 30g, tang bạch bì 16g, bối mẫu 12g, tử tuyển 6g, ngũ vị tử 6g, thông thảo 12g.
- Thực hiện: Thái nhỏ dược liệu rồi đem sắc với 1.8 lít nước đến khi còn 600ml. Vớt bỏ bã và thêm sa đường 30g, mật ong 30g, sinh khương trấp 30ml chưng đến khi còn lại 400ml. Mỗi lần uống 20ml, ngày dùng 3 lần.
4. Bài thuốc trị chứng ho ra máu
- Chuẩn bị: Xuyên khung, tử tô, tang bì, phòng phong, chỉ xác, bạc hà, bối mẫu, xích linh, tiền hồ, sài hồ, hoàng cầm và cát cánh mỗi thứ 3.2g, cam thảo 6g, gừng 3 lát và táo tàu 2 trái.
- Thực hiện: Sắc uống.
5. Bài thuốc chữa ho do nhiệt đờm
- Chuẩn bị: Địa cốt bì và vỏ rễ cây dâu mỗi vị 12g, cam thảo 4g.
- Thực hiện: Sắc uống đến khi triệu chứng thuyên giảm hẳn.
6. Bài thuốc chữa bệnh viêm phế quản giai đoạn mãn tính
- Chuẩn bị: Tỳ bà diệp và tang bạch bì mỗi thứ 10g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày dùng 1 thang.
7. Bài thuốc trị viêm phổi, viêm phế quản, ho hen và sốt nhẹ
- Chuẩn bị: Sinh cam thảo 8g, địa cốt bì và vỏ rễ cây dâu mỗi thứ 12g, ngạnh mễ 20g.
- Thực hiện: Sắc uống, ngày uống 1 thang.
8. Bài thuốc chữa ho, hen suyễn và viêm khí quản
- Chuẩn bị: Sinh cam thảo 8g, hạt tía tô 12g và tang bạch bì 20g.
- Thực hiện: Sắc lấy nước uống, mỗi ngày sắc 1 thang.
Lưu Ý khi sử dụng Dược Liệu để trị bệnh
- Không dùng tang bạch bì cho người bị hen suyễn và ho do phế hàn (phổi nhiễm lạnh).
- Ngoài vỏ rễ dâu, quả dâu chín (tang thầm), lá cây dâu (tang diệp), cành non (tang chi), tổ bọ ngựa trên cây dâu (tang phiêu tiêu) và ký sinh cây dâu/ tầm gửi cây dâu (tang ký sinh) đều là những vị thuốc quý và có nhiều công dụng chữa bệnh.
- Đem tang bạch bì chích (tẩm mật sao) giúp tăng tác dụng nhuận phế.
Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Dược Liệu cũng như một số bài thuốc hay về vị thuốc này nhé !
Lưu ý
- Thông tin dược liệu mang tính chất tham khảo
- Người bệnh không tự ý áp dụng
- Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng
Nguồn: tracuuduoclieu.vn , tham khảo
Sách Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam