Cảo bản có tác dụng trấn tĩnh, giảm đau, giải nhiệt, chống viêm, có thể ức chế ruột, cơ bàng quang, giảm tốc độ hao hụt oxy, kéo dài thời gian sinh tồn trên chuột con; chống thiếu máu cơ tim trên chuột lớn. Vậy có những bài thuốc trị bệnh hiệu quả từ dược liệu Cảo bản nào hiện nay? Hãy cùng Medplus tìm hiểu rõ hơn về loại dược liệu này nhé!

1. Thông tin dược liệu
Tên thường gọi: Cảo bổn; Nhi khanh; Địa tân; Vi hành
Tên khoa học: Luguslicum sinense Oliv
Họ: Hoa tán (danh pháp khoa học: Umbelliferae)
Đặc điểm dược liệu
Có 2 loại Cảo bản thường được dùng để làm thuốc:
Cây Tây khung Cảo bản (Liguslicum sinense Oliv.): là cây thân thảo, sống nhiều năm, cao 0,5 – 1 m hoặc có thể hơn. Lá mọc so le, kép lông chim 2 – 3 lần, cuống lá dài 9-12cm, phía dưới ôm lấy thân. Cụm hoa hình tán kép, mỗi tán 16 – 20 cuống, mỗi tán nhỏ mang nhiều hoa nhỏ màu trắng. Quả gồm 2 phần, mỗi phần có 5 ống chạy dọc, giữa sống của quả Tây khung cảo bản có tới 3 ống tinh dầu.
Cây Liêu Cảo bản (còn gọi Bắc cảo bản – Ligusticum jeholense): cũng là cây lâu năm, thấp hơn cây Tây khung Cảo bản, thân rễ ngắn. Thân mọc thẳng đứng, phía dưới có đường kính 3 – 5 mm, thường có màu tím. Lá 2 lần kép lông chim mép có răng cưa, cuống lá phát triển thành bẹ ôm lấy thân. Cụm hoa hình tán kép 6 – 19 cuống, tán dài ngắn không đều, tán nhỏ mang khoảng 20 hoa nhỏ màu trắng. Quả cũng gồm 2 phần quả dính nhau, hình thoi, dài chừng 5mm. Trên mỗi phần quả có 5 sống dọc, nhưng giữa sống của cây Liêu cảo bản chỉ có 1 ống tinh dầu.
Cả 2 loại này đều thuộc họ Hoa tán (Apiaceae), toàn cây đều có mùi thơm và cùng thường được dùng làm thuốc.
Bộ phận dùng
Thân rễ và rễ (củ) của cây được làm thuốc.
Thu hái và chế biến
Thu hái thân rễ và củ của cây vào tháng 4 – 10 hằng năm. Khi hái về, đem cắt bỏ phần thân trên, sau đó rửa sạch tạp chất, cắt bỏ rễ con và đem phơi khô.
Hoặc có thể bào chế dược liệu theo những cách sau đây:
- Cắt bỏ đầu, rửa sạch, sau đó thái thành lát và đem phơi khô.
- Bỏ bớt đất cát, đem rửa sạch, ủ mềm, thái lát và phơi khô.
Dược liệu sau khi bào chế ở vỏ ngoài màu vàng nâu hoặc vàng đất. Bề mặt dược liệu có nhiều vết nhăn dọc, dược liệu có mùi thơm đặc trưng, vị đắng.
Phân bố
Vị thuốc này chủ yếu trồng nhiều ở Trung Quốc, nhiều nhất ở các tỉnh Hà Bắc, Nội Mông, Sơn Tây, Liêu Ninh,…
2. Công dụng và tác dụng chính
Thành phần hóa học
Trong rễ Cảo bản chứa 1,5% tinh dầu, trong đó thành phần chủ yếu là 3 – butylphthalide, Cnidilide. Ngòai ra còn chứa các thành phần khác như Alkaloid , Hexadecanoic acid v.v…(theo ‘Trung dược học”).
Tính vị
Vị cay, mùi thơm, tính ôn.
Quy kinh
Quy vào kinh Bàng Quang.
Tác dụng dược lý
Theo y học hiện đại:
- Tác dụng bình suyễn rõ rệt.
- Dầu chiết xuất từ cảo bản có tác dụng chống viêm, giải nhiệt, giảm đau và ức chế cơ bàng quang – ruột.
- Cồn chiết xuất từ thuốc có tác dụng ức chế nấm và hạ huyết áp.
Theo y học cổ truyền:
- Công dụng: Trừ thấp và tán phong hàn.
- Chủ trị: Cảm mạo, đau bụng, mụn nhọt, nhức đầu, sang lở, đau bụng.
Cách dùng và liều lượng
Cảo bản thường được dùng ở dạng sắc uống hoặc dùng ngoài. Liều dùng trung bình từ 3 – 6g/ ngày.
3. Bài thuốc sử dụng
Bài thuốc chữa chứng hàn uất tại kinh lạc, nhức đầu đau buốt đến tận đỉnh óc
Cảo bản, Khương hoạt, Tế tân, Xuyên khung, Thông bạch sắc nước uống, uống cho ra mồ hôi.
Phương thuốc chữa người bị cảm phải khí lạnh, hơi sương mù
Dùng Cảo bản sắc nước, bỏ bã. Sau đó lấy Mộc hương mài bột cho vào uống.
Bài thuốc chữa cảm mạo phong hàn, nhức đầu ớn lạnh không ra được mồ hôi
Khương hoạt 6g, Độc hoạt 9g, Phòng phong 9g, Cảo bản 9g, Mạn kinh tử 9g, Xuyên khung 4,5g, Cam thảo 3 g, sắc lấy nước uống.
Bài thuốc trừ bỏ gàu trên đầu
Cảo bản và Bạch chỉ, 2 vị lượng bằng nhau tán bột. Ban đêm trước khi đi ngủ lấy bột này xát vào tóc, đến sáng khi dùng lược chải đầu, sẽ chải sạch ra những gàu ở trên đầu.
Bài thuốc chữa trẻ em bị ghẻ lở loang loét
Dùng Cảo bản nấu nước đặc mà tắm rửa cho nó. Đồng thời cũng lấy ít nước đó đem giặt quần áo.
Bài thuốc trị chứng nhiễm phong hàn gây đau đầu, đau nửa đầu, đau cột sống
- Chuẩn bị: Xuyên khung và cam thảo mỗi vị 6g, mạn kinh tử, cảo bản, độc hoạt và phòng phong mỗi vị 12g, khương hoạt 8g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.
Bài thuốc chữa đau đầu do hàn tà
- Chuẩn bị: Hành tây, tế tân, xuyên khung và cảo bản.
- Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.
Bài thuốc trị chứng đau đầu kèm mạch hoạt, rêu lưỡi nhớt, ngực đầy, buồn nôn, ăn kém
- Chuẩn bị: Xuyên khung, bán hạ chế, câu đằng mỗi vị 15g, huyền minh phấn 6g, thiên ma, bạch chỉ và cảo bản mỗi vị 10g.
- Thực hiện: Sắc uống hằng ngày.
Bài thuốc trị chứng đau dạ dày và đau bụng do hàn
- Chuẩn bị: Thương truật 12g và cảo bản 20g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước uống.
Bài thuốc chữa bệnh trĩ kèm ngứa
- Chuẩn bị: Hồng hoa và tế tân mỗi vị 2g, cam thảo, cảo bản , thăng ma mỗi vị 4g, ma hoàng 5g, khương hoạt 15g, sài hồ và phòng phong mỗi vị 6g, hoàng kỳ và tần giao mỗi vị 8g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc uống hằng ngày.
Bài thuốc chữa đau bụng do lạnh khi đang hành kinh
- Chuẩn bị: Can khương, mộc hương, cam thảo, cảo bản, phục linh, phòng phong và tế tân mỗi vị 4g, đan bì, thương truật, ô dược, mạch môn, quy đầu, bán hạ và ngô thù du mỗi vị 8g.
- Thực hiện: Đem các vị sắc lấy nước và chia thành 2 lần uống. Ngày dùng 1 thang cho đến khi triệu chứng thuyên giảm.
4. Những điều cần lưu ý khi dùng dược liệu
Trong quá trình điều trị bệnh bằng cảo bản cần lưu ý: Không dùng cho người bị đau đầu do huyết hư. Không có thực tà phong hàn và âm hư hỏa vượng không nên dùng cảo bản.

5. Lời kết
Hy vọng với những thông tin trên, MedPlus sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về Dược Liệu cũng như một số bài thuốc hay về vị thuốc này nhé!
Lưu ý:
- Thông tin về dược liệu mang tính chất tham khảo
- Quý độc giả không nên tự ý sử dụng phối bài thuốc mà sử dụng
- Quý độc giả nên tham vấn ý kiến thầy thuốc trước khi sử dụng, để hạn chế tác dụng phụ và tác dụng không mong muốn
Nguồn: tracuuduoclieu.vn
Xem thêm bài viết: