Bạch thường sơn mọc hoang rất nhiểu ở các tỉnh miền rừng núi nước ta, Bắc Cạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Hoà Bình, Hà Tây, Sapa – Lào Cai cũng có mọc. Vậy có những bài thuốc trị bệnh hiệu quả từ dược liệu bạch thường sơn nào hiện nay? Hãy cùng Medplus tìm hiểu rõ hơn về loại dược liệu này nhé!

1. Thông tin dược liệu
Tên thường gọi: Thường sơn; Ô rô lửa; Áp niệu thảo; Thục tất; Sleng; Slảo mè (Tày)
Tên khoa học: Dichroa febrifuga Lour
Họ: Hydrangeaceae (Tú cầu)
Đặc điểm dược liệu
Cây nhỏ cao 1-2m, thân rỗng, dễ gẫy, vỏ ngoài nhẵn màu tím. Lá mọc đối, hình mác hai đầu nhọn, dài 13-20cm, rộng 35- 90mm, mép có răng cưa mặt trên xanh, mặt dưới tím đỏ, gân tím đỏ, không có lông hoặc hơi có lông. Hoa nhỏ màu xanh lam hay hồng, mọc thành chùm nhiều hoa mọc ở kẽ lá hay đầu cành. Quả mọng, khi chín màu xanh lam, đường kính 5mm, một ngăn, hạt nhiều nhỏ hình quả lê, dài dưới 1mm.
Bộ phận dùng
Rễ, lá, cành non.
Thu hái và chế biến
Mùa thu vào các tháng 8-10 người ta đào rễ về. rửa sạch đất, cắt bỏ rễ con, phơi hay sấy khô.
Nếu dùng lá, hái quanh năm nhưng tốt nhất lúc cây sắp và đang ra hoa. Hái về rửa sạch, phơi khô. Có thể dùng tươi.
Phân bố
Cây mọc phổ biến ở các sườn núi hay thung lũng núi đất chỗ ẩm ven suối trong rừng Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Thái, Vĩnh Phú, Hoà Bình, Hải Phòng đến Lâm Đồng.
2. Công dụng và tác dụng chính
Thành phần hóa học
Hoạt chất là các alcaloid (với lượng nhỏ ở trong rễ 0,1-0,15%), a- b- g-dichroine, dichroidin, 4-quinazolone (ceto-4-dihydroquinazolin), dichrin A hay umbelliferone, dichrin B. Febrifugin (dichroin B = b- và g-dichroin) và isofebrifugin (dichroin A = a-dichroin) có tác dụng độc đối với ký sinh trùng sốt rét Plasmodium như là quinin.
Tính vị
Vị đắng, tính hàn
Quy kinh
Quy vào kinh phế, tâm và can.
Tác dụng dược lý
Thường dùng trị sốt, rét, sốt cách nhiệt, sốt rét ba ngày một; ho nhiều; ngộ độc thức ăn. Liều dùng 6-12g, dạng thuốc sắc.
Đã được sử dụng từ lâu làm đầu vị chữa sốt rét, công hiệu gấp 10 lần quinin, nhưng đáng tiếc là mùi hôi khó chịu và phản ứng hơi lớn, nếu để sống hay gây nôn. Mặt khác, tuy là cây lý thú chữa sốt rét, nhưng hiệu suất alcaloid thấp, không thay thế được Canhkina (mà vỏ chứa đến 10% quinin).
Cách dùng và liều lượng
Bạch Thường sơn là một vị thuốc được dùng từ lâu đời trong đông y để chữa bệnh sốt rét (sốt rét thường hay sốt rét ác tính) rất có hiệu quả. Còn dùng chữa sốt thường. Tuy nhiên nhược điểm của bạch thường sơn là gây nôn. Những ancaloit lấy ra cũng gây nôn. Trong nhân dân có nói muốn bớt nôn cần rửa lá bằng rượu rồi mới dùng. Nhưng chúng tôi đã có dịp rửa rượu rồi mà vẫn gây nôn. Thường khi dùng bạch thường sơn phối hợp với nhiều vị thuốc khác ít nôn hơn.
Liều dùng trung bình: 6-12g dưới dạng thuốc sắc. Dùng riêng hay phối hợp với các vị thuốc khác.
3. Bài thuốc sử dụng
Chữa sốt rét
Dùng Bạch Thường sơn 8g, Thảo quả 4g, Binh lang 6g, Cát cánh 8g, nước 500ml. Sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. Hoặc dùng Bạch Thường sơn 8g, Hậu phác 6g, Bình lang 6g, Cam thảo 4g, Thanh bì 4g, Thảo quả 6g, nước 500ml. Sắc còn 200ml, chia 3 lần uống trong ngày. Người ta cũng dùng Bạch Thường sơn 6g, Hà thủ ô 10g, Phèn phi 0,01g, sắc uống.
Sốt rét cơn cách nhật
Bạch Thường sơn chế, Mần tưới, Chỉ thiên, Trần bì, Hoắc hương, mỗi vị 12g, sắc uống (Hành giản trân nhu).
Chữa ho, ngộ độc thức ăn
Bạch Thường sơn 3-5g, Cam thảo 10g. Đun sôi uống. Nếu chữa ngộ độc có thể dùng lá tươi giã nhỏ với rễ Cỏ lá tre, lá găng, lá Đơn răng cưa, thêm nước, gạn uống. Ngày 3-4 lần.
4. Những điều cần lưu ý khi dùng dược liệu
Trong quá trình điều trị bệnh bằng bạch thường sơn cần lưu ý: Không dùng cho phụ nữ có thai và người gầy kém sức. Không nên ăn Hành trong khi đang dùng thuốc.

5. Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Dược Liệu cũng như một số bài thuốc hay về vị thuốc này nhé!
Lưu ý:
- Thông tin về dược liệu mang tính chất tham khảo
- Quý độc giả không nên tự ý sử dụng phối bài thuốc mà sử dụng
- Quý độc giả nên tham vấn ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng, để hạn chế tác dụng phụ và tác dụng không mong muốn
Nguồn: tracuuduoclieu.vn
Xem thêm bài viết: