Hiện nay tỷ lệ người bị thoát vị địa đệm ngày càng tăng cao, không chỉ riêng quá trình lão hoá thường gặp ở người cao tuổi mà ngay những người trong độ tuổi lao động cũng có nguy cơ cao mắc bệnh lý này. Hãy cùng, Medplus tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo các loại bệnh khác:
1. Cơ Chế Gây Bệnh Thoát Vị Đĩa Đệm
Cột sống của con người được ví như trụ cột có vai trò quan trọng giúp nâng đỡ cơ thể. Nối giữa các đốt sống có các đĩa đệm có tính đàn hồi tốt.
Nhờ vào cấu tạo đặc biệt của cột sống có hình dạng gần giống như hình chữ S nên có thể phân tán các lực tác động lên cột sống, làm giảm thiểu được những chấn động lên 2 chi dưới khi chúng ta trong tư thế đứng thẳng người.
Đĩa đệm cột sống có hình dạng tròn và dẹt, được cấu tạo bởi 3 thành phần chính là nhân nhầy đĩa đệm có vị trí nằm giữa trung tâm, vòng sợi dày, chắc và mỏm sụn.
Đĩa đệm có hoạt động như một lớp đệm nằm giữa hai đốt sống kề cận, có tính đàn hồi cao và biến dạng khi có những tác động của những lực đẩy, nén, có chức năng bảo vệ cột sống nhờ vào khả năng giảm chấn động đến thân của đốt sống.
Khi bao xơ bên ngoài của đĩa đệm bị đứt, rách tạo thành những khe hở, tạo điều kiện cho nhân nhầy bên trong tuôn ra ngoài với áp lực cao và tốc độ nhanh. Quá trình này hình này hình thành một khối thoát vị chui vào bên trong của ống sống gây sự chèn ép lên rễ thần kinh và màng tuỷ, tình trạng này được gọi là bệnh thoát vị đĩa đệm.
Bất kỳ đoạn nào của cột sống cũng có thể gặp phải tình trạng thoát vị đĩa đệm, nhưng những vị trí phổ biến nhất thường là ở thắt lưng vị trí đốt sống L4 – L5, S1 và đốt sống cổ do những thói quen xấu hằng ngày tác động đến, hoặc cũng có thể liên quan đến các yếu như tuổi tác, gặp chấn thương.
2. Giai Đoạn Của Bệnh Thoát Vị Đĩa Đệm
Thoát vị đĩa đệm đau như thế nào? Bệnh thoát vị đĩa đệm chia thành 4 giai đoạn chính với mức độ từ nhẹ đến nặng, với những biểu hiện cơn đau tăng dần như sau:
Giai đoạn 1: Đĩa đệm ở cột sống bắt đầu bị biến dạng dần, tuy nhiên ở giai đoạn này vòng bao xơ bên ngoài chưa bị rách. Người bệnh thỉnh thoảng có cảm giác bị tê ở tay, chân. Vì không có cảm giác đau nhức ở giai đoạn đầu nên người bệnh thường không chú ý phát hiện ra mình mắc bệnh.
Giai đoạn 2: Ở giai đoạn 2, vòng xơ bên ngoài đã bị rách một phần, tạo điều kiện cho nhân nhầy có cơ hội thoát ra ngoài thông qua chỗ vòng xơ bị suy yếu. Đồng thời đĩa đệm bị phình to, nhưng cơn đau thường rất mơ hồ, người bệnh khó nhận biết.
Giai đoạn 3: Tình trạng thoát vị đĩa đệm ở giai đoạn đã nghiêm trọng, vòng xơ đã bị rách hoàn toàn, phần nhân nhầy bên trong lòi ra ngoài gây chèn ép lên rễ thần kinh. Thông thường những trường hợp bị thoát vị đĩa đệm bước vào giai đoạn này người bệnh mới có cảm giác đau kéo dài nên mới phát hiện và điều trị.
Giai đoạn 4: Đây là giai đoạn nghiêm trọng nhất. Rễ thần kinh bị chèn ép lâu ngày mà không được điều trị gây ra những biến chứng nguy hiểm. Người bệnh bị những cơn đau nhức kéo dài và dữ dội hành hạ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần, làm giảm chất lượng cuộc sống.
3. Nguyên Nhân Gây Đau Thoát Vị Đĩa Đệm
Người bệnh thoát vị đĩa đệm có thể xuất phát từ những nguyên nhân sau:
Sai tư thế: Trong quá trình làm việc, lao động ngồi sai tư thế quá lâu hay khi mang vác vật nặng sẽ làm tăng nguy cơ chấn thương cột sống, gây thoát vị đĩa đệm.
Bị chấn thương: Khi có một ngoại lực tác động mạnh lên vùng cột sống trong những trường hợp như té ngã, tai nạn, chơi thể thao…. sẽ làm thay đổi vị trí cấu trúc của đĩa đệm gây tổn thương và tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm.
Quá trình thoái hoá tự nhiên: Quá trình lão hoá diễn ra, khi tuổi càng cao thì cột sống càng bị suy giảm chức năng, không còn được mềm mại, bắt đầu xơ hoá, dịch dày và tính đàn hồi giảm đi, khiến tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm hơn những người trẻ tuổi. Độ tuổi thường bị thoát vị đĩa đệm thường nằm trong khoảng từ 35 – 50 tuổi.
Ngoài ra, có những yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh bạn cần chú ý như:
Thừa cân: Thừa cân, béo phì là nguyên nhân làm tăng áp lực nghiêm trọng lên phần cột sống và tăng nguy cơ thoát vị đĩa đệm cao gấp 12 lần so với người kiểm soát cân nặng tốt.
Có bệnh lý cột sống: Một số bệnh lý như gai đôi, vẹo cột sống, thoái hoá cột sống… cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh thoát vị đĩa đệm.
Nghề nghiệp: Những công việc có tính chất lặp lại hành đồng như kéo, đẩy, khiêng vác, gập người, ngồi lâu, ít vận động trong thời gian dài sẽ khiến áp lực ở cột sống tăng cao, dễ bị thoát vị đĩa đệm.
Đi giày cao gót: Nếu đi giày cao gót quá cao và thường xuyên có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm, biến dạng cơ bắp chân, dây chằng chân và lồi đĩa đệm. Để hạn chế nguy cơ này, nên lựa chọn kiểu giày phù hợp, không nên mang quá cao hoặc quá lâu, cuối ngày có thể massage giúp thư giãn bàn chân.
4. Dấu Hiệu Thoát Vị Đĩa Đệm
Thoát vị đĩa đệm thường gặp ở vùng thắt lưng và cột sống cổ. Đối với cột sống thắt lưng sẽ có những biểu hiện như:
- Cơn đau âm ỉ lan rộng ở vùng thắt lưng hoặc đến đột ngột và rất dữ dội.
- Đau thắt lưng thường kèm theo những dấu hiệu đau thần kinh tọa, cơn đau thường đau lan theo hình vòng cung, lan ra phía trước ngực, dọc theo khoang liên sườn.
- Người bệnh bị yếu chi, có cảm giác tê rần, khó gấp duỗi ngón cái, thường cảm nhận rõ ở vùng mu bàn chân và ở mông.
- Cơn đau thường tăng dần khi ngồi, có hành động đột ngột, ho, nằm nghiêng. Người bệnh thường phải đứng vẹo một bên để giảm đau.
Đối với thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, người bệnh có thể chú ý đến những biểu hiện như:
- Vùng cổ bị cứng, đau nhức lan ra vai gáy xuống đến bả vai.
- Bị tê ngón tay cái, cổ tay và đôi khi bị mất cảm giác những vùng bị tê, đau.
- Hạn chế cử động cánh tay, khó khăn trong các hoạt động sử dụng lực tay kém linh hoạt, cơ bắp tay bị suy nhược.
- Một số ít trường hợp ngoài cơn đau vùng cổ, người bệnh còn bị chóng mặt, đau đầu.
5. Điều Trị Thoát Vị Đĩa Đệm Như Thế Nào?
Cách chữa chèn ép dây thần kinh khi bị thoát vị đĩa đệm như thế nào? Bị thoát vị đĩa đệm sẽ gây chèn ép lên rễ thần kinh. Tuỳ theo giai đoạn của bệnh, bác sĩ sẽ phải chẩn đoán xác định tình trạng cụ thể mới có thể đưa ra phác đồ điều trị thích hợp.
5.1. Điều trị thoát vị đĩa đệm không dùng thuốc
Đa phần trường hợp bị thoát vị đĩa đệm sẽ không phải phẫu thuật. Phương pháp được áp dụng là luyện tập theo một liệu trình cụ thể theo chỉ định của bác sĩ hoặc có thể dùng thuốc kèm theo giúp giảm triệu chứng của bệnh và ngăn ngừa ảnh hưởng đến những bộ phận khác. Những phương pháp đưa ra thường là:
- Tập Yoga: Có thể kết hợp với những bài vận động thể chất phù hợp, ngồi thiền, tập thở giúp phục hồi chức năng cơ xương khớp và giảm đau.
- Phương pháp kéo nắn xương khớp Chiropractic: Giúp cải thiện cơn đau lưng dưới ở mức vừa. Nhưng cần theo sự hướng dẫn của bác sĩ. Ngoài ra trong một số trường hợp rất hiếm gặp phương pháp chiropractic điều trị cho bệnh nhân thoát vị đĩa đệm cổ có thể gây đột quỵ.
- Châm cứu: Giúp làm giảm đau cổ và đau lưng khá hiệu quả.
5.2. Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng thuốc
Bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc trong quá trình điều trị thoát vị đĩa đệm như:
- Thuốc có tác dụng giảm đau, kháng viêm.
- Thuốc chống động kinh.
- Một số trường hợp bị co cứng cơ cạnh cột sống được chỉ định dùng thuốc có tác dụng giãn cơ.
- Tiêm giảm đau ngoài màng cứng Corticosteroids: Đây là thuốc kháng viêm mạnh, giúp giảm nhanh triệu chứng của thoát vị địa đệm.
Điều trị ngoại khoa
Khi tình trạng thoát vị đĩa đệm quá nặng gây chèn ép toàn bộ rễ thần kinh ở vùng đuôi ngựa, gây biến chứng, khiến bệnh nhân mất cảm giác đau thì phương pháp được đưa ra thường là phẫu thuật giúp ngăn ngừa những biến chứng nguy hiểm. Hoặc khi phương pháp bảo tồn, dùng thuốc, tập vật lý trị liệu không hiệu quả cũng sẽ được xem xét chỉ định phẫu thuật.
Không ít bệnh nhân lo lắng rằng mổ thoát vị đĩa đệm có nguy hiểm không? Phẫu thuật được xem là phương pháp điều trị cuối cùng nên để ngăn ngừa biến chứng và giảm đau cho bệnh nhân. Hiện nay với sự tiến bộ của nền y khoa, mổ thoát vị đĩa đệm có tỷ lệ thành công khá cao lên đến 90 – 95%, tỷ lệ tái phát bệnh chỉ chiếm khoảng 5 – 10%.
Tuy nhiên, bệnh nhân có thể gặp những biến chứng sau mổ thoát vị đĩa đệm như:
- Bị nhiễm trùng sau khi mổ: Nhiễm trùng vết mổ, nhiễm trùng bên trong cột sống, nhiễm trùng trong đĩa đệm.
- Biến chứng tái phát bệnh sau khi mổ.
- Xuất hiện những cơn đau kéo dài.
Thoát vị đĩa đệm là một tình trạng không thể xem nhẹ vì có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào chứ không riêng người lớn tuổi. Để hạn chế những biến chứng khi bệnh tiến triển đến giai đoạn nặng, chuyển sang mãn tính hoặc gặp những biến chứng sau phẫu thuật, bệnh nhân nên chú ý những dấu hiệu sớm của bệnh và đến bệnh viện khám chẩn đoán kịp thời ngay ở giai đoạn đầu của bệnh.
Nguồn tham khảo: