Cùng Medplus tìm hiểu về liệu uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh là như thế nào bạn đọc nhé!

1. Bệnh uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh là gì?
Uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh là chứng bệnh làm co giật, căng cứng cơ do ngoại độc tố (tetanus exotoxin) của trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani gây ra, được ghi nhận cách đây hơn 30 thế kỷ. Trẻ sơ sinh bị trực khuẩn Clostridium tetani xâm nhập vào cơ thể gây bệnh thông qua vết cắt dây rốn bằng dụng cụ có mang nha bào uốn ván như: dao, kéo, băng bông không được vệ sinh tiệt trùng đúng quy cách.
Đây là căn bệnh nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong cao (25 – 90%), đặc biệt là ở phụ nữ mang thai và trẻ sơ sinh.
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có khoảng 500.000 trẻ bị chết vì uốn ván sơ sinh ở các nước đang phát triển. Tỷ lệ chết/mắc của uốn ván sơ sinh rất cao, có thể tới trên 80%, nhất là ở trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn.
Chính vì vậy vào năm 1989, đại hội đồng Y tế Thế giới đã họp và nhận định uốn ván sơ sinh là vấn đề y tế công cộng rất nghiêm trọng liên quan đến sự sống còn của trẻ em cũng như của các bà mẹ và đặt mục tiêu loại trừ uốn ván sơ sinh trên phạm vi toàn cầu.
Ở Việt Nam, bệnh uốn ván xuất hiện ở các tỉnh trong cả nước. Chương trình loại trừ uốn ván sơ sinh được triển khai từ năm 1992. Trong giai đoạn 1996 – 2000, tỷ lệ mắc uốn ván sơ sinh trung bình năm của cả nước là 0,13/1.000 trẻ đẻ sống. Từ năm 2005, Việt Nam đã loại trừ bệnh uốn ván sơ sinh theo quy mô huyện với tỷ lệ mắc dưới 1/1.000 trẻ đẻ sống.
2. Nguyên nhân bệnh uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh
Tác nhân gây ra uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh là trực khuẩn uốn ván Clostridium tetani thuộc họ Clostridium. Trực khuẩn này thường tạo nha bào hình cầu tròn ở dạng tự do hoặc ở một đầu của tế bào tạo hình dùi trống.
Trực khuẩn uốn ván dễ chết ở 56 độ C, nhưng nha bào uốn ván rất bền vững, chỉ chết khi đun sôi 30 phút. Các dung dịch sát trùng như phenol, formalin diệt được nha bào sau 8-10 tiếng. Nha bào uốn ván có mặt ở mọi nơi trong môi trường và có thể lây nhiễm cho các loại vết thương.
Trẻ sơ sinh bị bệnh uốn ván rốn do nha bào uốn ván xâm nhập qua dây rốn trong khi sinh đẻ. Lý do có thể vì cắt rốn bằng dụng cụ không vệ sinh. Hoặc sau khi sinh, trẻ không được chăm sóc rốn sạch sẽ nên đã bị nhiễm nha bào uốn ván. Thực tế cho thấy các trường hợp cắt dây rốn bằng kéo không được tiệt trùng kỹ hoặc chỉ ngâm qua nước nóng 5-10 phút, hay các cách cắt rốn thô sơ sẽ có nguy cơ gây bệnh uốn ván sơ sinh rất cao.
Mặc dù trực khuẩn uốn ván đã được phát hiện từ lâu nhưng bệnh uốn ván vẫn luôn là một vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Ở nước ta, bệnh uốn ván rốn vẫn còn gặp ở vùng nông thôn, miền núi do điều kiện tiệt trùng kém khi hỗ trợ sinh sản, thậm chí xử trí can thiệp không đảm bảo yêu cầu vệ sinh ở những trẻ bị đẻ rơi.
3. Triệu chứng bệnh uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh
Bệnh uốn ván thường được biểu hiện với những cơn co cứng cơ kèm theo đau, trước tiên là các cơ nhai, cơ mặt, cơ gáy sau đó là cơ thân. Cùng với đó trẻ sẽ có biểu hiện là vã mồ hôi và sốt.
Trẻ sơ sinh bị uốn ván sơ sinh vẫn bú và khóc bình thường trong 2 ngày đầu sau sinh (bệnh xuất hiện vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 28 sau khi sinh) sau đó cứng khớp, co giật và bỏ bú.
Các chương trình tiêm chủng toàn cầu đã giảm gánh nặng toàn cầu về tử vong uốn ván sơ sinh. Ước tính cho thấy, năm 2000 có 146.000 ca tử vong con số này giảm xuống còn 58.000 ca tử vong trong năm 2010.
4. Điều trị bệnh uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh như thế nào?
Điều trị uốn ván rốn ở trẻ thông thường được xử trí theo phác đồ sau:
- Ngăn chặn tạo độc tố uốn ván bằng cách xử lý vết thương: mở rộng vết thương, cắt bỏ triệt để tổ chức hoại tử tại vết thương để loại bỏ nha bào uốn ván. Sử dụng kháng sinh tiêu diệt tận gốc tế bào thực vật là nguồn sản sinh ra độc tố.
- Trung hòa độc tố uốn ván: Để vô hiệu hóa độc tố lưu hành trong máu và độc tố ở vết thương nhằm làm giảm tỷ lệ tử vong, kịp thời dùng globulin miễn dịch uốn ván của trẻ. Tốt nhất là nên tiêm kháng độc tố trước khi điều trị vết thương.
- Kiểm soát co giật và co cứng cơ: Để trẻ nơi yên tĩnh, kiểm soát ánh sáng, tiếng ồn và tránh kích thích gây co giật là các biện pháp quan trọng trong chăm sóc người bệnh uốn ván. Dùng liều lượng thuốc ít nhất mà khống chế được cơn giật, không ức chế hô hấp và tuần hoàn.
- Điều trị hồi sức tích cực và các biện pháp hỗ trợ khác: Hồi sức hô hấp, đảm bảo thông thoáng đường thở, hút đờm dãi, không ăn uống đường miệng để tránh sặc và co thắt thanh môn. Mở khí quản có thể kết hợp hoặc không kết hợp với thở máy, bù nước và điện giải, tăng cường dinh dưỡng bằng truyền dịch hoặc cho ăn qua ống thông vào dạ dày; phòng chống chảy máu và loét đường tiêu hóa.
- Dùng vắc xin gây miễn dịch chủ động: Tất cả bệnh nhân phải được tiêm vắc xin sau khi bệnh đã phục hồi.

Tìm hiểu từ nguồn: Verywell Health
Như vậy, Medplus đã cung cấp cho bạn đọc đầy đủ thông tin hữu ích về bệnh về uốn ván rốn ở trẻ sơ sinh, hy vọng bài đọc sẽ cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích, giúp bạn nâng cao tầm hiểu biết mà hạnh phúc hơn.
Bên cạnh đó, Medplus cũng cung cấp một số thông tin liên quan :